02/09/2015 14:51 GMT+7

Việt Nam, hãy ước mơ: Con mơ làm bác sĩ ở hải đảo

H.HƯƠNG, HOANGHUONG@TUOITRE.COM.VN
H.HƯƠNG, HOANGHUONG@TUOITRE.COM.VN

TT - “Con ước mơ sau này sẽ làm bác sĩ ở hải đảo để chữa bệnh cho mọi người ngoài đảo xa. Con nghe mẹ con nói các chú bộ đội và bà con ở ngoài đảo vất vả lắm...”.

Bé Nguyễn Minh Anh và mẹ           - Ảnh: H.HG.
Bé Nguyễn Minh Anh và mẹ - Ảnh: H.HG.

Khi nghe tâm sự về tương lai của bé Nguyễn Minh Anh - học sinh lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Đình Chính, quận Phú Nhuận, TP.HCM, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên.

Như đoán được điều đó, chị Nguyễn Thị Huyền - mẹ bé Minh Anh, giải thích: “Tất cả bắt đầu từ hình ảnh đẹp của các bác sĩ nhi khoa từng khám bệnh cho Minh Anh. Bé nhà mình may mắn nên toàn gặp bác sĩ dịu hiền, nhỏ nhẹ và nhân từ.

Thế nên từ khi Minh Anh hơn 3 tuổi, bé đã ao ước được làm bác sĩ với một niềm tin chắc chắn: bác sĩ rất giỏi, con đang bệnh nhưng cứ gặp bác sĩ là bác sĩ làm cho con hết bệnh. Còn việc “chữa bệnh cho chú bộ đội ngoài đảo xa” thì mới đây thôi”.

Theo lời kể của chị Huyền, tháng 5-2015 chị đi công tác ở Trường Sa (mẹ bé Vân Anh là phó trưởng văn phòng đại diện báo Sức Khỏe Và Đời Sống tại TP.HCM - NV): “Khi đó bé sợ lắm, không cho mẹ đi vì “ngoài đảo có sóng to, có tàu Trung Quốc rất dữ, rất hay xịt vòi rồng vào tàu Việt Nam, lỡ mẹ bị thương thì sao?”.

Những điều này bé đã được xem trên tivi trước đó nên nói vậy. Qua chuyện này tôi mới biết con gái ít nói nhưng hay quan sát và có những suy nghĩ, nhận xét như người lớn.

Tôi đi Trường Sa - về nhà được ba ngày thì đến lượt ông xã cũng đi Trường Sa (ba của bé Vân Anh cũng là một nhà báo quân đội - NV). Trong ba ngày trước khi ba bé lên đường, tôi đã kể cho ông xã nhiều về những điều mắt thấy tai nghe trong chuyến đi của mình”.

Chị Huyền chia sẻ: “Tôi kể về những người tốt nghiệp Học viện Quân y tự nguyện viết đơn ra phục vụ ngoài đảo trong điều kiện vô cùng thiếu thốn, khó khăn. Tôi kể cho ba bé nghe rằng ở giữa muôn trùng khơi ấy, sinh mạng và sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ, người dân, ngư dân đều trông chờ hoàn toàn vào đôi tay tài hoa của bác sĩ vì ngoài đó lấy đâu ra máy móc, trang thiết bị hiện đại như trong bờ.

Tôi kể người bệnh ở ngoài đảo được bác sĩ xem như người ruột thịt, khi có người bệnh vào bệnh xá, bác sĩ nhường cả phần ăn, chỗ nằm... của mình cho bệnh nhân.

Tóm lại tôi kể cho ba bé nghe rất nhiều, kể với tất cả lòng ngưỡng mộ, khâm phục và trân quý những cán bộ - chiến sĩ trong ngành quân y. Tôi không ngờ câu chuyện của ba mẹ đã được Minh Anh ghi nhận từng chi tiết và còn khắc sâu trong lòng. Một ngày, bé nói với mẹ là bé muốn trở thành bác sĩ ngoài hải đảo làm cả nhà cùng bất ngờ”.

Kể xong, chị Huyền hạ giọng, nói rất nhỏ như thì thầm với chúng tôi: “Con có ước mơ đẹp quá nên ba mẹ cứ nương theo con chứ tôi không giải thích gì nhiều. Tôi cũng không nói với con là bác sĩ nữ không được nhận ra phục vụ ngoài đảo. Vì con còn nhỏ mà...”.

Trước khi ra về, chúng tôi đề nghị Minh Anh chơi trò khám bệnh với bạn gấu bông để chụp vài tấm hình (vì bé cho biết mình thích nhất trò chơi này).

Khi đã có đầy đủ dụng cụ khám bệnh trên bàn như ống nghe, máy đo huyết áp... nhưng “bác sĩ” Minh Anh vẫn không chịu “khám bệnh” vì “còn thiếu giấy và bút”. Mặc dù chị Huyền ra sức giải thích con chỉ giả bộ khám bệnh cho bạn gấu bông để cô chụp hình, nhưng Minh Anh vẫn quả quyết: “Bác sĩ phải có giấy, bút để ghi bệnh chứ!”.

* Ý kiến chuyên gia:

Nuôi dưỡng ước mơ của con bằng lời động viên!

Cách làm của phụ huynh bé Minh Anh là đúng đắn. Năm nay bé mới 6 tuổi, vẫn còn quá nhỏ để nghe và hiểu được những lời giải thích cụ thể, tỉ mỉ về một nghề nào đó. Việc trước mắt phụ huynh cần làm là cứ để bé được sống với ước mơ của mình, được thoải mái trình bày về nghề nghiệp mà mình yêu thích.

Phụ huynh hãy tạo điều kiện cho con nuôi dưỡng ước mơ của mình bằng những lời động viên, ủng hộ.

Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh phụ huynh chỉ ủng hộ bằng lời nói. Với lứa tuổi này, hãy cứ để mọi thứ diễn ra tự nhiên chứ ba mẹ bé cũng không cần phải chăm bẵm, tập trung quá nhiều cho nghề mà bé thích. Tức là bé cần được sinh hoạt, học tập như bao bạn bè đồng trang lứa, bé phải được học và mở rộng kiến thức phổ thông, cơ bản, nền tảng của một học sinh tiểu học.

Việc nói chuyện nghiêm túc về nghề nghiệp tương lai với những yêu cầu về khả năng, kiến thức, trình độ… tôi cho rằng đến tuổi học sinh THCS mới phù hợp.

TS VÕ VĂN NAM (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

Bé Trần Hoàng Vân Anh bên bộ đồ chơi nấu ăn vừa được tặng - Ảnh: H.HG.
Bé Trần Hoàng Vân Anh bên bộ đồ chơi nấu ăn vừa được tặng - Ảnh: H.HG.

Chắp cánh cho ước mơ con trẻ

Với niềm tin mỗi giấc mơ hôm nay sẽ dẫn đến thành công ngày mai, Công ty Unilever - nhãn hàng OMO tổ chức chương trình “Việt Nam, hãy ước mơ!” nhằm khuyến khích các bậc cha mẹ cùng chia sẻ, nuôi dưỡng và chắp cánh cho ước mơ của con trẻ. Thông tin chi tiết về chương trình tại http://hayuocmo.omovietnam.com.

Mời bạn đọc gửi câu chuyện về những ước mơ của con cho báo Tuổi Trẻ: giaoduc@tuoitre.com.vn và cùng chuyên gia chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình nuôi dưỡng con trẻ. Ban tổ chức chương trình sẽ chọn ba bé có ước mơ dễ thương nhất để trao quà động viên, mỗi phần quà trị giá 5 triệu đồng.

* Ngày 30-8, đại diện báo Tuổi Trẻ đã trao phần quà trị giá 5 triệu đồng (bao gồm bộ đồ chơi làm đầu bếp và một khóa học nấu ăn dành cho bé 6 tuổi) cho bé Trần Hoàng Vân Anh, học sinh lớp 1 Trường tiểu học Võ Trường Toản, quận 10, TP.HCM (nhân vật trong bài “Con ước mơ làm đầu bếp”, Tuổi Trẻ ngày 25-8-2015). Nhận được quà Vân Anh rất vui, nhờ cha ráp ngay bộ đồ chơi và ríu rít kêu mẹ cùng “chiên khoai tây”, “nướng gà”... với mình.

H.HƯƠNG, HOANGHUONG@TUOITRE.COM.VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên