04/03/2015 18:55 GMT+7

​Việt Nam chỉ đáp ứng được nhu cầu lao động trình độ kỹ năng thấp

HỒ VĂN
HỒ VĂN

TTO - Việt Nam cần cải thiện chất lượng và tính phù hợp của nền giáo dục đào tạo ở các trường THPT và dạy nghề để đáp ứng tốc độ tăng trưởng việc làm nhanh chóng cho nhóm lao động kỹ năng trung bình khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) ra đời vào cuối năm 2015.

Đó là khuyến cáo do ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) vừa đưa đưa ra.

Nghiên cứu của ILO với tựa đề “Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung” cho thấy dưới tác động của hội nhập ASEAN sẽ tạo ra nhu cầu ngày càng tăng đối với các trình độ kỹ năng khác nhau.

Trong đó, nhu cầu đối với trình độ kỹ năng trung bình sẽ tăng nhanh nhất, theo sau là các công việc có kỹ năng thấp. Từ năm 2010 đến 2025, nhu cầu đối với lao động có trình độ kỹ năng ở mức trung bình sẽ tăng 28%, so với mức tăng 23% ở lao động có trình độ kỹ năng thấp và 13% cho lao động có kỹ năng cao.

“Với tỷ lệ biết chữ cao và các thành quả đạt được trong lĩnh vực giáo dục cơ bản, Việt Nam đã sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về lao động có trình độ kỹ năng thấp. Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn để có thể chuẩn bị cho những việc làm cần kỹ năng trung bình”, ông Gyorgy Sziraczki - giám đốc ILO Việt Nam cho biết.

Tỷ lệ biết chữ của Việt Nam ở mức cao, đạt 93% và tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học đạt 98%. Theo kết quả khảo sát PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) học sinh Việt Nam lứa tuổi 15 đạt điểm cao hơn mức trung bình của các nước OECD ở các môn toán và khoa học, cho thấy thành tích học tập của học sinh cấp trung học cơ sở ở Việt Nam ở mức cao.

“Khoảng cách kỹ năng vẫn còn tồn tại giữa nhà trường và nơi làm việc”, giám đốc ILO Việt Nam cho biết. Vì thế, việc thu hẹp khoảng cách và đáp ứng nhu cầu về kỹ năng trong tương lai thông qua thúc đẩy hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và giáo dục, cũng như sự tham gia của doanh nghiệp trong việc phát triển các chuẩn kỹ năng và chương trình đào tạo hết sức quan trọng.

Theo dự báo, với sự mở rộng của các ngành dệt may, xây dựng và vận tải, việc tập trung vào phát triển các kỹ năng nghề cụ thể cùng với thúc đẩy nghiên cứu khoa học kỹ thuật sẽ giúp lao động trẻ Việt Nam có được sự chuẩn bị cho tương lai gần.

HỒ VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên