23/08/2021 13:54 GMT+7

Việc coi lái xe công nghệ không phải nhân viên chính thức là vi hiến

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Một thẩm phán ở bang California (Mỹ) đã ra phán quyết cho rằng cuộc trưng cầu ý dân thực hiện năm 2020 là vi hiến.

Việc coi lái xe công nghệ không phải nhân viên chính thức là vi hiến - Ảnh 1.

Một chiếc xe Uber được trang bị camera và cảm biến chạy trên đường phố Washington, D.C., Mỹ. Ảnh: afp.com

Ngày 20/8, một thẩm phán ở bang California (Mỹ) đã ra phán quyết cho rằng cuộc trưng cầu ý dân thực hiện năm 2020 là vi hiến khi coi các lái xe công nghệ, người giao hàng cho các ứng dụng giao đồ ăn không phải nhân viên chính thức và không được hưởng các quyền lợi theo luật lao động của bang. Phán quyết của tòa cho rằng cuộc trưng cầu dân ý sẽ ảnh hưởng đến quyền của cơ quan lập pháp trong đề ra tiêu chuẩn về nơi làm việc.

Cuộc trưng cầu ý dân tháng 11/2020 phân biệt nhóm các lái xe công nghệ và người giao hàng của các ứng dụng giao đồ ăn với nhóm nhân viên các công ty, coi họ là các nhân viên hợp đồng tự do, không phải nhân viên chính thức của công ty, do đó không được hưởng các quyền lợi theo luật lao động.

Sau cuộc trưng cầu ý dân, điều khoản Proposition 22 ra đời, cho phép đảo ngược một luật của bang California yêu cầu các công ty dịch vụ công nghệ như Uber, Lyft và các công ty khác vận hành dựa trên các ứng dụng công nghệ, điều chỉnh phân loại đối tượng lao động với các lái xe và chịu trách nhiệm chi trả cho họ như những nhân viên.

Uber ngay lập tức phản đối phán quyết của tòa. Trong thông báo mới nhất, Uber cho rằng quyết định trên đã đi ngược với mong muốn của đa số cử tri California.

Uber khẳng định Proposition 22 vẫn còn hiệu lực, bao gồm mọi hình thức bảo vệ và quyền lợi dành cho các lao động làm việc độc lập trên toàn bang. Một nhóm các tổ chức vận động ủng hộ Preposition 22 đã tuyên bố sẽ khiếu nại về phán quyết mới.

Việc Proposition 22 được ủng hộ tại bang California được cho là sẽ tạo ra những hiệu ứng tương tự ở các bang khác tại Mỹ, nơi đang chứng kiến sự bùng bổ các dịch vụ dựa trên ứng dụng điện thoại. Nhiều người cũng lo ngại việc làm này sẽ tạo tiền lệ rằng các công ty lớn sẽ viết lại luật lao động tại Mỹ.

Theo Proposition 22, các lái xe sẽ vẫn là nhân viên hợp đồng độc lập nhưng Uber và Lyft sẽ chi trả các quyền lợi như lương tối thiểu, một phần chi phí chăm sóc sức khỏe và các hình thức bảo hiểm khác.

Uber và Lyft khẳng định hầu hết các lái xe đều ủng hộ mô hình nhân viên hợp đồng. Tuy nhiên, chính quyền bang đã kiện các công ty này, cho rằng việc duy trì mô hình này sẽ vi phạm luật lao động của bang California.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên