07/04/2010 09:16 GMT+7

Viện trưởng Viện KSND tối cao đề nghị hủy án, điều tra lại vụ Nông trường Sông Hậu

MINH QUANG
MINH QUANG

TTO - Ngày 6-4, Phó viện trưởng viện KSND tối cao Lê Hữu Thể xác nhận với Tuổi Trẻ, viện trưởng Viện KSND tối cao đã có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm số 137/2009/HSPT ngày 19-11-2009 của TAND TP Cần Thơ và bản án hình sự sơ thẩm số 25/2009/HSST ngày 11 đến 15-8-2009 của TAND huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ xét xử bà Trần Ngọc Sương (nguyên giám đốc Nông trường sông Hậu) về tội “lập quỹ trái phép”.

Theo ông Lê Hữu Thể, viện trưởng Viện KSND tối cao đề nghị Tòa Hình sự, TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy các bản án hình sự nêu trên để điều tra lại theo thủ tục chung.

nrIaGGoH.jpgPhóng to
Bà Trần Ngọc Sương (ngồi) - nguyên giám đốc Nông trường Sông Hậu (NTSH) tại phiên tòa ngày 19-11-2009, TAND thành phố Cần Thơ - Ảnh: Quanh Vinh

Tại quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, viện trưởng viện KSND tối cao xác định từ các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án từ năm 2001 đến tháng 12-2007, việc bà Trần Ngọc Sương và đồng phạm lấy các nguồn thu của Nông trường Sông Hậu duy trì một số lượng quỹ tiền mặt và chi tiêu để ngoài sổ sách thu, chi tài chính mà không báo cáo cơ quan chức năng có thẩm quyền là có thật.

Do đó, việc điều tra, truy tố và xét xử bà Trần Ngọc Sương cùng động phạm về tội “lập quỹ trái phép” là đúng. Tuy nhiên, khi xét xử vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã có một số sai lầm, thiếu sót.

Cụ thể, một số khoản thu đưa vào quỹ chưa đủ cơ sở để xác định là trái phép gồm khoản thu hơn 2,6 tỉ đồng bán 4 lô đất từ thời ông Trần Ngọc Hoằng làm giám đốc; khoản 950 triệu đồng trong số hơn 2,2 tỉ đồng vay các cá nhân khác. Một số khoản chi chưa đủ cơ sở để xác định là thiệt hại và buộc các bị cáo phải bồi thường gồm: tiền chi công tác phí trong và ngoài nước hơn 2,27 tỉ đồng của bà Trần Ngọc Sương; khoản chi bồi dưỡng đoàn kiểm toán Nhà nước năm 2004; khoản chi lập âm quỹ ngân sách hơn 1 tỉ đồng và các khoản tiền chi mua quà, lương kiêm nhiệm.

esBEshAJ.jpgPhóng to
Bà Trần Ngọc Sương tại phiên tòa sơ thẩm (tháng 8-2009) - Ảnh: P.Nguyên

Ngoài ra, khoản tiền chi biếu tặng các cá nhân, Ban, Ngành địa phương và Trung ương hơn 678 triệu đồng cũng chưa đủ cơ sở xác định thiệt hại và bồi thường do quá trình điều tra chưa xác minh cụ thể các cá nhân, đơn vị nhận tiền để xác định việc chi tiền biếu, tặng này có thực không để thu hồi.

Về thủ tục tố tụng, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, KSV viện KSND huyện Cờ Đỏ đề nghị tách khoản tiền hơn 300 triệu và 850 triệu đồng cáo trạng truy tố về tội “lập quỹ trái phép” để điều tra, xử lý tội “tham ô tài sản”. Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận và quyết định theo đề nghị của KSV và yêu cầu viện kiểm sát khởi tố để điều tra tội “tham ô tài sản” đối với bà Trần Ngọc Sương là không đúng quy định vì việc tách các hành vi phạm tội chỉ được thực hiện trong giai đoạn điều tra, không thực hiện trong giai đoạn xét xử.

QZ5iE27n.jpgPhóng to
Ảnh: Quang Vinh
Mặt khác, việc tách 2 hành vi này của KSV thực chất là viện kiểm sát đã rút lại một phần quyết định truy tố. Như vậy là không đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự vì theo luật, tại phiên tòa, KSV có thể rút một phần quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn (nhưng tội “tham ô tài sản” nặng hơn tội “lập quỹ trái phép”).

Thực tế, sau khi xét xử sơ thẩm, TAND huyện Cờ Đỏ đã có quyết định yêu cầu viện KSND huyện Cờ Đỏ khởi tố vụ án hình sự về tội “tham ô tài sản” 2 hành vi đã tách nêu trên và viện KSND huyện Cờ Đỏ đã khởi tố vụ án hình sự. Như vậy, một hành vi vi phạm của bà Trần Ngọc Sương bị khởi tố hai lần là không đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định đối với bà Trần Thị Nhanh, Quách Quỳnh Tương và ông Đặng Quang Khang phải trả số tiền còn nợ cho NTSH và NTSH phải trả lại tiền nợ vay cho bà Trần Thị Nhanh và bà Trần Minh Trang là không đúng quy định của pháp luật vì đây là các giao dịch dân sự. Nếu có tranh chấp về nghĩa vụ trả nợ thì sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Quyết định kháng nghị nhận định, tất cả các sai lầm, thiếu sót trên của Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm là nghiêm trọng. Do vậy, cần phải hủy cả bán án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án từ giai đoạn điều tra.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, phiên tòa giám đốc thẩm phải được tiến hành trong thời hạn bốn tháng, kể từ ngày nhận được kháng nghị.

MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên