21/05/2019 15:40 GMT+7

Viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh

Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam

Viêm ruột hoại tử là một tình trạng nghiêm trọng có thể cần phải phẫu thuật, có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao.

Viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: aboutkidshealth.ca

Viêm ruột hoại tử là một tình trạng mà ruột bị nhiễm trùng và có thể bắt đầu bị hoại tử. Bệnh thường ảnh hưởng đến trẻ sinh non, mặc dù trẻ đủ tháng cũng có thể bị viêm ruột hoại tử. Viêm ruột hoại tử là một tình trạng nghiêm trọng có thể cần phải phẫu thuật, có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao.

Tổng quan

Lớp nội mô bên trong ruột chứa hàng triệu vi khuẩn. Thông thường, những vi khuẩn này (được gọi là hệ vi sinh bình thường) là vô hại và là một phần của quá trình tiêu hóa. Tuy nhiên, ở bệnh viêm ruột hoại tử, vi khuẩn bắt đầu tấn công thành ruột. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời, thành ruột sẽ suy yếu và có thể hoại tử. Cuối cùng, một lỗ thủng có thể hình thành tại thành ruột, làm tràn dịch tiêu hóa vào khoang bụng. Thủng ruột là một trường hợp cấp cứu đòi hỏi phải phẫu thuật ngay lập tức và có tỉ lệ tử vong cao.

Nguyên nhân

Sinh non là yếu tố nguy cơ lớn nhất cho sự phát triển của bệnh viêm ruột hoại tử, bởi vì trẻ sinh non được sinh ra với ruột chưa trưởng thành. Ngoài ra, các bác sĩ không chắc chắn nguyên nhân gây viêm ruột hoại tử. Họ biết rằng đại đa số trẻ sơ sinh mắc viêm ruột hoại tử đã bắt đầu được cho ăn sữa, nhưng họ cũng biết rằng việc trì hoãn cho ăn không làm giảm tần suất rối loạn. Giảm lưu lượng máu đến ruột cũng có thể đóng một vài trò trong sự phát triển của viêm ruột hoại tử, và những trẻ bị bệnh tim như còn ống động mạch có nguy cơ cao hơn trong việc phát triển viêm ruột hoại tử.

Triệu chứng

Trong giai đoạn đầu của bệnh viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng gây ra giảm hoặc ngừng nhu động để đẩy thức ăn và không khí qua ruột. Điều này làm cho bụng của bé trông chướng hoặc bị phồng lên. Sau khi được cho ăn, thức ăn sẽ lưu lại trong dạ dày của em bé dưới dạng dịch thừa. Cuối cùng, khi có đủ thức ăn và không khí bị mắc kẹt trong ruột, các quai ruột sẽ xuất hiện trên bụng của bé.

Bụng sẽ trở nên đau đớn và đổi màu, và em bé có thể bắt đầu ói mửa hoặc có thừa dịch mật. Máu có thể có trong phân của bé, và em bé có thể bắt đầu chướng khắp bụng và có lượng nước tiểu ít hơn. Em bé cũng có thể khó điều chỉnh nhiệt độ và có thể bắt đầu có triệu chứng ngưng thở hoặc nhịp tim chậm. Cuối cùng, ruột sẽ vỡ, gây nhiễm trùng lan rộng và suy hô hấp.

Điều trị

Trong giai đoạn đầu, phương pháp điều trị cho viêm ruột hoại tử bao gồm ngừng cho ăn sữa để cho ruột nghỉ ngơi, cho kháng sinh điều trị nhiễm trùng và loại bỏ không khí khỏi dạ dày. Em bé sẽ được chụp X-quang thường xuyên để theo dõi tiến triển của bệnh.

Nếu điều trị không hiệu quả hoặc nếu ruột bị thủng thì cần phẫu thuật. Bác sĩ sẽ loại bỏ bất kỳ phần ruột hoại tử và các phần bị nhiễm bệnh khác. Ruột hoặc sẽ được nối lại hoặc sẽ được chuyển ra thành bụng thông qua hậu môn nhân tạo. Điều trị sẽ tiếp tục cho đến khi bệnh được giải quyết.

Tiên lượng

Viêm ruột hoại tử là một căn bệnh nghiêm trọng, và khoảng 25% trẻ hồi phục từ bệnh viêm ruột hoại tử sẽ cần điều trị các vấn đề lâu dài. Trẻ sơ sinh được điều trị về mặt y khoa cho viêm ruột hoại tử có thể bị chậm phát triển, khó hấp thu chất dinh dưỡng và rắc rối với gan và túi mật.

Viêm ruột hoại tử cũng làm tăng nguy cơ chậm phát triển. Trẻ sơ sinh đã được phẫu thuật viêm ruột hoại tử cũng có thể gặp các biến chứng lâu dài của bệnh. Ngoài ảnh hưởng của việc điều trị viêm ruột hoại tử, bệnh nhân được phẫu thuật có thể có các vấn đề hấp thu nghiêm trọng như hội chứng ruột ngắn và có nguy cơ cao bị bại não và các vấn đề về não và mắt.

Phòng ngừa

Ngăn ngừa sinh non là cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm ruột hoại tử. Nếu bạn có nguy cơ sinh non, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về những gì bạn có thể làm để giảm nguy cơ sinh non.

Nếu bạn sinh non, sau đó cho bú sữa mẹ hoàn toàn có thể làm giảm đáng kể nguy cơ viêm ruột hoại tử.

Sữa mẹ có chứa các yếu tố bảo vệ khuyến khích phát triển đường ruột tốt và có thể làm giảm lượng vi khuẩn có hại trong ruột. Trong một nghiên cứu, trẻ sơ sinh có nguồn thức ăn chứa ít nhất 50% sữa mẹ đã giảm 6 lần tỉ lệ mắc viêm ruột hoại tử.

Ngoài việc ngăn ngừa sinh non và cho con bú sữa mẹ, việc cung cấp steroid cho người mẹ khi sinh non có thể làm giảm nguy cơ viêm ruột hoại tử.


Nguồn: Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên