27/06/2020 08:58 GMT+7

Việt Nam chủ động, trách nhiệm và dẫn dắt

KHOA THƯ thực hiện
KHOA THƯ thực hiện

TTO - TS Lê Đình Tĩnh - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN (Học viện Ngoại giao) - cho rằng, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò chủ tịch ASEAN trong 6 tháng đầu năm.

Việt Nam chủ động, trách nhiệm và dẫn dắt - Ảnh 1.

Lễ khai mạc đầy màu sắc Hội nghị cấp cao ASEAN lần 36 tại Hà Nội ngày 26-6 - Ảnh: MoFA

"Việt Nam đã tích cực, chủ động, có trách nhiệm, muốn đóng vai trò dẫn dắt, đi đầu trong những lĩnh vực mà Việt Nam có năng lực và có lợi ích cho toàn khối" - ông Tĩnh nói.

* Đối diện với một mối đe dọa không lường trước được như đại dịch COVID-19, tinh thần ASEAN đã được phát huy như thế nào và tinh thần đó sẽ hỗ trợ ra sao cho các nỗ lực thích ứng và phục hồi hậu đại dịch, thưa ông?

- Thời điểm, tính chất và quy mô của đại dịch COVID-19 lần này vượt quá sự hình dung và dự báo của cả ASEAN và Việt Nam. Đứng trước một tình huống như vậy, chỉ sau một thời gian rất ngắn, ASEAN và Việt Nam đã có những biện pháp để kịp thời ứng phó, cố gắng kiểm soát bệnh dịch, trước hết là trong nội bộ của từng nước, tiếp đó là trong khu vực cũng như trong mối tương quan với các đối tác bên ngoài.

Cụ thể, ngay sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố COVID-19 là một đại dịch, ASEAN đã có một loạt hành động ứng phó từ việc trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm cho đến thiết lập các cơ chế đối thoại, hợp tác với các nước đối tác.

Các nước ASEAN cũng đã có nhiều hành động thực tế và phối hợp với các nước đối tác trong ứng phó với dịch, có thể kể đến việc hỗ trợ di chuyển công dân của nhau hay hỗ trợ vật tư y tế cho nhau.

Thời gian qua, dưới sự dẫn dắt của nước chủ tịch Việt Nam, ASEAN đã đưa ra được ba sáng kiến nổi bật bao gồm việc thành lập quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19 mà hiện nay đã bắt đầu có các nước đóng góp tài chính, lập kho dự trữ vật tư y tế và hoàn thiện bộ quy trình và quy chuẩn ASEAN để ứng phó các tình huống khẩn cấp về y tế công cộng.

Việt Nam chủ động, trách nhiệm và dẫn dắt - Ảnh 2.

TS Lê Đình Tĩnh - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN

* Gần đây có nhiều ý kiến nói về việc chọn phe của ASEAN. ASEAN sẽ chọn cách tiếp cận như thế nào đối với các nước lớn để vừa bảo đảm lợi ích nội khối, vừa không bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh chiến lược của các siêu cường?

- ASEAN trên thực tế luôn coi trọng vai trò của các nước lớn. Tất cả các nước lớn, trung tâm quyền lực trên thế giới hiện nay đều là đối tác của ASEAN, trong đó có những hợp tác chuyên sâu với sự song trùng lợi ích rất lớn từ kinh tế, thương mại cho đến các lĩnh vực khác.

ASEAN thấy rõ sức ép và cạnh tranh nước lớn tác động một cách mạnh mẽ tới khu vực, đặt các nước thành viên vào thế phải chọn bên. Do đó, lần này ASEAN sẽ làm nổi bật hơn mong muốn không muốn bị buộc phải chọn bên và chắc chắn sẽ không chọn bên. Một mặt ASEAN muốn giữ đoàn kết nội khối, một mặt tránh vòng xoáy vào cạnh tranh nước lớn.

Tuy nhiên, một điều quan trọng là ASEAN không thụ động ngồi chờ bị ép chọn bên hay buộc phải chọn bên. ASEAN nhìn nhận các cạnh tranh này một cách tích cực và chủ động hơn, thể hiện qua việc nhấn mạnh và thúc đẩy, phát huy vai trò trung tâm của mình trong cấu trúc an ninh khu vực, qua đó đóng góp cho hòa bình ổn định khu vực, trong đó có lợi cho quan hệ giữa các nước lớn.

* Về Biển Đông, các quốc gia thành viên như Philippines, Việt Nam, Indonesia đã bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua các công hàm gửi Liên Hiệp Quốc gần đây. Đâu là điểm đồng lợi ích của ASEAN trong vấn đề này?

- Rõ ràng trong quan hệ quốc tế nói chung và ứng xử vấn đề Biển Đông nói riêng, các quốc gia đều tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý mà một phần trong đó là việc các quốc gia gửi các công hàm, công thư đến các tổ chức quốc tế, khu vực hay với nhau.

Tình hình Biển Đông hiện nay có những dấu hiệu phức tạp, nhất là trên thực địa.

Trong bối cảnh đó, các nước ASEAN và các đối tác cần tiếp tục đề cao những cái căn cứ được thừa nhận rộng rãi để làm cơ sở giải quyết những thách thức này và một trong những căn cứ quan trọng hàng đầu chính là luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Việc tôn trọng trật tự, hòa bình ổn định trên Biển Đông, trong đó các quốc gia được đối xử bình đẳng, theo tinh thần thượng tôn pháp luật, nhấn mạnh các biện pháp hòa bình, không làm phức tạp thêm tình hình, tạo không khí thuận lợi cho đàm phán chắc chắn sẽ là điều các quốc gia và các bên liên quan cần ủng hộ và đó là mong muốn chung của nhân dân các nước. Những hành động đi ngược lại những nguyên tắc đó chắc chắn không được hoan nghênh.

* Trong khuôn khổ hội nghị cấp cao lần này có hai phiên đối thoại khá đặc biệt - với thanh niên và tăng cường quyền cho phụ nữ trong thời đại số - một sáng kiến của Việt Nam. Những điểm mới này cho thấy điều gì trong việc tiếp cận các vấn đề nội khối?

- Phụ nữ và thanh niên là hai đối tượng đặc biệt, phù hợp với quan tâm chung của thế giới ngày nay. Rõ ràng vai trò của phụ nữ trên khắp thế giới kể từ Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995 cho đến nay cần thúc đẩy nâng cao hơn nữa.

Đề cập đến cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, về việc xây dựng ASEAN sáng tạo, hướng về tri thức thì rõ ràng thanh niên phải là lực lượng nòng cốt.

Hai sáng kiến này phản ánh cách tiếp cận của ASEAN với sự dẫn dắt của nước chủ tịch Việt Nam theo hướng phù hợp với xu thế và yêu cầu mới cho các chương trình hợp tác trong ASEAN.

Việt Nam qua đó cũng cho thấy vai trò của một nước chủ tịch tích cực, năng động và trách nhiệm, đồng thời ngày càng tự tin hơn trong việc đề xuất và dẫn dắt các sáng kiến mà Việt Nam cho rằng có thể tìm được tiếng nói chung, cả về mặt nội dung cũng như sự huy động nội lực.

Các nước quan tâm xây dựng COC

Nước điều phối Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) năm nay là Philippines và do tác động của COVID-19, các đàm phán về COC chưa có tiến triển thực chất sau cuộc đàm phán gần nhất ở Đà Lạt cuối năm vừa rồi. Liệu COC có hoàn tất được lộ trình của nó hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ, bởi bên cạnh tính chất phức tạp của nó là sự xuất hiện của những tình huống bất ngờ như COVID-19. Nhưng có một điều chắc chắn là các nước rất coi trọng việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông có hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: 'ASEAN chắc chắn không muốn chọn phe'

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ASEAN luôn mong muốn một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, thịnh vượng, hợp tác cùng phát triển và chắc chắn không muốn phải chọn bên nào.

KHOA THƯ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên