Viêm da cơ địa ở trẻ lớn với biểu hiện điển hình là khô da, dày da lichen hóa ở các nếp gấp (cổ, khuỷu tay). Ảnh: BV Da liễu trung ương
Viêm da cơ địa là một bệnh da hay gặp với các biểu hiện lâm sàng thay đổi theo lứa tuổi. Ở trẻ nhũ nhi (bú mẹ) là các đám mụn nước, sẩn trên nền da đỏ, ranh giới không rõ, rỉ dịch, đóng vảy tiết, vị trí hay gặp là mặt và các mặt duỗi của các chi. Ở trẻ lớn (3-12 tuổi) và người lớn, thương tổn điển hình là khô da, dày da lichen hóa ở các nếp gấp.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm da cơ địa có thể áp dụng tiêu chuẩn của Hannifin và Rajka, trong đó có 4 tiêu chuẩn chính là:
1. Ngứa;
2. Viêm da mạn tính và tái phát;
3. Vị trí và thương tổn da điển hình như đã mô tả ở trên;
4. Tiền sử bản thân và gia đình có các bệnh cơ địa (viêm mũi dị ứng, mày đay, hen phế quản, viêm kết mạc dị ứng, …), và nhiều tiêu chuẩn phụ khác.
Viêm da cơ địa thường khởi phát từ tuổi nhũ nhi, trẻ nhỏ, thiếu niên (trước 18 tuổi), một số sẽ lành, một số khác sẽ tiếp diễn thành viêm da cơ địa người lớn. Thực tế, có nhiều người bệnh khởi phát viêm da mạn tính sau tuổi 18. Một số nghiên cứu ở Singapore, Úc, Nigeria cho thấy có 13,6%; 9% và 24,4% (tương ứng) bệnh nhân viêm da cơ địa khởi phát bệnh sau 18 tuổi.
Thuật ngữ viêm da cơ địa khởi phát ở người lớn được đề xuất bởi Bannister và Freeman từ Úc. Tuy nhiên, các bác sĩ da liễu thường dè dặt khi đặt ra chẩn đoán này vì đó là khái niệm chưa được chấp nhận rộng rãi.
Viêm da cơ địa khởi phát ở người lớn có hình thái lâm sàng khác với viêm da cơ địa điển hình khởi phát sớm. Các tình trạng bệnh như viêm da tiếp xúc, viêm da dầu, chàm bàn tay, bàn chân, u lympho ở da, vảy nến cần được loại trừ trước khi chẩn đoán viêm da cơ địa khởi phát ở người lớn. Các yếu tố vật lý, môi trường tác động tới người lớn khác với những gì ở trẻ em nên hình thái của viêm da cơ địa ở hai nhóm tuổi khác nhau.
Các hình thái gặp trong viêm da cơ địa khởi phát ở người lớn là các thương tổn giống chàm đồng xu, giống sẩn cục, giống viêm da dầu và viêm nang lông, viêm da tiếp xúc dị ứng. Ở thanh thiếu niên và người trưởng thành, các biểu hiện hay gặp là da mặt đỏ, dày da lichen hóa ở thân mình, viêm da bán cấp hoặc viêm da dạng vảy nến.
Ở người già (trên 65 tuổi) có biểu hiện tương tự nhưng hay gặp hình thái đỏ da toàn thân, ít gặp dày da lichen hóa ở các nếp gấp. Một số bệnh nhân có biểu hiện viêm da, dày da, đỏ da, bong vảy, ngứa chủ yếu ở các vùng hở (mặt, ngực, vai, mặt ngoài chi trên). Trong trường hợp này, các bác sĩ thường chẩn đoán là viêm da tiếp xúc dị ứng (với chất hơi) hơn là viêm da cơ địa khởi phát ở người lớn.
Xét nghiệm áp da với các dị nguyên nghi ngờ giúp chẩn đoán hai bệnh này. Tuy nhiên, viêm da cơ địa là điều kiện thuận lợi, trực tiếp cho viêm da tiếp xúc dị ứng nên không dễ phân biệt rõ ràng hai bệnh, hai tình trạng.
Một số nghiên cứu cho thấy, hút thuốc lá chủ động và bị động là yếu tố nguy cơ quan trọng của viêm da cơ địa khởi phát ở người lớn. Các yếu tố tiên lượng viêm da cơ địa này kéo dài nhiều năm là thương tổn chàm ở đầu và cổ, nồng độ IgE huyết thanh cao, chàm dai dẳng.
Điều trị
Điều trị viêm da cơ địa khởi phát ở người lớn cơ bản giống điều trị viêm da cơ địa điển hình. Nhưng ở người lớn có vòng xoắn tâm lý-thần kinh-miễn dịch tác động lẫn nhau nên ngoài thuốc điều trị, người bệnh cần được tư vấn tâm lý, giảm các yếu tố stress, căng thẳng, bỏ hút thuốc.
Các thuốc tại chỗ:
- Corticoid: Chú ý chọn loại có hoạt độ phù hợp cho các vùng da khác nhau, cần có sự kiểm soát để tránh các tác dụng phụ (đỏ da, giãn mạch, rạn da, teo da, nấm da, trứng cá)
- Tacrolimus: Có tác dụng điều trị duy trì, tránh bệnh tái phát, có thể sử dụng trong thời gian dài.
- Kem dưỡng ẩm: cần được duy trì thường xuyên để tránh bệnh tái phát, hồi phục hàng rào bảo vệ cho da.
- Dẫn xuất từ than đá (tar) cũng được sử dụng, cơ chế tác dụng của nó là ức chế các tế bào tiền viêm cũng như sự bộc lộ của các phân tử kết dính. Sử dụng tar giúp rút ngắn thời gian dùng corticoid tại chỗ. Tác dụng phụ của nó là gây nhớt, bí da, viêm da kích ứng, viêm nang lông.
Các thuốc toàn thân:
- Thuốc toàn thân hàng đầu cho viêm da cơ địa khởi phát ở người lớn là cyclosporin A.
- Corticoid toàn thân chỉ dùng khi bệnh nặng, dùng ngắn ngày, tránh lạm dụng.
- Các thuốc ức chế miễn dịch khác như azathioprin, methotrexat, mycophenolat mofetil cũng được sử dụng.
- Các bệnh nhân viêm da cơ địa dễ bị nhiễm tụ cầu vàng và herpes (gây nên bệnh cảnh eczema herpeticum), cần điều trị các tác nhân này bằng kháng sinh, kháng virus khi có biểu hiện.
- Ngoài ra, có thể sử dụng liệu pháp ánh sáng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận