Phóng to |
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Ảnh: VIỆT DŨNG |
- Năm 1988 đến nay chúng ta đã có hai đạo luật quy định về quốc tịch. Cả hai đạo luật này đều quy định “Nhà nước CHXHCN VN công nhận công dân VN có một quốc tịch là quốc tịch VN”. Cả hai luật đều không quy định công dân VN khi nhập quốc tịch nước ngoài thì bị mất quốc tịch VN, nhưng trong nhận thức của nhiều người, với tuyên bố công nhận công dân VN có một quốc tịch là quốc tịch VN, nghĩa là không thừa nhận công dân VN có quốc tịch nước ngoài.
Lần này Luật quốc tịch sửa theo hướng “Nhà nước CHXHCN VN công nhận công dân VN có một quốc tịch là quốc tịch VN, trừ trường hợp luật này có quy định khác”. Đơn cử, người nhập quốc tịch VN trong trường hợp đặc biệt được Chủ tịch nước cho phép thì vẫn có thể giữ quốc tịch nước ngoài… Luật cũng nêu rõ người VN định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch VN theo quy định của pháp luật VN trước ngày luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch VN và trong thời hạn năm năm (kể từ ngày luật này có hiệu lực) phải đăng ký với cơ quan đại diện VN ở nước ngoài để giữ quốc tịch VN.
* Thưa bộ trưởng, dự kiến sẽ có bao nhiêu người VN định cư ở nước ngoài đăng ký để giữ quốc tịch VN?
- Quy định nêu trên chỉ liên quan đến những người còn quốc tịch VN, chủ yếu là thế hệ thứ nhất… Bên cạnh đó, pháp luật một số nước quy định chỉ công nhận công dân có một quốc tịch, nên không phải bất cứ người VN định cư ở nước ngoài nào cũng còn quốc tịch VN. Trong chín năm thi hành Luật quốc tịch 1998, đã có 2.230 người xin cấp giấy chứng nhận có quốc tịch VN, con số đó so với số lượng khoảng 3 triệu đồng bào ta ở nước ngoài là tỉ lệ không lớn lắm. Tuy nhiên, với quy định trong thời hạn năm năm bà con phải đăng ký để giữ quốc tịch, theo dự báo thì số lượng đăng ký sẽ nhiều hơn thời gian chín năm trước khoảng vài vạn người.
* Như vậy sau năm năm đó nếu bà con không đăng ký thì sẽ tự động mất quốc tịch VN?
- Đối với những bà con đã mất quốc tịch VN thì việc trở lại cũng bình thường. Theo quy định, người đã mất quốc tịch VN mà có đơn xin trở lại quốc tịch VN thì có thể vẫn được giải quyết nếu thuộc một trong những trường hợp như: xin hồi hương về VN; có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân VN; có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc VN; có lợi cho Nhà nước CHXHCN VN; thực hiện đầu tư tại VN; đã thôi quốc tịch VN để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài…
Người xin trở lại quốc tịch VN có lý do đặc biệt chính đáng, được Chủ tịch nước cho phép thì vẫn được giữ quốc tịch nước ngoài.
* Đối với những trường hợp công dân nước ngoài xin nhập quốc tịch VN thì sao?
- Luật quy định theo hướng chặt chẽ hơn, tinh thần chúng ta là đất chật, dân số đông nên không khuyến khích việc đó. Tất nhiên công dân nước ngoài đang thường trú ở VN có đơn xin nhập quốc tịch VN thì có thể được nhập quốc tịch VN nếu có đủ điều kiện theo quy định của Luật quốc tịch (sửa đổi), đồng thời trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép thì công dân nước ngoài được nhập quốc tịch VN mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận