09/10/2017 12:33 GMT+7

Hà Nội: 5 'siêu ban' có gần 1.000 cán bộ

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Liên ngành thành phố Hà Nội vừa công bố số liệu trên sau đợt khảo sát tình hình triển khai nhiệm vụ của 5 ban quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng công trình chuyên ngành của thành phố.

Hà Nội: 5 siêu ban có gần 1.000 cán bộ - Ảnh 1.

Trụ sở BQLDA đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn. BQLDA này phải xin TP Hà Nội hỗ trợ 1,4 tỉ đồng và cho tạm ứng ngân sách 6,2 tỉ đồng để hoạt động - Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo tìm hiểu, 5 BQLDA gồm BQLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp, BQLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông, BQLDA đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, BQLDA đầu tư xây dựng công trình văn hóa xã hội, BQLDA đầu tư xây dựng công trình cấp thoát nước và môi trường, được thành lập từ đầu năm 2017. 

Cán bộ, người lao động nhiều hơn công việc

Theo liên ngành thành phố Hà Nội, cả 5 "siêu ban" này được thành lập trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng về bộ máy, nhân sự, tài sản, công việc của 26 BQLDA tiền thân trực thuộc thành phố và trực thuộc sở, ngành trước đây.

Trong đợt khảo sát của liên ngành thành phố Hà Nội gồm Ban Kinh tế ngân sách, Ban Đô thị của HĐND TP, Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước Hà Nội thực hiện cuối tháng 8-2017 cho thấy 5 "siêu ban" kể trên có tới 984 cán bộ. Trong đó có 711 cán bộ công chức, viên chức, 273 người thuộc diện lao động hợp đồng.

Căn cứ số lượng cán bộ và nhiệm vụ được giao, đoàn khảo sát liên ngành thành phố đánh giá số lượng cán bộ, người lao động nhiều hơn so với khối lượng công việc tương ứng số lượng dự án, kế hoạch vốn được giao triển khai.

Đặc biệt, theo chủ trương, các BQLDA này là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành phố, hoạt động trên nguyên tắc tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên, đoàn khảo soát liên ngành thành phố cũng chỉ rõ có BQLDA chưa lo đủ kinh phí để trả lương cho cán bộ, người lao động năm 2017.

Nguồn tin này cũng cho biết đoàn khảo sát liên ngành thành phố Hà Nội chỉ rõ việc tự chủ, tự đảm bảo kinh phí cho hoạt động theo nguyên tắc kinh phí hoạt động trích theo tỉ lệ trên kế hoạch vốn được giao của các Ban quản lý dự án còn gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, có BQLDA chưa đủ kinh phí trả lương cho cán bộ, người lao động năm 2017, phải trình UBND thành phố ứng trước ngân sách như BQLDA nông nghiệp và phát triển nông thôn phải xin thành phố hỗ trợ 1,4 tỉ đồng và tạm ứng trước từ ngân sách 6,2 tỉ đồng. 

Hoặc BQLDA đầu tư xây dựng Công trình giao thông cũng chỉ đủ kinh phí hoạt động đến hết quý 3-2017.

Từ việc chưa lo đủ kinh phí trả lương cho cán bộ, người lao động, theo đoàn khảo sát liên ngành, ở một số "siêu ban" đã có tình trạng viên chức, hợp đồng có trình độ, kinh nghiệm chuyển công tác.

Hà Nội: 5 siêu ban có gần 1.000 cán bộ - Ảnh 2.

Được bố trí vốn nhưng không "tiêu" được tiền

Theo đánh giá của đoàn khảo sát, mặc dù số lượng cán bộ, người lao động nhiều hơn so với khối lượng công việc tương ứng số lượng dự án, nhưng tính đến thời điểm khảo sát cuối tháng 8-2017, việc triển khai, thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2017 ở các BQLDA còn chậm, tỉ lệ giải ngân còn thấp.

Kho bạc Nhà nước Hà Nội cho biết, đến cuối tháng 8-2017, 5 BQLDA mới giải ngân được 1.625 tỉ đồng/6.524 tỉ đồng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017, chỉ đạt 25% kế hoạch.

Tình trạng được bố trí vốn không tiêu hết tiền xảy ra ở cả 5 "siêu ban", trong đó, theo Kho bạc Nhà nước Hà Nội, không có BQLDA nào giải ngân đạt 50%.

Thậm chí, BQLDA Dân dụng và công nghiệp được xem là đơn vị giải ngân cao nhất cũng chỉ đạt 42%, BQLDA nông nghiệp và phát triển nông thôn giải ngân chỉ đạt 39%, BQLDA cấp nước - thoát nước và môi trường giải ngân cũng chỉ đạt 21%. 

Còn các BQLDA đầu tư xây dựng Công trình giao thông, BQLDA án văn hóa - xã hội đứng "tốp cuối" về giải ngân, chỉ đạt 17% và 16% so với kế hoạch vốn được bố trí năm 2017.

Đoàn khảo sát liên ngành còn chỉ rõ có 3 "siêu ban" có tình trạng để 17 dự án được bố trí vốn nhưng không giải ngân được đồng nào. 

Riêng BQLDA đầu tư xây dựng Công trình giao thông có tới 14 dự án được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017 với tổng vốn hơn 386 tỉ đồng nhưng không giải ngân được đồng nào.

Kết thúc đợt khảo sát, đối với các BQLDA, liên ngành thành phố yêu cầu phải tiếp tục rà soát kiện toàn bộ máy, cơ cấu tổ chức của đơn vị. 

Xây dựng bộ máy tổ chức đảm bảo gọn nhẹ, tinh nhuệ, chuyên nhiệm để thực hiện các nhiệm vụ được giao, từ đó đảm bảo nguồn thu để tự chủ kinh phí đáp ứng chi trả lương cho cán bộ, người lao động.

TS Diệp Văn Sơn (chuyên gia cải cách hành chính, nguyên phó vụ trưởng Bộ Nội vụ):

Cần xã hội hóa để phát triển

Việc sắp xếp lại gần 58.000 đơn vị sự nghiệp công lập ở nước ta cần thực hiện có trình tự theo hướng xã hội hóa, cổ phần hóa để Nhà nước và nhân dân cùng làm thì xã hội mới phát triển bền vững.

Hiện nay, chúng ta có thể nhìn thấy một số đơn vị công lập có dấu hiệu trì trệ, chậm phát triển kéo theo nhiều vấn đề xã hội khác. Trong khi đó, những đơn vị tư nhân họ làm rất tốt, chi phí thấp, phát triển và đổi mới liên tục.

Do vậy, ở những nơi nào có điều kiện kinh tế - xã hội tốt, Nhà nước nên tiến hành xã hội hóa dần các đơn vị sự nghiệp công lập và giao quyền tự chủ cho đơn vị trực tiếp quản lý. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn phải đóng vai trò giám sát, đảm bảo xã hội hóa để phát triển chứ không thương mại hóa.

THU DUNG ghi

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên