26/01/2018 11:15 GMT+7

Viêm gan siêu vi A: Bệnh lây qua đường tiêu hóa

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)

Viêm gan siêu vi A là bệnh lây qua đường tiêu hóa, nguồn lây chủ yếu từ người bệnh sang người lành qua đường phân, miệng.

Viêm gan siêu vi A: Bệnh lây qua đường tiêu hóa - Ảnh 1.

Bệnh viêm gan siêu vi A thường gây vàng da, vàng mắt ở người lớn. Ảnh: bestonlinemd.com

Viêm gan siêu vi A là bệnh truyền nhiễm không lây truyền qua đường máu và các chế phẩm của máu như viêm gan siêu vi B và viêm gan siêu vi C. 

Viêm gan siêu vi A là một bệnh lây cấp tính thường gặp trên toàn thế giới, nhất là ở những thành phố lớn nơi đông dân cư, các trại lính chật chội, nhà trẻ, khu ký túc xá. Hiện nay, bệnh vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và bệnh không gây viêm gan mạn tính.

Viêm gan siêu vi A là bệnh lây qua đường tiêu hóa, nguồn lây chủ yếu từ người bệnh sang người lành qua đường phân, miệng. Nguồn bệnh liên quan đến nguồn nước, thực phẩm bị nhiễm bẩn nhất là do ăn phải các loại sò, trai, ốc, hến chưa được nấu chín hoặc ăn các thực phẩm khác như rau sống không được rửa sạch. 

Các dụng cụ cá nhân, quần áo của người bệnh có thể là nguồn lây nhưng ít quan trọng. Bệnh lưu hành chủ yếu ở những vùng kém vệ sinh, kinh tế khó khăn và tỉ lệ phát triển dân số cao. Tác nhân gây bệnh xuất hiện trong phân khoảng 1-2 tuần trước khi có triệu chứng lâm sàng.

Thông thường bệnh viêm gan siêu vi A ở trẻ em hầu như không có triệu chứng nhưng ở người lớn thường gây vàng da, vàng mắt. Bệnh viêm gan siêu vi A cấp tính nặng đã được ghi nhận ở trẻ nhỏ, nhưng ít có thể nặng ở người lớn. Đây là bệnh tự giới hạn, hiếm khi gây tử vong. 

Bệnh thường có khởi phát đột ngột, cấp tính với các biểu hiện bao gồm sốt khó chịu, mệt, chán ăn, buồn nôn, nôn, phát ban, đau khớp và đau cơ. Các triệu chứng thường mất đi khi bắt đầu vàng da và nước tiểu sậm màu, bệnh thường không trầm trọng và không kéo dài, đôi khi biểu hiện tắc mật xảy ra muộn và kéo dài trong nhiều tháng đã được ghi nhận.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, đa số bệnh tự giới hạn. Bệnh nhân cần nghỉ ngơi và kiêng rượu, bia trong giai đọan viêm gan siêu vi A cấp. Thường các bệnh nhân khỏi các biểu hiện lâm sàng và sinh hóa trong vòng 4-6 tuần. Vấn đề dinh dưỡng nâng cao thể trạng, uống nhiều nước hoa quả cũng được khuyến cáo trong điều trị viêm gan siêu vi A.

Về phòng bệnh, viêm gan siêu vi A lây theo đường tiêu hóa nên áp dụng các biện pháp phòng:

- Thực hiện tốt vệ sinh chung và vệ sinh cá nhân, đặc biệt rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh;

- Thực hiện ăn chín, uống sôi;

- Cung cấp và sử dụng nước sạch, xử lý hệ thống rác và nước thải;

- Những loại sò, trai, hến, tôm cua, ốc… ở những vùng nhiễm bẩn cần dược đun sôi hoặc hấp chín trước khi ăn;

- Khu nhà trẻ, mẫu giáo cần tuân thủ các quy tắc vệ sinh;

- Tiêm phòng là phương pháp hữu hiệu nhất trong việc phòng bệnh viêm gan siêu vi A: Vaccine phòng viêm gan siêu vi A tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, thông thường tiêm 2 lần, mỗi lần cách nhau 6 đến 12 tháng (94% đến 100% sẽ được miễn nhiễm một tháng sau mũi tiêm đầu tiên nếu được tiêm mũi thứ 2 kết quả tốt đẹp hơn và sự miễn nhiễm kéo dài hơn).

Nguồn: Viện Sốt rét - Ký Sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên