Thứ 2, ngày 15 tháng 8 năm 2022
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị cho khắc phục hậu quả để giảm xử lý hình sự
TTO - Ông Lê Minh Trí kiến nghị Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Trung ương chủ trương nghiên cứu, làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí - Ảnh: GIA HÂN
Tham luận tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sáng 30-6, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đề nghị một mặt phải xử lý nghiêm những đối tượng tham nhũng, tiêu cực gây hậu quả nghiêm trọng để răn đe, giáo dục.
Đồng thời, ban hành, bổ sung kịp thời chính sách pháp luật về quản lý và chế tài, trách nhiệm trong quản lý, nhất là những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm dễ tham nhũng, tiêu cực, nhằm bịt các lỗ hổng để không thể lợi dụng được.
Bên cạnh đó, ông cho rằng thực tế cho thấy chính sách pháp luật phục vụ phát triển thời gian qua chưa nhiều so với chính sách pháp luật quản lý, kiểm soát.
Ông Trí đề nghị cần ban hành nhiều chính sách pháp luật tạo động lực phát triển, thu hút nguồn lực, khuyến khích năng động, sáng tạo. Đồng thời, phải đảm bảo các quy định, hành lang pháp lý an toàn, hạn chế rủi ro đối với người thực hiện.
Ông phân tích nếu có khoảng trống thì kẻ xấu sẽ lợi dụng vi phạm, còn không có hành lang pháp lý đảm bảo an toàn thì người tốt sẽ có tâm lý lo sợ rủi ro, không năng động, sáng tạo, không có động lực phấn đấu trong thực hiện nhiệm vụ.
Vì thực tế cố ý làm trái và năng động sáng tạo, hành vi làm giống nhau, chỉ khác là hậu quả hay hiệu quả mà thôi.
Ông Trí cho biết thêm tại kỳ họp Quốc hội mới đây, ông đã nêu những bất cập của điều 219 Bộ luật hình sự 2015 quy định về trách nhiệm của người cán bộ quản lý tài sản công.
Cụ thể, quy định này rất rủi ro cho người thực hiện và đó là lằn ranh đúng - sai rất mong manh trong thực tế. Do đó, kiến nghị sớm có chỉ đạo rà soát để tạo sự đồng bộ, thống nhất, đầy đủ hơn trong hệ thống pháp luật, để đảm bảo 2 yêu cầu kỷ cương chặt chẽ và có hành lang pháp lý đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro, từ đó tạo động lực phát triển.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị trước mắt cần tập trung tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế và định giá đất để đấu giá hoặc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Ông chỉ rõ, thực tiễn vận động không chờ dừng, không chờ sửa đổi, bổ sung luật, vì thế, chúng ta có thể ban hành nghị định, thông tư hoặc văn bản quy phạm hướng dẫn để giải quyết những vướng mắc, bất cập kịp thời trong thực tế, nếu không sẽ phải chịu hậu quả mới.
Lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nêu thêm Bộ Chính trị đã có kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, nhưng buộc tội bằng pháp luật có chương, điều khoản cụ thể nên kết luận cần tiếp tục chỉ đạo cụ thể hóa hơn nữa để đạt mục đích đề ra.
Dám thay đổi, bổ sung quan điểm, cách làm
Ông Trí chỉ rõ đấu tranh phòng, chống tham nhũng là phức tạp nên cần đồng bộ trong quan điểm, chủ trương, nhận thức, cách làm, thậm chí dám thay đổi, bổ sung quan điểm, cách làm mới để đạt được hiệu quả tốt hơn.
Cụ thể, làm sao thu hồi tài sản nhà nước bị tham nhũng, chiếm đoạt, thất thoát, khắc phục hậu quả tốt hơn nữa, đồng thời tăng tính phòng ngừa, giảm xử lý hình sự với người vi phạm, khi đó, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta sẽ thành công hơn nữa.
Ông nói thêm, kết quả đạt được trong 10 năm qua đáng trân trọng và cần tiếp tục phát huy chủ trương, cách làm tốt.
Song qua tổng kết cần lắng nghe ý kiến nhiều chiều của cán bộ, đảng viên, người dân để có thể bổ sung cách làm mới, có quan điểm, chủ trương mới, từ đó, cụ thể hóa bằng quy định của pháp luật, có phân công nhiệm vụ trong thực hiện để có hiệu quả tốt hơn.
Dẫn kinh nghiệm thực tế từ Trung Quốc cho phép các trường hợp sai phạm khắc phục hậu quả để không bị xử lý hình sự, ông Trí kiến nghị Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Trung ương cho chủ trương nghiên cứu, làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả.
Theo ông Trí, làm như vậy sẽ thu hồi được tài sản thất thoát, tham nhũng và việc khắc phục hậu quả sẽ được nhiều do chủ thể vi phạm sẽ chủ động khắc phục để không bị xử lý hình sự nữa, "mà chúng ta cũng không phải băn khoăn nhiều việc phải xử lý nhiều cán bộ, đồng chí của mình".
-
TTO - Run lẩy bẩy, ông Nguyễn Văn Thược (xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân, Hà Nam) quay về nhà thờ tổ thắp hương, nén hương chưa lụi thì phía ngoài đường nháo nhác hô: "Đã tìm thấy bé Min rồi". Lúc đó khoảng 17h50.
-
TTO - Một phái đoàn nghị sĩ Mỹ đã đến Đài Loan ngày 14-8, bắt đầu chuyến thăm kéo dài 2 ngày, trong bối cảnh căng thẳng quân sự giữa hòn đảo và Trung Quốc tiếp tục nóng bỏng.
-
TTO - Gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quyết định 08 (gói 6.600 tỉ đồng) phải kết thúc trong tháng 8-2022, nhưng nhiều địa phương đang có tỉ lệ giải ngân ở mức rất thấp dù Thủ tướng nhiều lần có công điện đốc thúc.
-
TTO - Hàng chục nhân viên nhân sự của Công ty TNHH Regina Miracle International Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng đang kêu cứu vì liên tục bị “khủng bố”, bêu xấu trên mạng xã hội dù bản thân không vay nợ.
-
TTO - Trao đổi với Tuổi Trẻ Online tối muộn 14-8, chủ tịch CLB bóng đá SHB Đà Nẵng Bùi Xuân Hòa xác nhận thủ môn Thanh Bình bị gãy cả hai ống xương chân phải.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận