Đại biểu Lê Thị Yến phát biểu tại Quốc hội sáng 9-11 - Nguồn clip: VTV
"Nước ta đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính. Nếu năm 2006 tỉ lệ nam/nữ là 109/100 thì năm 2017 dự báo là 113/100, tỉ lệ mất cân bằng tăng lên rất nhanh", bà Yến - ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho hay.
Theo đại biểu Yến, đến giữa thế kỷ này dự báo Việt Nam có 2,3-4,3 triệu nam giới ở độ tuổi trưởng thành "dư thừa". Kinh nghiệm ở các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ cho thấy tình trạng này làm nảy sinh nhiều hệ luỵ như "mua" cô dâu nước ngoài, phát sinh nạn hiếp dâm, bạo lực…
Bà Yến cho rằng sở dĩ có tình trạng trên là do ảnh hưởng của văn hóa Nho giáo, muốn có con trai nối dõi tông đường, trọng nam khinh nữ. Đặc biệt, trong xu hướng các cặp vợ chồng lựa chọn sinh ít con, cộng với điều kiện phát triển y khoa có thể dễ dàng lựa chọn giới tính thai nhi, nguy cơ chênh lệch giới tính càng ở mức báo động.
"Cần phải có hành động ngay từ bây giờ. Đặc biệt là nâng cao công tác truyền thông, nâng cao nhận thức. Cần xử lý nghiêm các trường hợp lựa chọn thai nhi", đại biểu Phú Thọ đề nghị.
Đại biểu Trương Minh Hoàng - Ảnh: Quochoi.vn
Chỉ 1 bộ trưởng là nữ
Ở góc độ bình đẳng giới trong chính trị, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đánh giá: Chúng ta khẳng định vai trò của phụ nữ, không ai chối cãi. Chúng ta đặt mục tiêu phải nâng tỉ lệ cán bộ nữ trong cấp ủy, trong lãnh đạo chủ chốt các cấp.
"Nhưng rất tiếc là Chính phủ hiện chỉ có 1 bộ trưởng là nữ, chỉ có 16 tỉnh, thành có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tỉ lệ như vậy khiến chúng ta phải chú ý đến vấn đề quy hoạch nguồn", ông Hoàng nêu.
Đây cũng là vấn đề đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) đề cập, ông đề nghị cần phân tích, đánh giá kỹ và có giải pháp để nâng tỉ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy, làm đại biểu Quốc hội và HĐND.
Trong khi đó, đại biểu Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) nêu một thực trạng khác: Hiện nay có nhiều phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn, miền núi phải tha phương sang nước ngoài lao động.
"Gia đình những phụ nữ ấy phải sống cảnh mẹ xa con, vợ xa chồng. Nhiều phụ nữ xuất cảnh trái phép ra nước ngoài phải đối mặt với nguy cơ bị bạo hành, bóc lột sức lao động, bóc lột tình dục, bị bắt và xử lý bởi cơ quan chức năng nước sở tại", bà Loan phát biểu.
Đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) phát biểu tại Quốc hội sáng 9-11 - Nguồn clip: VTV
Nên quy định tuổi nghỉ hưu nam và nữ bằng nhau
"Trong Bộ luật Lao động, tuổi nghỉ hưu của nam và nữ có sự khác biệt. Chính vì quy định này nên cũng ảnh hưởng đến cơ hội thăng tiến của nữ giới", đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) nêu vấn đề.
Giơ bảng xin tranh luận về vấn đề này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói: "Trước đây pháp luật cho phép lao động nữ được nghỉ hưu sớm, tức là được hưởng thụ sớm hơn. Nhưng mặt trái của nó là không tạo điều kiện cho những người muốn cống hiến được tiếp tục làm việc.
Tôi đề nghị tới đây sửa Bộ luật Lao động quy định nam và nữ nghỉ hưu bằng tuổi nhau, nhưng phụ nữ được lựa chọn nghỉ hưu trước tuổi quy định".
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) phát biểu tại Quốc hội sáng 9-11 - Nguồn clip: VTV
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng định kiến giới vẫn là thực trạng khá nặng nề, đang tồn tại trong cả gia đình và ngoài xã hội, khiến cho "đường xa, gánh nặng" trên tiến trình bình đẳng giới.
Trình bày giải pháp, bà Thu Hà "đặc biệt quan tâm đến nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu về công tác bình đẳng giới. Đồng thời với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về bình đẳng giới".
Phát biểu tiếp thu ý kiến của đại biểu, bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung hứa nghiên cứu để đề xuất Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
"Chính phủ tiếp tục kiên định thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới và phát triển phụ nữ", bộ trưởng Dung nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận