25/10/2017 06:21 GMT+7

'Viên chức nhà nước', chỗ trú ẩn an toàn

XÌ PHÚT
XÌ PHÚT

TTO - Cái tên gọi "viên chức nhà nước" trở thành một nơi trú ẩn an toàn đến nỗi đối trọng của nó là tinh giản biên chế nhiều năm qua vẫn chưa tinh giản gì được.

Viên chức nhà nước, chỗ trú ẩn an toàn - Ảnh 1.

Có lẽ chưa bao giờ cuộc chạy đua kiếm một việc làm trong cơ quan nhà nước lại sôi hổi, hào hứng như thời chúng ta đang sống. Ngoài con đường ngay ngắn là thi tuyển vào công chức, người ta còn chạy việc làm qua lãnh đạo sắp nghỉ hưu; qua mối lái kể cả mối lái lừa đảo tìm việc làm.

Cố đấm ăn xôi để vào làm việc trong cơ quan nhà nước là não trạng của những người tự biết mình không có tài năng gì vượt trội, mong kiếm được một vị trí xã hội trung bình và khoản lương vừa phải, có thể không hứng thú với công việc nhưng phải "giữ chân" nó để kiếm những khoản bổng lộc hay thu nhập khác ngoài lương.

Cái tên gọi "viên chức nhà nước" trở thành một nơi trú ẩn an toàn đến nỗi đối trọng của nó là tinh giản biên chế nhiều năm qua vẫn chưa tinh giản gì được.

Điều dễ nhận ra là các viên chức này không thiết tha gì với công việc; thậm chí có người không hiểu rõ công việc mình phải làm là cái gì. Họ có thể đi trễ về sớm hoặc ở cơ quan đủ giờ giấc nhưng ngồi chơi xơi nước hoặc móc nối ra ngoài làm những việc tào lao. 

Họ muốn che cái dở, cái yếu của mình nên không dám nêu ý kiến phản biện, chỉ là tán thành chung chung theo kiểu giơ tay đếm số. 

Đặc biệt, họ rất sợ về hưu hay bị cho thôi việc, bởi nghỉ làm ở cơ quan thì họ không có một nghề gì để sống và những mối liên hệ đến thu nhập cũ có thể bị mất đi vì... không còn ghế viên chức nhà nước!

Thường thì tỉnh hay thành phố chỉ cần có một ban quản lý dự án (QLDA). Thế nhưng báo chí đưa tin thành phố nọ có đến... năm "siêu ban" QLDA chuyên đầu tư xây dựng gồm (1) dân dụng và công nghiệp; (2) giao thông; (3) nông nghiệp và nông thôn; (4) văn hóa xã hội; (5) cấp thoát nước. Đội ngũ họ gồm 711 cán bộ công chức, 273 viên chức hợp đồng; tự bảo đảm kinh phí hoạt động. 

Họ được cấp trên 6.500 tỉ đồng vốn, hai siêu ban mới chỉ giải ngân được trên 1.600 tỉ đồng, ba siêu ban chưa giải ngân được đồng nào hết. Nói chung là không biết các ban QLDA ấy làm gì và làm tới đâu rồi!

Hà Nội: 5 "siêu ban" có gần 1.000 cán bộ Hà Nội: 5 'siêu ban' có gần 1.000 cán bộ

TTO - Liên ngành thành phố Hà Nội vừa công bố số liệu trên sau đợt khảo sát tình hình triển khai nhiệm vụ của 5 ban quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng công trình chuyên ngành của thành phố.

Nước ta có ngành nội vụ để chỉ đạo qui hoạch con người vào làm việc cho các cơ quan nhà nước nhưng thực quyền tuyển dụng con người trước đây thì lại nằm trong tay các lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ban ngành. 

Muốn "xin" việc, người ta đi xin các vị chủ tịch, giám đốc, trưởng phòng... Sự quen biết, gởi gắm, lo lót, trao đổi qua lại đưa những kẻ có lý lịch tốt nhưng kém cỏi, cầu an, đôi khi thiếu đạo đức vào ngồi đầy trong các cơ quan nhà nước. 

Tiền thuế của nhân dân đóng đang phải dùng để trả cho 30% con người trong đội ngũ ăn lương như vậy. Nói cách khác, nếu ta thực hiện tốt tinh giản biên chế, ít nhất ta tiết kiệm được 30% quĩ lương cho đất nước.

Các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân được quyền tuyển dụng con người nên họ có những con người đầy khả năng, đội ngũ gắn bó, hoạt động hữu hiệu. 

Các đơn vị, cơ quan nhà nước phần lớn chỉ có được con người do... lịch sử để lại: Người này là cháu ông này, người kia là con ông kia; các người khác là do lãnh đạo ký quyết định nhận vào cơ quan trước khi về hưu. Người nào làm cũng dở ẹc mà nói dóc rất giỏi; thậm chí có ông chuyên đi làm khó dân kiếm tiền, ton hót người trên, dọa nạt cấp dưới...

Bà mẹ ngân sách sức khỏe có hạn, chỉ có hai bầu vú mà có đến trăm đứa con bú; trong đó con bất tài vô tướng đã đến 30 người. Tinh giản là tinh giản 30 anh "ăn theo" đó.

Tinh giản cũng đồng thời là không sử dụng những người mất phẩm chất vào những cơ quan khác. Ông Võ Kim Cự có nhiều sai phạm ở Hà Tĩnh, chạy lòng vòng rồi cũng làm chủ tịch một liên minh hợp tác xã trước khi về hưu. Thật uổng một chức danh quan trọng của đất nước.

Bức tranh biên chế bộ máy của hệ thống chính trị Bức tranh biên chế bộ máy của hệ thống chính trị Tăng biên chế Thanh tra Bộ GD-ĐT lên 45 người Tăng biên chế Thanh tra Bộ GD-ĐT lên 45 người Biên chế ám ảnh tại sao thế này?! Biên chế ám ảnh tại sao thế này?!
XÌ PHÚT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên