15/03/2019 15:47 GMT+7

Viêm tuyến nước bọt

Viện y học ứng dụng Việt Nam
Viện y học ứng dụng Việt Nam

Nếu tuyến nước bọt không hoạt động tốt, lượng vi khuẩn và thức ăn thừa được rửa trôi sẽ ít hơn và dẫn đến tình trạng viêm.

Viêm tuyến nước bọt - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: newhealthadvisor.com

   Viêm tuyến nước bọt xảy ra khi tuyến nước bọt hoặc ống nước bọt bị nhiễm vi khuẩn hoặc virus. Tình trạng nhiễm trùng có thể dẫn đến việc giảm tiết nước bọt do tắc nghẽn hoặc viêm ống nước bọt, gọi chung là viêm tuyến nước bọt.

   Nước bọt hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa, giúp tiêu hóa thức ăn và giữ miệng của bạn ẩm và sạch sẽ. Nước bọt sẽ giúp rửa sạch vi khuẩn và thức ăn thừa, nó cũng tham gia vào quá trình kiểm soát lượng vi khuẩn tốt và xấu có trong miệng.

   Nếu tuyến nước bọt không hoạt động tốt, lượng vi khuẩn và thức ăn thừa được rửa trôi sẽ ít hơn và dẫn đến tình trạng viêm.

Bạn có 3 đôi tuyến nước bọt chính, nằm ở hai bên mặt

- Tuyến mang tai là tuyến lớn nhất, nằm ở hai bên má, phía trên hàm và phía trước của tai. Khi một trong hai tuyến này bị viêm thì được goi là viêm tuyến nước bọt mang tai.

- Tuyến dưới hàm nằm ở hai bên hàm, phía dưới xương hàm.

- Tuyến dưới lưỡi nằm ở phía dưới của miệng, dưới lưỡi.

- Ngoài ra, còn có hàng trăm tuyến nước bọt nhỏ có tác dụng làm lắng nước bọt từ các ống nước bọt xung quanh miệng của bạn.

Nguyên nhân gây viêm tuyến nước bọt

Viêm tuyến nước bọt thường là do nhiễm vi khuẩn. Staphylococcus aureus là loại vi khuẩn gây viêm tuyến nước bọt phổ biến nhất. Các nguyên nhân khác gây viêm tuyến nước bọt bao gồm:

- Streptococcus viridans (một loại liên cầu khuẩn);

- Haemophilus influenzae (vi khuẩn gây viêm màng não);

- Streptococcus pyogenes;

- Escherichia coli (E.coli).

Việc nhiễm trùng sẽ để lại hậu quả là giảm tiết nước bọt. Nguyên nhân là do sự tắc nghẽn hoặc viêm ống tuyến nước bọt. Virus và các tình trạng bệnh lý khác cũng có thể làm giảm tiết nước bọt, bao gồm:

- Quai bị - một tình trạng nhiễm virus dễ lây lan, thường gặp ở trẻ em chưa được tiêm chủng;

- HIV;

- Virus cúm A và virus á cúm type I và II;

- Herpes;

- Sỏi tuyến nước bọt;

- Ống tuyến nước bọt bị tắc nghẽn do đờm nhầy;

- Khối u;

- Hội chứng Sjogren, là một bệnh tự miễn gây khô miệng;

- Bệnh Sarcoidosis, là bệnh mà từng mảng viêm, nhiễm trùng xuất hiện trên khắp cơ thể;

- Mất nước;

- Suy dinh dưỡng;

- Điều trị xạ trị vùng đầu và cổ;

- Vệ sinh răng miệng không sạch sẽ.

Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố sau đây có thể làm bạn dễ cảm nhiễm với với bệnh viêm tuyến nước bọt:

- Trên 65 tuổi;

- Vệ sinh răng miệng kém;

- Không được tiêm phòng quai bị.

Các tình trạng bệnh lý mãn tính dưới đây cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng:

- HIV, AIDS;

- Hội chứng Sjogren;

- Tiểu đường;

- Suy dinh dưỡng;

- Nghiện rượu;

- Chứng ăn vô độ;

- Hội chứng khô miệng.

Triệu chứng của viêm tuyến nước bọt

Những triệu chứng dưới đây có thể sẽ xuất hiện khi bị viêm tuyến nước bọt. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nhất. Triệu chứng của viêm tuyến nước bọt có thể rất giống với nhiều bệnh khác. Các triệu chứng bao gồm:

- Thường xuyên bị mất vị giác hoặc cảm thấy miệng bị hôi..

- Không thể mở to miệng được.

- Khó chịu hoặc đau khi mở miệng hoặc khi ăn.

- Có mủ trong miệng.

- Khô miệng.

- Đau ở trong miệng.

- Đau vùng mặt.

- Đỏ hoặc sưng phía trên hàm, trước hàm hoặc phía dưới miệng.

- Sưng mặt hoặc cổ.

- Các dấu hiệu nhiễm trùng, như sốt hoặc ớn lạnh.

Liên lạc với bác sĩ ngay nếu bạn bị viêm tuyến nước bọt đi kèm với sốt cao, khó thở hoặc khó nuốt, hay nếu các triệu chứng diễn biến xấu đi. Những triệu chứng này có thể sẽ cần phải được cấp cứu về mặt y tế.

Biến chứng

   Biến chứng của viêm tuyến nước bọt thường không phổ biến. Nếu viêm tuyến nước bọt không được điều trị, mủ có thể tích tụ lại và hình thành các ổ áp-xe ở tuyến nước bọt.

   Viêm tuyến nước bọt gây ra do khối u lành tính có thể gây phì đại tuyến nước bọt. Khối u ác tính có thể sẽ phát triển rất nhanh và gây ra mất cử động ở vùng mặt bị tổn thương. Việc này có thể ảnh hưởng đến một phần hoặc toàn bộ vùng này.

Bạn cũng có thể bị biến chứng nếu tình trạng nhiễm trùng ban đầu lan từ tuyến nước bọt sang các phần khác của cơ thể, bao gồm nhiễm trùng da do vi khuẩn (viêm mô tế bào) hoặc viêm họng Ludwig (một dạng viêm mô tế bào xảy ra ở phía dưới của miệng)

Điều trị viêm tuyến nước bọt

   Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng, nguyên nhân tiềm ẩn và các triệu chứng mà bạn xuất hiện thêm, ví dụ như sưng hoặc đau.

   Kháng sinh có thể sẽ được sử dụng để điều trị nhiễm vi khuẩn, mủ hoặc sốt. Ổ áp-xe có thể sẽ được chọc hút.

Điều trị tại nhà bao gồm:

- Uống 2 - 2,5 lít nước một ngày để kích thích tuyến nước bọt và giữ tuyến nước bọt sạch sẽ;

- Mát-xa vùng tuyến nước bọt bị tổn thương;

- Chườm ấm và vùng bị tổn thương;

- Súc miệng với nước ấm, có pha một chút muối;

- Ngậm, hoặc mút chanh chua hoặc kẹo chanh không đường để kích thích tiết nước bọt và giảm sưng.

   Đa số các trường hợp viêm tuyến nước bọt không cần phải phẫu thuật. Tuy nhiên, phẫu thuật sẽ cần thiết trong các trường hợp nhiễm trùng mãn tính hoặc nhiễm trùng tái phát. Mặc dù không phổ biến nhưng phẫu thuật có thể sẽ bao gồm việc loại bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến mang tai hoặc loại bỏ tuyến dưới hàm.

Phòng ngừa

Không có cách nào phòng ngừa được viêm tuyến nước bọt. Cách tốt nhất để làm giảm nguy cơ viêm tuyến nước bọt là uống nhiều nước và thực hành vệ sinh răng miệng sạch sẽ, bao gồm chải răng đúng cách và sử dụng chỉ tơ nha khoa làm sạch răng ít nhất hai lần một ngày.


Viện y học ứng dụng Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên