24/08/2023 21:36 GMT+7

Việt Nam chúc mừng Ấn Độ phóng tàu lên Mặt trăng thành công

Lãnh đạo Việt Nam gửi điện mừng Ấn Độ làm nên lịch sử khi phóng thành công tàu vũ trụ Chandrayaan-3 đổ bộ lên Mặt trăng. Con tàu đang bắt đầu thám hiểm chị Hằng.

Người dân ở New Delhi xuống đường mừng tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ đổ bộ thành công lên Mặt trăng ngày 23-8 - Ảnh: REUTERS

Người dân ở New Delhi xuống đường mừng tàu Chandrayaan-3 của Ấn Độ đổ bộ thành công lên Mặt trăng ngày 23-8 - Ảnh: REUTERS

Ngày 24-8, Bộ Ngoại giao cho biết Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gửi điện mừng tới Tổng thống Ấn Độ Droupadi Murmu; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi điện mừng tới Thủ tướng Narendra Modi; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi điện mừng tới Chủ tịch Thượng viện Jagdeep Dhankhar và Chủ tịch Hạ viện Om Birla.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi điện mừng tới Bộ trưởng Ngoại giao Subrahmanyam Jaishankar.

Ngày 23-8, tàu vũ trụ Chandrayaan-3 thực hiện thành công sứ mệnh đổ bộ tại điểm gần cực nam của Mặt trăng sau khi được phóng lên bằng tên lửa LVM-3 của Ấn Độ vào ngày 14-7 từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan ở Ấn Độ.

Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư đổ bộ lên chị Hằng sau Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô, và là quốc gia đầu tiên hạ cánh thành công lên cực nam của Mặt trăng.

Ngày 24-8, lãnh đạo Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO), ông S. Somanath, cho biết xe tự hành Pragyan đã rời tàu vũ trụ để bắt đầu khám phá bề mặt cực nam của Mặt trăng và tiến hành các thí nghiệm, đồng thời đã chuẩn bị cho những thách thức mới.

Theo ông Somanath, tàu đổ bộ và xe tự hành đang trong tình trạng tốt và "cả hai đều hoạt động rất tốt" nhưng các thí nghiệm vẫn chưa bắt đầu.

Xe tự hành Pragyan có hai thiết bị để tiến hành các thí nghiệm về nguyên tố và thành phần hóa học, cũng như tập lập kế hoạch đường đi cho robot để khám phá trong tương lai. Xe tự hành dự kiến sẽ vẫn hoạt động trong hai tuần, khoảng thời gian mà thiết bị chạy bằng năng lượng mặt trời của nó được thiết kế để hoạt động.

Ông S. Somanath nói rằng có "nhiều vấn đề" trên bề mặt Mặt trăng mà ISRO lần đầu tiên đối mặt, đặc biệt là bụi và nhiệt độ Mặt trăng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận chuyển động.

"Các cơ chế, các bộ phận chuyển động... có thể bị bụi bám vào đó. Nó có thể lọt vào các bộ phận chuyển động và làm kẹt chúng, các vòng bi của hệ thống có thể không hoạt động, động cơ có thể không hoạt động", ông nói với kênh CNN News 18.

Bụi Mặt trăng khác với bụi trên bề mặt Trái đất và do trên Mặt trăng không có không khí nên chúng có thể dính vào vật liệu của xe thám hiểm, ảnh hưởng đến hoạt động của nó.

"Hãy để xem như thế nào. Chúng ta sẽ đối mặt với nó, đó là lý do tại sao chúng ta đang khám phá", ông nói.

Theo thông tin từ Đại sứ quán Ấn Độ, sứ mệnh Chandrayaan-3 nhằm mục đích chứng minh khả năng toàn diện trong việc hạ cánh và di chuyển an toàn trên bề mặt Mặt trăng.

Chandrayaan-3 bao gồm module đổ bộ, module động cơ đẩy nội địa và một chiếc xe tự hành. Trong đó module đổ bộ có khả năng hạ cánh nhẹ nhàng tại một địa điểm cụ thể trên Mặt trăng và triển khai xe tự hành để thực hiện phân tích hóa học tại chỗ trên bề mặt Mặt trăng trong quá trình di chuyển. Module đổ bộ và xe tự hành mang theo các thiết bị khoa học có khả năng thực hiện các thí nghiệm trên bề mặt Mặt trăng.

Thủ tướng Narendra Modi nhận xét rằng cột mốc quan trọng này không chỉ là niềm tự hào của Ấn Độ mà còn là ngọn hải đăng cho sự nỗ lực và kiên trì của con người.

Ấn Độ sẽ làm nên lịch sử trên Mặt trăng?Ấn Độ sẽ làm nên lịch sử trên Mặt trăng?

Ấn Độ đang kỳ vọng sẽ là quốc gia đầu tiên đưa tàu đổ bộ xuống cực nam Mặt trăng, sau khi Nga thực hiện nỗ lực tương tự nhưng bất thành.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên