Trưng bày sách "Thơ Việt Nam đương đại" tại phòng đọc Thư viện Quốc gia Pháp
Họ đang tìm mọi cơ hội để hướng về và phát triển đất nước. Cũng có thể là người chẳng có máu mủ ruột rà gì với quốc gia bé nhỏ này nhưng họ lại bị hai chữ “Việt Nam” quyến luyến và không ngừng cổ vũ cho sự phát triển của nó.
Khi thế giới trở nên phẳng, những giấc mơ cũng không có “quốc tịch”. Ước mong về một Việt Nam mạnh giàu, khởi sinh bên ngoài lãnh thổ, nói với ta nhiều hơn về cái di sản hiện tồn trên đường phát triển đó.
* Giáo sư Michel Espagne (Pháp):
“Cha đẻ” của khái niệm “chuyển giao văn hóa” và sự chờ đợi bên kia bán cầu
Lần đầu đến Việt Nam, giáo sư Michel Espagne - người được biết đến là “cha đẻ” của khái niệm “chuyển giao văn hóa” (transferts culturels) - đã bị quyến rũ bởi cảnh sắc Ninh Bình và thú nhận “tôi yêu Phở”.
Ông viết hoa chữ “Phở” như lưu ý một đặc sản mà chỉ Việt Nam mới có. Khi báo Tuổi Trẻ lên kế hoạch cho số đặc biệt 2-9, tiến sĩ văn chương ở Pháp Nguyễn Vũ Hưng “mách” có nhân vật này hay lắm: “Michel Espagne - một giáo sư đầu ngành ở Pháp, lúc nào cũng ưu tiên chính sách trao đổi, phát triển văn hóa Việt Nam”.
Michel Espagne nói góc nhìn của ông không phải để mang lại ánh sáng mới cho triết lý hay lịch sử Việt Nam, mà để tìm ra những gì lịch sử văn hóa Việt Nam có thể cho thấy những điều mới mẻ trong chuyển giao văn hóa.
Trên nhiều khía cạnh, khả năng diễn giải và chuyển biến các tiếp nhận văn hóa để tạo ra bản sắc riêng của văn hóa Việt Nam là một kiểu mẫu. Góc nhìn này làm ông quyến luyến hai chữ “Việt Nam”.
Vị chuyên gia khả kính này là đồng tác giả của cuốn L’itinéraire de Tran Duc Thao. Phénoménologie et transferts culturels (Hành trình của Trần Đức Thảo. Hiện tượng học và chuyển giao văn hóa). Người Việt này đặc biệt ra sao mà khiến Michel Espagne và cộng sự của mình “bóc tách” ở cả một cuốn sách?
Giáo sư Michel Espagne
Espagne nói như một hình dung rỡ ràng: Trần Đức Thảo là một khuôn mặt đặc biệt thú vị, vì đây là người đã đóng góp to lớn vào không khí học thuật ở Paris về hiện tượng học của Đức, tác phẩm của Husserl, trước khi truy vấn những mối quan hệ có thể có với chủ nghĩa duy vật biện chứng.
“Trần Đức Thảo về nước năm 1951, trong những điều kiện khó khăn, để thực hiện một cuộc chuyển giao văn hóa mới, làm giàu cho triết học Việt Nam bằng triết học phương Tây mà chính ông là một đại diện tiêu biểu” - Michel Espagne nói.
Ở Pháp cũng như ở Việt Nam, khoa học xã hội và nhân văn chứng kiến sự chuyển biến mạnh trong nhiều lĩnh vực, từ lịch sử xã hội đến triết học, ngôn ngữ, mỹ học hay nhân chủng học và văn chương.
Michel Espagne đặt câu hỏi: “Sao không bàn trong khuôn khổ Pháp - Việt?”. Đó là tiền đề để cuốn Hanoi - Paris. Un nouvel espace des sciences humaines (Hà Nội - Paris. Một không gian mới của khoa học nhân văn, 2020) ra đời, tổng hợp kết quả từ khoảng 40 nhà nghiên cứu của hai nước.
Khái niệm “chuyển giao văn hóa” không chỉ đúng trong lịch sử mà đúng cả trong bối cảnh hôm nay, gắn với viễn cảnh xuyên quốc gia, toàn cầu hóa. Hỏi giáo sư Michel Espagne, chọn điểm nhìn từ Pháp, ông có những lưu ý gì về công cuộc đẩy mạnh phát triển Việt Nam hôm nay?
Nếu sự phát triển kinh tế hay sự phát triển khoa học, giáo dục theo nghĩa rộng cần thiết cho một đất nước bao nhiêu thì khoa học xã hội và nhân văn cũng cần thiết bấy nhiêu để duy trì sự tồn tại của nó như một thể thống nhất đặc biệt.
Ông hy vọng từ nay đến năm 2045 Việt Nam ý thức được tầm quan trọng của khoa học nhân văn, ý thức được sự giàu có mà truyền thống của đất nước đã thể hiện trong lĩnh vực này. Michel Espagne xem đó như một thứ “vàng ròng” trên con đường kiến tạo Việt Nam hôm nay và nay mai. Đổi mới luôn bắt nguồn từ kết hợp.
Giáo sư Michel Espagne xem việc ủng hộ, cổ vũ cho sự chuyển giao văn hóa là “nhiệm vụ” của mình. Sau khi Phạm Văn Quang và Võ Thị Ánh Ngọc dịch Par-delà nature et culture của Philippe Descola ra tiếng Việt với tựa Bên kia tự nhiên và văn hóa, thì những công trình của giáo sư Trần Đình Sử, đặc biệt là về Truyện Kiều, cũng được Trần Lê Bảo Chân dịch ra tiếng Pháp.
Ông hy vọng vào sự năng động trong dịch thuật khoa học nhân văn giữa hai bên. Michel Espagne nói ông tò mò và chờ đợi ai sẽ là Trần Đức Thảo của tương lai.
Hai lĩnh vực nghiên cứu của giáo sư Michel Espagne là vấn đề Đức và chuyển giao văn hóa, tức hiện tượng các nền văn hóa được dựng nên từ những tiếp nhận và chuyển biến tùy theo đặc thù quốc gia.
Trong quá trình đó, ông “gặp” Việt Nam. “Lịch sử văn hóa Việt Nam cung cấp một ca nghiên cứu đặc biệt” - ông nói. Đất nước này đã lần lượt thu nhận các yếu tố văn hóa bên ngoài: Trung Hoa, Ấn Độ, Pháp, Mỹ, Nhật, Nga; mỗi yếu tố du nhập lại được diễn giải, thích ứng, thay đổi nghĩa để tạo ra căn tính mới.
Từ đó, cùng với tiểu thuyết gia Pháp gốc Việt Hoai Huong Aubert Nguyen, ông đã thử nghiên cứu chuyển giao văn hóa Pháp - Việt trong cuốn Le Vietnam. Une histoire de transferts culturels (Việt Nam.
Một lịch sử chuyển giao văn hóa, 2015). Ngoài những nghiên cứu cá nhân, Michel Espagne còn cố gắng hỗ trợ cho sự hợp tác giữa hai nước Pháp - Việt cũng như đảm bảo sự hiện diện mạnh mẽ của Việt Nam trong không gian Trường đại học Sư phạm cao cấp Paris.
* Nguyễn Giáng Hương (quản lý bộ sưu tập Đông Nam Á - Thư viện Quốc gia Pháp):
Những ẩn ngầm khác biệt, niềm kiêu hãnh Việt Nam
Việc đứng trên mặt đất quê hương nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta giống nhau đến dường nào; thì ở xa Tổ quốc, trong cái khuôn dáng vô hình vạn trạng ấy, lại mách bảo một điều ngược lại. Nó dấy lên một giấc mộng khác: được khác biệt, được độc đáo.
Lịch sử - văn hóa Việt Nam “thỏa mãn” được Nguyễn Giáng Hương giấc mộng đó. Hương nói công việc của chị là “mời” các bạn quốc tế “đến” với Việt Nam thông qua kho tư liệu phong phú, đang được bồi đắp từng ngày.
Hiện chị quản lý bộ sưu tập Đông Nam Á tại Thư viện Quốc gia Pháp (BnF) và là thành viên nghiên cứu Trường đại học Sư phạm cao cấp Paris, điều phối dự án chuyển giao văn hóa Pháp - Việt.
Trong bộ sưu tập mà Hương đang quản lý, có kho sách Đông Dương gồm toàn bộ các ấn phẩm được in ở Đông Dương, chủ yếu ở Việt Nam, từ năm 1922-1954 với 12.486 đầu sách, chưa kể 2.500 đầu báo. Từ đó tới nay, tủ sách này luôn được làm đầy thêm bằng những sách mới.
Nguyễn Giáng Hương tại lễ trao giải Viện hàn lâm Khoa học hải ngoại Pháp cho cuốn sách “Văn học Việt Nam Pháp ngữ 1913 - 1986”
Kho sách Đông Dương này có vai trò rất quan trọng bởi nó đánh dấu sự ra đời của nhiều lĩnh vực tại Việt Nam trong buổi đầu giao thoa văn hóa với phương Tây. Chỉ hai nơi trên thế giới có kho tư liệu này: một ở Việt Nam, một ở Pháp.
Hương nói những bạn đọc quốc tế nếu không sang được Việt Nam thì họ đến đây tra cứu. Cho tới bây giờ, lịch sử Việt Nam vẫn luôn có một sức hấp dẫn đặc biệt đối với họ.
“Có lần nhà nghiên cứu người Mỹ Virgina Shih viết thư rồi sang tận đây, để tìm vài tư liệu liên quan đến Hán - Nôm. Tôi tự hỏi sao một người bên kia đại dương lại lặn lội sang đây chỉ vì muốn “hiểu” hơn đất nước nhỏ bé hơn đất nước họ rất nhiều? Điều đó khiến tôi cũng không ngừng tò mò, tìm hiểu lại cội nguồn của mình” - Hương kể.
“Đọc lại” lịch sử Việt Nam từ xa Tổ quốc, ngó thấy chính mình đầy khoảng trống cần lấp. Nguyễn Giáng Hương nói cảm nghiệm đó chị chưa từng có khi ở trong nước.
Khi được soi chiếu trong bối cảnh đa quốc gia mới thấy một Việt Nam ẩn ngầm những khác biệt. Điều đó khiến cô gái sinh năm 1984 này cảm thấy “tự hào ghê gớm” và tìm mọi cơ hội có thể để “khoe” đất nước mình.
Nguyễn Giáng Hương đứng ra chủ trì các hội thảo hằng tháng, các sự kiện quan trọng về Việt Nam hoặc những dịp lễ, kỷ niệm, tưởng nhớ...
Chẳng hạn vào Ngày thơ hằng năm, chị thực hiện trưng bày thơ Việt Nam đương đại tại BnF; ngày nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời, chị viết bài về ông tưởng nhớ một gương mặt văn xuôi xuất sắc nhất thời kỳ đổi mới.
Cá nhân chị từng nhận được giải thưởng của Viện hàn lâm Khoa học hải ngoại Pháp năm 2019 cho cuốn sách La Littérature vietnamienne francophone (1913 - 1986) - Văn học Việt Nam trong Pháp ngữ (giai đoạn 1913 - 1986).
Qua bộ phận văn học của người Việt viết bằng tiếng Pháp, chị đã đem câu chuyện thế hệ người Việt đầu tiên trên đất Pháp thời hậu thuộc địa - vốn ít được đề cập trong tiến trình lịch sử của cả hai nước - ra khỏi bóng tối, thể hiện vai trò chứng nhân lịch sử của mình.
Chị cũng thực hiện dự án khám phá bộ sưu tập chứa các bản đánh máy chưa từng được xuất bản của tác giả Phạm Văn Ký - một gương mặt văn chương đặc biệt - hiện được bảo quản tại BnF gồm tiểu thuyết, sân khấu, thơ ca, tiểu luận.
Nguyễn Giáng Hương tâm sự người ta thường nhắc đến Việt Nam với những mảnh bom đạn nham nhở, lịch sử đau thương và kiêu hùng mà quên mất Việt Nam hậu chiến, Việt Nam đương đại.
Vì thế, trong quá trình làm việc, Hương rất quan tâm tới việc mở rộng chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt các chuyên gia trẻ, nhằm có một cái nhìn đa chiều và “cập nhật” Việt Nam, cho thấy Việt Nam hôm nay có những phát triển, tiến bộ đáng kể, không chỉ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật mà còn cả khoa học xã hội, nhân sinh quan nữa. Mục đích không nằm ngoài mấy chữ “tôn vinh, quảng bá văn hóa Việt đến các bạn bè thế giới”.
Năm nay chị Hương đảm nhận thêm vị trí giám đốc khoa học của website chia sẻ di sản trực tuyến bằng tiếng Pháp và tiếng Việt - Thư viện Hoa phượng vỹ (https://heritage.bnf.fr/france-vietnam/fr).
Đây là dự án hợp tác giữa Thư viện Quốc gia Pháp và Thư viện Quốc gia Việt Nam mà chị là người thúc đẩy miệt mài. Hiện có hơn 10.000 đầu sách của kho sách Đông Dương được số hóa tại địa chỉ này. Chị cung cấp từ khóa để phát triển Việt Nam từ bên ngoài Tổ quốc: “chia sẻ”.
Khi bước lên máy bay đi du học Pháp, cô gái trẻ chỉ nghĩ mình sang đó để học hỏi. Nhưng ngẫm lại con đường đã đi qua, việc hiểu và tìm lại bản thân mới là con đường bất ngờ nhất.
Hương nói chị cảm thấy may mắn khi làm công việc này, để có thể “bắc một chiếc cầu” xuyên biên giới tới Việt Nam, đồng thời tự giải đáp những câu hỏi về bản thân, về nguồn gốc của mình.
“Càng sống ở nước ngoài lâu mới hiểu trong muôn vàn định nghĩa của đời người, định nghĩa mình là ai, biết mình là ai là quan trọng nhất. Quá trình tái khám phá chính mình, từ nền văn hóa nào, từ lịch sử nào bước ra, nó cũng tựa một niềm kiêu hãnh ở bên kia bán cầu” - Nguyễn Giáng Hương nói.
* Bùi Thị Minh Châu (đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Visible Impact - quản lý dự án tại Đức):
BnF có khối tư liệu về Việt Nam được cho là lớn nhất thế giới ở nhiều lĩnh vực. Riêng sách in (không tính tài liệu nghe nhìn, hình ảnh, bản đồ) có khoảng 90.000 đầu sách.
Trong đó có các tư liệu liên quan đến Việt Nam, gồm các văn tự Hán - Nôm từ đầu thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, những văn bản đầu tiên được viết tay bằng chữ quốc ngữ. Đặc biệt, có bản gốc của cuốn từ điển đánh dấu sự ra đời của chữ quốc ngữ Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes.
Trải nghiệm riêng về “đất nước trong bàn tay”
“Trước đây tôi nghĩ phải ở Việt Nam thì mới có thể làm gì đó cho Việt Nam. Giờ nhận ra ở bất cứ đâu cũng có thể đóng góp cho đất nước nếu bạn luôn hướng về nó và kiên định như một phần lý tưởng”.
Nghe Bùi Thị Minh Châu nói, có thể ai đó giãy lên “nghe có vẻ to tát quá”. Nhưng nhìn lại con đường đi của cô gái này mới hiểu ước mơ không phải là điều để nói với người khác. Nó là một thứ hết sức thuần túy mà một khi lựa chọn rồi thì chính là đáp án duy nhất.
Nếu là fan của chương trình Đường lên đỉnh Olympia, hẳn có người sẽ nhớ Bùi Thị Minh Châu (Trường THPT Chu Văn An, Ninh Thuận) - người về đích tuần 2 tháng 2 quý 4 Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 5.
Từ đó đến nay Châu đã đi một đường học dài “xuyên lục địa”, đi đi về về giữa trời Tây và Việt Nam, để thực hiện các dự án cộng đồng, phi lợi nhuận. Đó cũng là ước mơ của Châu từ năm 17 tuổi.
Bùi Thị Minh Châu
Nhìn lại con đường đã đi qua, rất dễ “chóng mặt” vì bước chân “đu đưa” giữa Việt Nam - Đức của Châu.
Nhưng tựu trung lại, dù ở đâu, làm gì thì mục tiêu cuối cùng của chị vẫn là mang những điều tốt đẹp nhất đến cho Việt Nam: dự án về trẻ em đường phố, bảo tồn động thực vật hoang dã, biến đổi khí hậu, sức khỏe cộng đồng. Tới nay chị đã có 10 năm kinh nghiệm trong mảng phi lợi nhuận.
“Chẳng biết từ lúc nào, tôi thích được trực tiếp làm việc với người dân nghèo lam lũ, những đứa trẻ thất học, những nạn nhân chất độc da cam, những cộng đồng dễ bị tổn thương ở Việt Nam và mong muốn những điều tốt nhất cho họ” - Châu nói.
Châu từng trải qua những đợt sóng băn khoăn về việc đi hay ở lại Việt Nam. Rồi chị nhận ra vấn đề không nằm ở đó, vì ở đâu cũng có thể góp một phần sức lực của mình để phát triển đất nước.
Hạnh phúc của Châu giờ đây là có một mảnh rừng vừa được phủ xanh lại, những loài động vật hoang dã có thêm lại một phần hệ sinh thái của chúng, một đứa trẻ lang thang cơ nhỡ ngọng nghịu nay đã biết phép tính đầu tiên trong đời, một lá thư chia tay được gửi từ một bé gái nghèo...
5 năm trước, đọc lời dặn của Trúc Lâm đại sĩ với đứa con gái của mình trước khi xuất giá trong cuốn Am mây ngủ của thầy Thích Nhất Hạnh, Châu nói chị cần thêm thời gian để thấu hiểu triết lý “đất nước trong bàn tay”.
“Con có nhìn thấy ta trong bàn tay của con không? Không những ta và mẹ con có mặt nơi bàn tay con, mà cả giống nòi và đất nước này cũng có mặt nơi bàn tay con. Con ở đâu thì ta ở đó, con làm gì thì ta làm cái đó và dân tộc con làm cái đó…”.
Có lẽ giờ đây chị đã hiểu “đất nước trong bàn tay” là gì trong trải nghiệm rất riêng tư của mình. Không phải về mới là yêu nước. Ở bất cứ đâu, chỉ cần trên bàn tay sinh mệnh của đời người có gia đình, quê hương bé nhỏ, có đất nước hình chữ S và một lòng hướng về, vun vén cho nó, cũng là cách phát triển đất nước.
Sau khi tốt nghiệp đại học, từ năm 2009 - 2012, Bùi Thị Minh Châu là trợ lý và điều phối dự án cho Quỹ Christina Noble Children’s tại TP.HCM - chuyên hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của Việt Nam.
Từ năm 2012 - 2014, Châu sang Đức học cao học ngành quản lý phát triển với học bổng toàn phần của Đức; đến năm 2015 về nước, trở thành nhân viên phụ trách quản lý thiên tai tại Hội Chữ thập đỏ Đức tỉnh Bình Định; từ năm 2015 - 2017 làm việc cho tổ chức PATH…
Năm 2018, Bùi Thị Minh Châu sang Đức làm tư vấn ngắn hạn 3 tháng ở Viện Gustav-Stresemann-Institut tại Bonn và được giữ lại làm việc ở đó cho tới nay.
Năm 2019, khi về Việt Nam thăm gia đình, biết tin phái đoàn Liên minh châu Âu có gói viện trợ thường niên cho những ý tưởng hay, Châu vạch một lúc hai bản kế hoạch và điều bất ngờ đến là cả hai dự án đều được chọn - điều rất hiếm gặp trong cuộc bình chọn của liên minh.
Hai dự án đang triển khai tại nước ta: Win win for Vietnam của RED (thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức xã hội Việt Nam, hướng tới phát triển bền vững cho Việt Nam) và Quỹ Bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam của GreenViet. Chị là người đại diện GSI, đồng tài trợ và đồng thực hiện cả hai dự án này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận