17/11/2022 08:08 GMT+7

Việt Nam - Thái Lan với chiến lược 'ba kết nối'

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chan-o-cha bày tỏ hài lòng khi quan hệ hai nước ngày càng phát triển. Hợp tác kinh tế tiếp tục là điểm sáng bất chấp bối cảnh khó khăn chung của khu vực cũng như thế giới.

Việt Nam - Thái Lan với chiến lược ba kết nối - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tại cuộc họp báo sau hội đàm chiều 16-11 - Ảnh: NHẬT ĐĂNG

Ngày 16-11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới Thái Lan, bắt đầu chuyến thăm chính thức xứ sở chùa vàng. Sau lễ đón chính thức trang trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha bước vào hội đàm với nhiều nội dung cụ thể, thực chất.

Quan hệ kinh tế ngày càng sâu

Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên trong 24 năm của Chủ tịch nước Việt Nam tới Thái Lan. Theo Bộ Ngoại giao, điều này giúp chuyến công tác của Chủ tịch nước đặt thêm một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ ngày càng gắn bó hơn giữa hai nước.

Tại hội đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chan-o-cha bày tỏ hài lòng khi quan hệ hai nước ngày càng phát triển. Hợp tác kinh tế tiếp tục là điểm sáng bất chấp bối cảnh khó khăn chung của khu vực cũng như thế giới.

Trong năm 2021, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với kim ngạch đạt cao kỷ lục 19 tỉ USD, tăng 18% so với năm 2020. 

Hiện Thái Lan cũng nằm trong nhóm 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam với 670 dự án (tổng vốn đăng ký 13 tỉ USD). 

Ngay sau đại dịch, du lịch hai nước nhanh chóng khởi sắc. Tính trong 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đón 40.000 lượt khách Thái Lan và Thái Lan đón 130.000 lượt khách Việt Nam.

Đó là nền tảng quan trọng để hai bên cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương sớm đạt mục tiêu 25 tỉ USD theo hướng cân bằng hơn. Trong hội đàm, Chủ tịch nước đề nghị Thái Lan hạn chế áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và tạo thuận lợi cho nông sản Việt Nam tiếp cận thị trường Thái Lan.

Chủ tịch nước hoan nghênh các doanh nghiệp Thái Lan mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như công nghệ cao, kinh tế số, thương mại điện tử, năng lượng xanh, cơ sở hạ tầng…, khuyến khích hai bên tiến tới sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán song phương.

Sự gần gũi giữa Việt Nam và Thái Lan trong lĩnh vực kinh tế cũng được thể hiện qua việc thành lập Phòng Thương mại và Công nghiệp Thái Lan tại Việt Nam (ThaiCham) vào tháng 12-2021. Trong tuyên bố chung, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược tăng cường giữa Thái Lan và Việt Nam thông qua chiến lược "ba kết nối".

Chiến lược này tập trung vào kết nối chuỗi cung ứng; kết nối các ngành kinh tế cơ sở, đặc biệt là kết nối giữa các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ, các doanh nghiệp của địa phương; và cuối cùng là kết nối các chiến lược tăng trưởng bền vững của hai nước là chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam và mô hình kinh tế sinh học - tuần hoàn - xanh (BCG) của Thái Lan.

Tăng cường hợp tác quốc tế

Năm nay, Thái Lan dành ưu tiên cho Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 29 tại Bangkok. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ dự APEC, và ông là lãnh đạo đầu tiên của APEC năm nay thăm Thái Lan.

Như Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã lưu ý trong cuộc phỏng vấn trước chuyến thăm, việc chủ nhà Thái Lan đón tiếp Chủ tịch nước trọng thể đã cho thấy Thái Lan xem trọng mục tiêu vun đắp quan hệ đối tác chiến lược tăng cường với Việt Nam.

Trước những tác động tiêu cực của các thách thức địa chính trị đối với những nước đang phát triển hiện nay, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chan-o-cha bày tỏ quyết tâm tăng cường quan hệ Việt Nam - Thái Lan trong mọi lĩnh vực. Hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy đoàn kết, vai trò trung tâm và các nỗ lực của ASEAN trong giải quyết các vấn đề mới nổi.

Về vấn đề Myanmar, hai nhà lãnh đạo nhất trí ủng hộ vai trò dẫn dắt của ASEAN. Hai bên cũng bày tỏ ủng hộ với việc triển khai bốn lĩnh vực hợp tác xác định trong Khuôn khổ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Khuôn khổ Phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF) và các sáng kiến khác của ASEAN. 

Về thương mại, Việt Nam và Thái Lan thống nhất sẽ hợp tác chặt chẽ trong việc triển khai hiệu quả Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Hai bên khẳng định tiếp tục tích cực phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế. Hai nước sẽ cùng nỗ lực thực hiện mục tiêu về một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương "Rộng mở - Kết nối - Cân bằng".

5 văn kiện hợp tác

Kết thúc hội đàm chiều 16-11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan Chan-o-cha đã chứng kiến lễ ký kết năm văn kiện hợp tác, bao gồm:

- Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược tăng cường giai đoạn 2022-2027;

- Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự;

- Bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khỏn Kèn (Thái Lan);

- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Ủy ban Thương mại Thái Lan;

- Thỏa thuận thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư song phương giữa Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Thái Lan.

Thủ tướng Thái Lan chủ trì lễ đón chính thức Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc Thủ tướng Thái Lan chủ trì lễ đón chính thức Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

TTO - Chiều 16-11, tại trụ sở Chính phủ Thái Lan, Thủ tướng nước chủ nhà Prayut Chan-o-cha chủ trì lễ đón chính thức Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên