12/04/2025 11:33 GMT+7

Việt Nam mong muốn Trung Quốc chuyển giao công nghệ trong kỷ nguyên mới

Khoa học công nghệ được đánh giá là lĩnh vực hợp tác tiềm năng to lớn, nhận được quan tâm trong bối cảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lần thứ tư đến Việt Nam.

Việt Nam mong muốn Trung Quốc chuyển giao công nghệ trong kỷ nguyên mới - Ảnh 1.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí ngày 11-4 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

"Tiềm năng, không gian hợp tác khoa học công nghệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là hết sức to lớn", Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định khi trả lời báo chí ngày 11-4, trước thềm chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng làm sâu sắc hơn nữa hợp tác khoa học công nghệ với Trung Quốc.

Trong đó mong muốn Trung Quốc tăng cường hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ về vốn trong lĩnh vực này để tạo nền tảng vững chắc khi hai nước đều bước vào kỷ nguyên mới, thời đại mới phát triển phồn vinh, thịnh vượng của hai dân tộc.

Đi sâu hơn vào vấn đề, ông Sơn cho biết sau hơn 45 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Từ chỗ là một nước đi sau, đến nay Trung Quốc đã trở thành một cường quốc khoa học công nghệ, với vị trí thứ 3 thế giới về đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) và dẫn đầu thế giới về số lượng bằng phát minh sáng chế.

Đặc biệt gần đây, Trung Quốc đã liên tiếp công bố nhiều thành tựu công nghệ nổi bật trong các lĩnh vực then chốt như trí tuệ nhân tạo (AI), mạng 5G, robot tự động, chip bán dẫn, công nghệ vũ trụ... "Có thể nói chỉ trong hơn 40 năm, Trung Quốc đã đi được chặng đường nhiều quốc gia khác phải mất hơn hai thế kỷ", ông Sơn nêu nhận định.

Với Việt Nam, Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn khẳng định Đảng và Nhà nước luôn đề cao và đặc biệt coi trọng vai trò mang tính quyết định của khoa học công nghệ đối với sự phát triển bền vững của đất nước, thể hiện qua việc những năm gần đây đã ban hành nhiều văn kiện chính trị quan trọng về lĩnh vực này.

Để góp phần thực hiện các mục tiêu, tầm nhìn phát triển chiến lược đã đề ra, Việt Nam mong muốn phát huy những lợi thế hiện có về nguồn lao động dồi dào với chất lượng ngày càng nâng cao cũng như cơ chế chính sách thu hút đầu tư ngày càng hoàn thiện, thị trường giàu tiềm năng về R&D.

Qua đó tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tham gia sâu rộng vào chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghệ cao, công nghệ then chốt.

"Thành công của Trung Quốc đã tạo nguồn động lực mạnh mẽ cho các lực lượng tiến bộ thế giới, mang lại cơ hội phát triển mới cho quá trình hiện đại hóa của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam", ông Sơn khẳng định.

Trung Quốc - Ảnh 2.

Xe lửa chở hàng hóa giữa Trung Quốc và Việt Nam tháng 8-2023 - Ảnh: THX

Ngoài khoa học công nghệ, trong cuộc trả lời báo chí ngày 11-4, ông Sơn cũng điểm lại các bước phát triển tích cực gần đây trong quan hệ song phương.

Trong đó nổi bật là việc hai bên đã nhất trí tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược" theo định hướng "6 hơn".

Về thương mại, năm 2024 chứng kiến đỉnh cao mới, vượt mức 200 tỉ USD về kim ngạch thương mại hai chiều theo thống kê của Việt Nam và 260 tỉ USD theo số liệu của Trung Quốc.

Trong 3 tháng đầu năm 2025, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt 51,25 tỉ USD, tăng 17,46%. Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất, mang lại lợi ích thiết thực cho hàng triệu nông dân Việt Nam.

Kết nối cơ sở hạ tầng giữa hai nước, nhất là đường sắt đạt nhiều tiến triển quan trọng với việc hai bên đã hợp tác chặt chẽ trong việc lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

"Việt Nam phấn đấu xây dựng tuyến đường sắt này trong năm 2025 cũng như hoàn thành lập quy hoạch hai tuyến đường sắt Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, Đồng Đăng - Hà Nội trong năm 2026", Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn chia sẻ thêm.

Việt Nam mong muốn Trung Quốc chuyển giao công nghệ trong kỷ nguyên mới - Ảnh 3.Ông Tập Cận Bình sẽ làm gì trong chuyến thăm Việt Nam lần này?

Dự kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có lịch trình dày đặc các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao Việt Nam trong hai ngày ở Hà Nội, với hàng chục văn kiện được ký kết.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên