20/12/2023 11:17 GMT+7

Việt Nam đứng thấp nhất trong nhóm nước có tăng lương tối thiểu thực

Trong 22 quốc gia có hệ thống lương tối thiểu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam thuộc nhóm 7 quốc gia tăng trưởng lương tối thiểu thực giai đoạn 2020 - 2022, trong khi 15 quốc gia còn lại tăng trưởng âm.

Công nhân sản xuất trong xưởng tại Công ty Green PrecisonComponents Việt Nam - Ảnh: HÀ QUÂN

Công nhân sản xuất trong xưởng tại Công ty Green PrecisonComponents Việt Nam - Ảnh: HÀ QUÂN

Đây là thông tin từ bản tổng thuật của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về "Lương tối thiểu khu vực ASEAN trong khủng hoảng từ đại dịch COVID-19 và lạm phát tăng cao", gửi tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước phiên họp thứ hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Việt Nam trong nhóm tăng lương tối thiểu thực

Theo đó, 15/22 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có mức tăng trưởng âm về tiền lương tối thiểu giai đoạn hậu COVID-19, trong đó có Úc, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan...

Việt Nam nằm trong 7 quốc gia đạt tăng trưởng lương tối thiểu thực cùng với Fiji, New Zealand, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Nhật Bản. Tuy nhiên, Việt Nam có mức tăng trưởng thấp nhất (0,7%), trong khi Fiji 33%, Malaysia 29,2%...

ILO sử dụng lương tối thiểu danh nghĩa (lương theo luật định hoặc đạt được qua thương lượng) và lương tối thiểu thực tế (phản ánh thực tế sức mua hàng hóa, dịch vụ của người nhận mức lương tối thiểu đó) để ra kết quả trên.

Theo ILO, lạm phát mạnh làm giảm sức mua của lương tối thiểu, ảnh hưởng đến khoảng 186 triệu người làm công ăn lương ở châu Á và Thái Bình Dương.

Từ cuối năm 2020, khi tác động của COVID-19 vào các nền kinh tế do sự đứt gãy chuỗi cung ứng, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu không đủ chống đỡ tỉ lệ lạm phát tăng liên tục trong khu vực. Rồi xung đột Nga - Ukraine làm trầm trọng thêm.

Việt Nam đã tạm dừng việc điều chỉnh lương tối thiểu vào năm 2021 để khu vực tư nhân "nghỉ lấy sức". Sau đó đã khôi phục cơ chế điều chỉnh định kỳ lương tối thiểu vào tháng 7-2022. Kết quả từ 2015 - 2022, Việt Nam đã tăng lương tối thiểu thực tế 19,8%.

Hỗ trợ công nhân mua hàng bình ổn giá trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn - Ảnh: C.TRIỆU

Hỗ trợ công nhân mua hàng bình ổn giá trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn - Ảnh: C.TRIỆU

Lạm phát khiến lương tối thiểu tăng trưởng âm

Thái Lan đã ba lần điều chỉnh trước giai đoạn COVID-19 giúp cải thiện 5% mức lương tối thiểu thực tế. Lần điều chỉnh tăng 4,8% lương tối thiểu danh nghĩa gần đây vẫn không đủ đối trọng với áp lực lạm phát. Tính ra lương tối thiểu thực tế đã giảm 2,7% trong thời kỳ hậu COVID-19.

Còn tại Lào, mức lương tối thiểu danh nghĩa tăng lên 75,7% trước COVID-19 và tiếp tục tăng 9,1% vào năm 2022. Tuy nhiên hầu như không có tác động gì do lạm phát nhanh chóng làm giảm giá trị của tiền lương vào cuối năm.

Hay trường hợp của Úc vốn có tiền lương tối thiểu cao nhất trong 22 quốc gia. Sau đại dịch COVID-19, năm nào Úc cũng điều chỉnh lương tối thiểu nhưng vẫn không theo kịp tỉ lệ lạm phát.

Trong khi các nước có thu nhập cao như Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc phải đối mặt với tỉ lệ lạm phát cao so với mức trung bình trong lịch sử thì Trung Quốc là trường hợp duy nhất không ghi nhận tình trạng giá cả tăng cao sau khủng hoảng.

Tốc độ tăng trưởng lương tối thiểu trung bình thực tế của Trung Quốc duy trì ở mức 1,3% trong toàn bộ thời kỳ, dẫn đến mức tăng chung 9,5% từ 2015 - 2022.

Quốc gia/bang

Tỉ lệ tăng/giảm (%)

Sri Lanka

-44,7

Lào

-27,3

Mông Cổ

-24,2

Myanmar

-21,4

Bangladesh

-16,7

Bang Nagaland - Ấn Độ

-14,5

Papua New Guinea

-12,1

Timor-Leste

-12

Campuchia

-6,5

Nepal

-4,7

Đô thị Delhi - Ấn Độ

-4,9

Bang Punjab – Ấn Độ

-3,6

Pakistan

-3,5

Thái Lan

-2,7

Indonesia

-2,6

Hàn Quốc

-2,3

Úc

-2,2

Việt Nam

0,7

Nhật Bản

3,0

Philippines

4,4

New Zealand

4,7

Trung Quốc

5,6

Malaysia

29,2

Fiji

33

Tỉ lệ tăng, giảm sức mua tối thiểu từ tháng 1-2020 đến tháng 12-2022. Trong bảng này tính cả 2 bang của Ấn Độ, thành thống kê 24 quốc gia/bang - Nguồn: ILO

Có tiếp tục tăng lương tối thiểu?

Đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách tiền lương tối thiểu là người lao động được trả lương thấp, nhất là lao động khu vực phi chính thức. Giá lương thực và năng lượng tăng cao là nỗi lo của các hộ gia đình có thu nhập thấp chủ yếu làm việc trong nền kinh tế phi chính thức.

Nên lương tối thiểu đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm mức lương thỏa đáng cho lao động thu nhập thấp, giúp giảm bất bình đẳng và tình trạng "dù có việc làm vẫn nghèo khó". Đặc biệt trong bối cảnh lạm phát tăng cao.

ILO đánh giá lương tối thiểu của Việt Nam có quỹ đạo tăng nhất quán. Mức lương tối thiểu tăng từ 119 USD (tháng 12-2015) lên 168 USD (tháng 12-2022).

Việt Nam cũng điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ 1-7-2022 với mức tăng trung bình 6,1%, vượt xa tỉ lệ lạm phát giai đoạn 2020 - 2022.

ILO khuyến nghị mức lương tối thiểu cần đủ để cân bằng giữa nhu cầu của người lao động và gia đình họ cũng như các yếu tố kinh tế. Điều này buộc các quốc gia phải thường xuyên điều chỉnh lương tối thiểu để đáp ứng các điều kiện kinh tế thay đổi, gồm cả lạm phát gia tăng.

Tuy nhiên cần tính đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, yếu tố kinh tế khi xác lập lương tối thiểu. Trong đó gồm khả năng chi trả của nhiều doanh nghiệp cũng như cân nhắc yếu tố kinh tế vĩ mô.

Với một số quốc gia, việc tăng lương nhiều gây khó khăn hoặc tạo ra rủi ro khi cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19 gây ra đã tác động nghiêm trọng đến việc làm, năng suất lao động. Nếu tiền lương tăng mà không tăng năng suất có thể tiếp tục gây ra lạm phát, ảnh hưởng đến việc làm.

Đặc biệt, ILO cho rằng cần đưa ra các biện pháp thay thế của chính phủ để giảm bớt tác động đối với các hộ gia đình. Có thể tạm thời giảm thuế gián thu đối với hàng hóa và dịch vụ hay thuế đối với các công ty dầu khí.

Ngoài ra, việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) có thể giúp giảm gánh nặng lạm phát cho các gia đình có thu nhập thấp và giảm mức giá chung.

Lương 8,61 triệu đồng là đủ sống ở thành phố lớn?Lương 8,61 triệu đồng là đủ sống ở thành phố lớn?

Kết quả một nghiên cứu về lương đủ sống tại Việt Nam của Viện nghiên cứu Anker (Anker Research Institute) vừa công bố cho thấy lương tối thiểu được áp dụng ở Việt Nam thường quanh mức 50% lương đủ sống.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên