Ngày 29-7-2014, Intel VN đã công bố sản phẩm mới chip Haswell CPU. Đây là dòng CPU dùng cho máy tính để bàn thế hệ thứ tư được sản xuất tại nhà máy đặt ở Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: Đình Dân |
Trao đổi với Tuổi Trẻ về mong muốn thành nhà đầu tư lớn nhất tại VN của đại sứ Hoa Kỳ, ông Thắng cho biết: Theo số liệu công bố chính thức của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến cuối năm 2014, FDI của Hoa Kỳ đứng thứ bảy trên 101 nước và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại VN với 717 dự án, vốn đăng ký trên 10,9 tỉ USD.
Tuy nhiên, con số này còn thấp hơn so với thực tế, do một số công ty của Hoa Kỳ đầu tư vào VN thông qua chi nhánh đặt tại nước hoặc vùng lãnh thổ thứ ba như Singapore, Hong Kong...
* Mỹ có những tập đoàn hàng đầu thế giới, nếu thu hút được, VN sẽ định hướng được dòng vốn đầu tư từ nhiều nước khác?
- Là quốc gia đứng đầu trong danh sách những nhà đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới, Hoa Kỳ thừa khả năng thực hiện mục tiêu trở thành nhà đầu tư FDI số 1 tại VN. Và nếu có nhiều hơn nữa các tập đoàn lớn của Mỹ xuất hiện tại VN, nó có thể làm thay đổi thực trạng đầu tư, tác động tích cực đến việc thu hút đầu tư vào VN, thúc đẩy xuất khẩu..., đồng thời giúp đào tạo nguồn lao động trẻ tài năng của VN.
Sự xuất hiện của Tập đoàn Intel và những tác động tích cực của nó đối với hoạt động thu hút đầu tư FDI tại VN là một ví dụ. Hơn một thập kỷ qua, từ dự án 1 tỉ USD của Intel, VN đã liên tiếp thu hút được rất nhiều dự án của những tập đoàn lớn như Nokia, Samsung, LG...
Mới đây nhất, Tập đoàn Hanesbrands (Hoa Kỳ) đã khánh thành nhà máy thứ ba tại VN. Theo kế hoạch, khi nhà máy này đi vào hoạt động ổn định sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 lao động, bên cạnh 8.000 lao động hiện có, chiếm hơn 20% tổng lao động của tập đoàn trên toàn cầu.
Một lần nữa có thể khẳng định đầu tư của các tập đoàn lớn của Mỹ sẽ có tác động nhất định đến quyết định đầu tư của các doanh nghiệp khác.
Ông Phan Hữu Thắng - Ảnh: Nguyễn Khánh |
* VN cần làm gì để biến mục tiêu mà Hoa Kỳ khẳng định trở thành hiện thực, thưa ông?
- Trước hết, đây là một cơ hội tốt cho VN, vì trong thu hút FDI thời gian qua, công tác xúc tiến đầu tư vẫn đang còn loay hoay với định hướng “Đối tác chiến lược - tập đoàn chiến lược” và còn rất khó khăn để tiếp cận được với các tập đoàn chiến lược.
Khi đại sứ Hoa Kỳ đã bày tỏ mong muốn như vậy, việc các tập đoàn chiến lược như Exxon Mobil đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư dự án 20 tỉ USD tại VN... chắc sẽ sớm thực hiện được.
Cũng cần khẳng định rằng vai trò của các tập đoàn chiến lược trong thu hút đầu tư FDI là rất lớn, mà Tập đoàn Intel là một ví dụ. Sự xuất hiện của tập đoàn này tại VN thời gian qua không những góp phần giúp VN dần trở thành trung tâm sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ toàn cầu, với sự tham gia của Samsung, Nokia..., mà còn tác động tích cực đến kế hoạch đầu tư của nhiều doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực.
Trong năm 2014, Intel đã công bố bộ vi xử lý đầu tiên được sản xuất tại VN và trong thời gian tới 80% bộ vi xử lý Intel Haswell mới nhất - thế hệ thứ tư dành cho desktop tiêu thụ trên toàn cầu - sẽ được sản xuất tại VN.
Điều này chắc chắn có tác động không nhỏ đến hình ảnh của VN như một điểm đến đầu tư. Và nếu nhân lên được những trường hợp như Intel, với các ngành nghề không chỉ là điện tử, vi mạch, thì vị thế của VN sẽ rất khác.
Tuy nhiên, để thu hút được nhiều hơn nữa các tập đoàn lớn của Mỹ, VN cần phải có một môi trường đầu tư hấp dẫn, nắm được chiến lược đầu tư của các tập đoàn lớn này trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với phía Mỹ, tạo điều kiện cần và đủ cho họ đầu tư tại VN.
* Sắp tới Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ được ký kết, ông đánh giá như thế nào về triển vọng của nó trong thu hút đầu tư FDI?
- Tuy TPP không kết thúc được đàm phán trong năm 2014, nhưng đã được các bên cùng bày tỏ quyết tâm kết thúc đàm phán trong năm 2015. Khi VN tham gia TPP, cũng như các đối tác thành viên khác, thuế suất nhiều mặt hàng sẽ phải giảm dần đến mức 0% và các doanh nghiệp đầu tư tại VN, nhất là từ các nước không tham gia TPP, sẽ được hưởng lợi từ những quy định này.
Vì vậy, TPP sẽ thúc đẩy các dòng đầu tư giữa các nước thành viên và cả từ các nước không phải thành viên TPP vào VN để có được xuất xứ VN. Đầu tư của Trung Quốc những năm gần đây tham gia ngày càng nhiều vào các lĩnh vực sản xuất tại VN, đặc biệt ngành dệt may... là một ví dụ.
Ông Nguyễn Tôn Quyền (tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN):
Ngành gỗ sẽ được hưởng lợi nhiều Đối với ngành gỗ, Hoa Kỳ đang là đối tác xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch năm 2014 khoảng 2,2 tỉ USD, trong khi VN cũng nhập khẩu gỗ từ Mỹ hơn 300 triệu USD. Tới đây, khi TPP được ký và có hiệu lực, ngành gỗ VN chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn. Trong các nước tham gia hiệp định này, Mỹ, Canada và Nhật là những quốc gia có nguồn gỗ nguyên liệu dồi dào và với cam kết thuế bằng 0%, ngành gỗ VN sẽ được hưởng lợi nhiều. Đặc biệt, các doanh nghiệp VN cũng có nhiều cơ hội tiếp cận với công nghệ của Mỹ, bởi máy móc thiết bị nhập khẩu từ Mỹ về VN sau khi TPP được ký kết chỉ còn 0% thay vì 30-35% như hiện nay. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm cũng sẽ tốt hơn, sức cạnh tranh và khả năng xuất khẩu tăng... Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng hợp tác kinh tế VN - Mỹ, hai bên sẽ đều phải nỗ lực. Trong đó, phía VN cần hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong các thủ tục hải quan, thanh toán, môi trường kinh tế vĩ mô ổn định... Bản thân các doanh nghiệp cũng phải tăng hiểu biết về thị trường Mỹ, nhất là các quy định về chất lượng, chính sách chống trợ cấp, phá giá... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận