"Tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời, cùng với những tiến bộ đối với hệ thống pin lưu trữ điện (BESS) giúp Việt Nam trở thành trung tâm trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Đông Nam Á" - bà Kitty Bu, phó chủ tịch khu vực Đông Nam Á của Liên minh Năng lượng toàn cầu vì con người và hành tinh (GEAPP), trả lời Tuổi Trẻ.
Cần đầu tư thêm cho năng lượng sạch
Nắm bắt xu hướng chuyển dịch năng lượng của thế giới, cùng mục tiêu tăng quy mô nền kinh tế xanh từ 6,7 tỉ USD năm 2020 lên đến 300 tỉ USD trong tổng GDP quốc gia vào năm 2050, Việt Nam với tiềm năng điện gió và điện mặt trời lớn sẽ là thị trường có nhiều dư địa cho nhiều tập đoàn năng lượng đa quốc gia.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), Việt Nam tính đến năm 2023 ghi nhận 17GW công suất điện mặt trời lắp đặt. Việt Nam hiện dẫn đầu trong nhóm các quốc gia ASEAN về công suất lắp đặt điện mặt trời với gần gấp đôi tổng công suất của các quốc gia trong khu vực ASEAN cộng lại.
Cục Quản lý thương mại quốc tế Mỹ (ITA) cũng đánh giá Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất tại châu Á, khi Chính phủ Việt Nam kỳ vọng mức tiêu thụ điện sẽ tăng trưởng 10 -12% mỗi năm cho đến năm 2030.
Dù đánh giá cao về tiềm năng năng lượng tái tạo của Việt Nam, bà Kitty Bu cho rằng các mục tiêu chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam vẫn cần được đầu tư đáng kể, với ước tính 135 tỉ USD vào năm 2030 và có thể tăng từ 364 đến 511 tỉ USD trong giai đoạn 2031 - 2050.
"Khoản đầu tư này rất quan trọng không chỉ để phát triển cơ sở hạ tầng bền vững mà còn nhằm hiện đại hóa lưới điện, nhân rộng các giải pháp lưu trữ năng lượng và hỗ trợ sinh kế bền vững", bà Bu nhận định.
Ngoài lợi thế về thiên nhiên, Việt Nam cũng cho thấy sự sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư với các sáng kiến như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, Quy hoạch điện 8 cũng như tham gia Thỏa thuận hợp tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Đại diện của GEAPP cho rằng những cam kết của Chính phủ Việt Nam về tăng trưởng xanh là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên bối cảnh đầu tư, góp phần thu hút các nhà đầu tư năng lượng sạch.
Ngoài hỗ trợ cho sáng kiến JETP tại Việt Nam, GEAPP cũng đang hợp tác trong một dự án thí điểm BESS phù hợp với Quy hoạch điện 8, trong mục tiêu giảm khí thải carbon nhưng vẫn duy trì an ninh năng lượng.
"Cần có quan hệ đối tác chiến lược giữa các khu vực công và tư cũng như các tổ chức từ thiện nhằm củng cố thêm niềm tin của nhà đầu tư, huy động tài chính xanh, đưa ra các cải cách chính sách có mục tiêu, đồng thời tận dụng cơ hội để thúc đẩy quá trình chuyển đổi của Việt Nam", bà Bu khuyến nghị.
Sự quan tâm của châu Âu
Trao đổi với Tuổi Trẻ, Tổng lãnh sự Anh tại TP.HCM Alexandra Smith khẳng định nước Anh đồng hành nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0. "Thông qua cam kết Net Zero, Việt Nam đã định vị mình là quốc gia dẫn đầu khu vực về phát triển bền vững và là điểm đến lý tưởng cho đầu tư xanh" - bà Smith nêu.
Anh cũng là đối tác của Việt Nam trong JETP. Cùng với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), Anh cam kết huy động tới 15,5 tỉ USD từ các đối tác quốc tế và khu vực tư nhân để huy động đầu tư vào năng lượng tái tạo và giảm dần sự phụ thuộc vào than, đồng hành với mục tiêu đạt mức thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ.
Chia sẻ cùng mục tiêu với Anh, Tổng lãnh sự Hà Lan tại TP.HCM Daniel Stork khẳng định Hà Lan nói riêng và châu Âu nói chung cam kết sẽ giúp Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh.
"Hà Lan cũng đã đầu tư vào nhiều dự án khác nhau tại Việt Nam. Một trong những dự án quan trọng nhất mà chúng tôi đầu tư là các trang trại điện gió ở Trà Vinh với trị giá ít nhất 17 triệu euro (17,86 triệu USD)", ông Stork nói thêm.
Ông Stork cho biết Hà Lan sẽ tiếp tục quan tâm đầu tư cho những dự án năng lượng xanh tương tự tại Việt Nam như đầu tư cho năng lượng mặt trời tại các khu công nghiệp nơi có nhiều công ty Hà Lan đặt trụ sở.
Pháp cũng có nhiều doanh nghiệp đang tham gia vào thị trường năng lượng Việt Nam. Chẳng hạn Công ty cung cấp giải pháp năng lượng Green Yellow, hoạt động tại Việt Nam từ năm 2020, đã lắp đặt 1,2 triệu m² tấm pin quang điện, cung cấp đủ năng lượng cho 8.300 ngôi nhà mỗi năm và giảm phát thải CO2 tới 147.000 tấn, tương đương với việc trồng 3,3 triệu cây xanh.
Đóng góp cho cơ sở hạ tầng năng lượng xanh và hiện đại tại Việt Nam, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quan hệ đối tác quốc tế của Ủy ban châu Âu Myriam Ferran hồi tháng 5 đã có chuyến thăm đến Ninh Thuận, nhấn mạnh dự án thủy điện tích năng Bác Ái là một dự án trọng điểm trong chiến lược Cửa ngõ toàn cầu (Global Gateway) của EU. Bà Ferran khẳng định EU và các nước thành viên cam kết cung cấp các khoản vay và gói viện trợ ưu đãi nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho dự án xây dựng nhà máy thủy điện tích năng đầu tiên của Việt Nam.
14,2 triệu việc làm xanh
Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tiềm năng tạo ra 14,2 triệu việc làm xanh ròng vào năm 2030, với cơ hội cho hơn 2 tỉ thanh thiếu niên. Từ năm 2016 - 2021, khu vực đã chứng kiến mức tăng trưởng 30% trong việc tuyển dụng các công việc xanh.
Nhận định về tiềm năng trên, bà Bu cho biết các dự án năng lượng tái tạo - chẳng hạn như trang trại năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các cơ sở lưu trữ pin - không chỉ giúp nâng cấp cơ sở hạ tầng trong vùng mà còn tạo ra cơ hội trong các cộng đồng hạn chế về việc làm. Mang lại giá trị cao và lâu dài, các công việc này có thể trải rộng trên các lĩnh vực như xây dựng, vận hành, bảo trì và quản lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận