Ngày 23-1, lễ đón trọng thể Tổng thống Frank - Walter Steinmeier và phu nhân thăm cấp nhà nước Việt Nam đã diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân. 21 phát đại bác chào mừng cho thấy sự coi trọng của Việt Nam đối với quan hệ Việt Nam - Đức và chuyến thăm của Tổng thống Steinmeier.
Mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Sau lễ đón, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Steinmeier đã có cuộc hội đàm. Hai nhà lãnh đạo sau đó cùng gặp báo chí để thông báo kết quả cuộc gặp. Tại đây, Chủ tịch nước khẳng định thương mại - đầu tư tiếp tục là trụ cột, là động lực quan trọng cho quan hệ hai nước.
Hai bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tận dụng đầy đủ và hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU), tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp kết nối, hợp tác cũng như khuyến khích các doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo và hạ tầng chiến lược.
Hai nước sẽ mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực tư pháp, pháp luật, quốc phòng, an ninh, giáo dục và đào tạo, dạy nghề, di cư, lao động có kỹ năng, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa trên cơ sở phù hợp với tiềm năng và lợi ích hai nước.
"Những điều tốt đẹp chúng tôi đã thống nhất cần những hành động tích cực, cụ thể với thái độ trách nhiệm cao để hiện thực hóa. Chúng tôi sẽ cùng hành động vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì hòa bình ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới", Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định tại cuộc gặp báo chí.
Cơ hội cho lao động trẻ Việt sang Đức
Chia sẻ tại cuộc gặp báo chí, Tổng thống Steinmeier cho biết Việt Nam là đất nước mà ông rất coi trọng và đây là lần thứ ba ông đến đây, sau hai chuyến thăm vào năm 2008 và 2016 trên cương vị khác. Nhà lãnh đạo Đức kế đó đề cập đến những dự án được xem như "hải đăng" trong hợp tác giữa hai nước, bao gồm Trường đại học Việt - Đức, và nhấn mạnh quan hệ song phương đã ngày càng mở rộng, thực chất trên nhiều lĩnh vực với các con số cụ thể.
Tổng thống Đức cũng dành thời gian chia sẻ về chính sách thu hút lao động có tay nghề của Đức hiện nay, nhắc lại việc ông vừa gặp tại Hà Nội các bạn trẻ Việt Nam đang muốn sang Đức học tập và làm việc. Ông khẳng định sẵn sàng hợp tác cùng Việt Nam trong các lĩnh vực như giảm phát thải ròng bằng 0, các thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu...
Theo giới quan sát, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Steinmeier lần này không nằm ngoài nỗ lực đa dạng hóa quan hệ, đảm bảo chuỗi cung ứng bền vững trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Việt Nam và Thái Lan, hai quốc gia Đông Nam Á, là hai điểm đến đầu tiên của ông Steinmeier trong năm 2024.
Cộng thêm các chuyến thăm của những quan chức cấp cao khác trong chính phủ đến Đông Nam Á trong thời gian gần đây, có thể thấy Berlin đang ngày càng xem trọng khu vực này.
Theo ông Felix Heiduk, chuyên gia châu Á thuộc Viện An ninh và quốc tế Đức, cả hai bên đều tìm thấy nhu cầu đa dạng hóa mối quan hệ, đặc biệt là về kinh tế khi Đức lẫn Đông Nam Á đều tìm cách giảm thiểu rủi ro, tăng tính bền vững và ổn định của chuỗi cung ứng, thương mại.
Một lĩnh vực khác cũng thu hút sự chú ý của truyền thông trong chuyến thăm Việt Nam là hợp tác về lao động có tay nghề. Đây hiện là vấn đề cấp bách, liên quan đến tăng trưởng kinh tế của Đức. Các doanh nghiệp Đức từ lâu đã phàn nàn về tình trạng thiếu lao động có tay nghề. Điều này đã dẫn tới việc năm ngoái các nhà lập pháp Đức đã thông qua luật nới lỏng các quy định về nhập cư, với hy vọng thu hút nhiều hơn nữa lao động có tay nghề từ các nước không thuộc EU.
Các động thái nới lỏng phản ánh sự thừa nhận của Đức về tầm quan trọng của lao động nhập cư. Đây cũng là cơ hội để các nước như Việt Nam tiếp cận các tài nguyên, trí tuệ, kiến thức và kinh nghiệm từ những nước phát triển như Đức để phục vụ việc xây dựng, phát triển đất nước.
"Đức có nhu cầu lớn về lao động lành nghề và tôi rất vui khi Việt Nam đã sẵn sàng hợp tác trong lĩnh vực này", Tổng thống Steinmeier bày tỏ tại cuộc gặp báo chí. Thỏa thuận hợp tác giữa hai nước về lao động di cư được ký trong chuyến thăm Việt Nam, do đó được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội hợp tác mới trong quan hệ hai nước thời gian tới.
Việc một phái đoàn doanh nghiệp tháp tùng Tổng thống Steinmeier đến Việt Nam và Thái Lan lần này cho thấy Đức không chỉ mong muốn tăng cường quan hệ chính trị với Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung mà còn muốn mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư với Việt Nam lẫn khu vực.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, hôm nay (24-1), sau cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng thống Steinmeier và phu nhân sẽ đến TP.HCM - nơi ông cùng đoàn doanh nghiệp khảo sát một số dự án của Đức. Trước đó, vào chiều 23-1, tổng thống Đức đã có cuộc hội kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận