Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế, phát biểu chỉ đạo hội nghị - Ảnh: TTXVN
Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), chia sẻ như vậy tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về hội nhập quốc tế diễn ra ngày 23-4.
Theo chủ tịch VCCI, quá trình hội nhập của Việt Nam đang chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu. Các doanh nghiệp không chỉ nhận thức mở thị trường mức độ cao hơn với thương mại, hàng hoá, đầu tư mà còn những vấn đề quy tắc ứng xử, phi thương mại, quy chuẩn quốc tế.
Quan trọng hơn là hội nhập đã tạo những thay đổi vô hình trong nhận thức xã hội, thể chế, cách điều hành kinh tế hay trong môi trường kinh doanh và sự phát triển của doanh nghiệp. Sức ép cạnh tranh đã giúp nhiều ngành nghề kinh tế Việt Nam tiến bộ, và phát triển hơn.
Tuy vậy, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng bên cạnh thành công, vẫn còn những tiếc nuối là Việt Nam vẫn chưa tận dụng hết mà quá trình hội nhập đang mang lại. Từ góc độ kinh doanh, các doanh nghiệp đã có những điều chỉnh khá tốt để thích nghi để tiếp tục sinh tồn nhưng lại thiếu năng lực để tận dụng cơ hội bứt phá, vượt lên.
"Ước tính khoảng 2/3 ưu đãi thuế quan của các FTA đang bị doanh nghiệp bỏ phí, tỉ trọng đóng góp ngày càng thấp của các doanh nghiệp nội địa trong kim ngạch xuất khẩu mấy năm qua là ví dụ. Doanh nghiệp FDI đang tận dụng cơ hội tốt hơn doanh nghiệp nội", ông Vũ Tiến Lộc nói.
Trong thời gian tới, ông Vũ Tiến Lộc đưa ra một số cảnh báo có thể ảnh hưởng đến quá trình hội nhập của Việt Nam. Trong đó, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung dù kết cục thế nào vẫn sẽ khiến Trung Quốc, nơi được mệnh danh công xưởng thế giới, thay đổi, từ đó nền sản xuất thương mại toàn cầu cũng đã thay đổi theo. "Giải quyết những câu chuyện này phải bắt đầu từ nội lực bên trong, từ doanh niệp đến thể chế", ông Lộc nói.
Doanh nghiệp Việt Nam đang nắm bắt những cơ hội do hội nhập đem đến. Trong ảnh một buổi kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và phái đoàn Cuba - Ảnh: N.BÌNH
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế - nhấn mạnh hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng trong các thành tựu to lớn về phát triển kinh tế xã hội trong 5 năm qua.
Tiểu biểu nhất là Việt Nam đã giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị xã hội, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, thu hút thêm nguồn lực bên ngoài cùng với nội lực trong nước tạo nên động lực phát triển quốc gia mạnh mẽ đạt nhiều thành tựu to lớn.
Ngoài ra, Việt Nam đã mở rộng quan hệ, nâng cấp quan hệ đối tác với nhiều quốc gia, tổ chức thành công các sự kiện tầm khu vực, toàn cầu như APEC 2017, WEF-ASEAN 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 (tháng 2-2019)… .
"Các nước chúng tôi đi thăm đều rất ủng hộ Việt Nam trong quá trình mở cửa hội nhập. Việt Nam đang cố gắng khai các FTA đã ký kết và đây là nền tảng cơ sở quan trọng để hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận với các thị trường đối tác. Đến nay, 71 nước công nhận Việt Nam là đất nước nền kinh tế thị trường. Doanh nghiệp Việt Nam nhất trí cao và nhận thức rõ hội nhập gắn với với quá trình đổi mới, phát triển đất nước...", Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, Việt Nam cũng cần nhìn thẳng vào những yếu kém, thua thiệt để rút kinh nghiệm sâu sắc, có cách làm tốt hơn. Hội nhập kinh tế ngày càng phổ biến nguyên tắc lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm cơ sở trong khi tư duy của chúng ta chưa đủ nhạy bén để theo kịp xu hướng này.
Vị thế địa chính trị chiến lược của Việt Nam cũng chưa được khai thác tối đa và cách tiếp cận vấn đề này cũng chưa đủ tự tin, quyết định, nhất là tính kịp thời.
Sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương chưa cao, cũng trở thành điểm yếu, kẻ hở thua thiệt trong các tranh chấp quốc tế. Đặc biệt trong bối cảnh môi trường thế biến động phức tạp, hội nhập đi sâu vào từng cấp, từng ngành các địa phương cần phải tích cực hơn nữa.
Cũng theo Thủ tướng, việc theo dõi triển khai đôn đốc thực thi các FTA đã ký còn hạn chế, ký nhiều nhưng thực hiện còn ít, hiệu quả triển khai kết quả thoả thuận cũng hạn chế.
"Trong bối cảnh mới, thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều thách thức ở các cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. Bản thân nội tại nền kinh tế Việt Nam còn hạn chế trong khi độ mở kinh tế còn rất cao, hơn 200% GDP, hội nhập quốc tế ngày sâu rộng, phát triển công nghệ thông tin, công nghệ mới… thay đổi nhận thức là một thách thức lớn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia lưu ý tình hình chung, không được chủ quan với kết quả đạt được, cần tập trung theo sát để có đối sách, chính sách phù hợp hơn, kịp thời hơn. Từng hiệp hội, ngành nghề phải có tư duy đổi mới và có chính sách cụ thể theo kịp diễn biến chung.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận