Sản xuất sản phẩm linh kiện nhựa kỹ thuật cao tại một tập đoàn nhựa khối tư nhân Việt Nam - Ảnh: A.PH.
Chỉ số năm 2021 của Việt Nam là 61,7 - tăng 2,9 điểm so với năm ngoái, lần đầu tiên Việt Nam lọt vào nhóm nước "tự do kinh tế trung bình".
Dẫn đầu về tốc độ tăng
Vị trí thứ 90 của Việt Nam trong bảng xếp hạng 178 nước hiện tại dường như không có gì ghê gớm. Nhưng điều quan trọng không phải là thứ hạng hiện tại, mà là thứ hạng đó đã gia tăng như thế nào.
Xét khía cạnh này, Việt Nam đã thành công xuất sắc: Năm 1995, khi Heritage Foundation công bố chỉ số này lần đầu tiên, Việt Nam chỉ đạt số điểm 41,7.
Tự do kinh tế của Việt Nam đã diễn ra mạnh mẽ kể từ năm 2015 - khi điểm số của Việt Nam là 51,7.
Để so sánh: năm 1995, số điểm của Mỹ là 76,7 nhưng năm 2021 giảm xuống 74,8. Ý và Pháp hầu như giậm chân tại chỗ với điểm hiện nay là 64,9 và 65,7 điểm. Chỉ số này cũng phần nào nói lên sự "giậm chân tại chỗ" của nền kinh tế Ý và Pháp. Chỉ số cao nhất mà một quốc gia có hiện nay là 89,7 (Singapore).
Trong 25 năm qua, chỉ có năm quốc gia với quy mô dân số không thể so sánh với Việt Nam đạt mức tăng tự do kinh tế tương đương hoặc cao hơn ít nhiều Việt Nam. Đó là Moldova, Bulgaria, Belarus, Romania và Angola. Trong khi sự gia tăng tự do kinh tế đồng nghĩa với kinh tế tăng trưởng và mức sống của người dân được nâng cao.
Thực tế, sự trỗi dậy của Việt Nam bắt đầu vào năm 1986 với công cuộc đổi mới, trong đó tỉ trọng của kinh tế nhà nước ngày càng giảm xuống và kinh tế tư nhân ngày càng có nhiều đất phát triển hơn. Kết quả là trong thập niên qua, rất ít quốc gia có quy mô dân số tương đương đạt được tốc độ phát triển kinh tế mạnh như Việt Nam (GDP của Việt Nam năm 2020 tăng 2,2 lần so với 2010).
Nhiều việc cần làm
Chỉ số tự do kinh tế được tính dựa trên 12 tiêu chí, chia theo 4 nhóm. Việt Nam đặc biệt ghi điểm trong các lĩnh vực "Chi tiêu công", "Ngân sách nhà nước", "Giảm gánh nặng thuế", "Tự do thương mại" và "Tự do tiền tệ".
Trái lại, ở các tiêu chí như "Chính phủ liêm chính", "Hiệu suất của hệ thống tư pháp" và "Tự do đầu tư", Việt Nam có điểm số thấp. Nhất là tham nhũng vẫn là một vấn đề còn tồn đọng, điều đó cũng được phản ánh trong một chỉ số khác: "Chỉ số nhận thức tham nhũng" của Tổ chức Minh bạch quốc tế. Ở đây Việt Nam chỉ đứng hạng 104/173.
Bài học cho Việt Nam, theo tôi, là cần tiếp tục con đường đã chọn, giảm dần tỉ trọng kinh tế nhà nước, chống tham nhũng mạnh mẽ và kiện toàn nhà nước pháp quyền. Trong cuốn sách Sức mạnh của thị trường, tôi đã chứng minh rằng người dân ở khắp nơi đều có đời sống phồn thịnh hơn và hạnh phúc hơn khi họ được nhà nước trao cho nhiều không gian tự do hơn trong các hoạt động kinh tế.
Tôi cho rằng chính khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam đang là động cơ cho sự phát triển hùng hậu. Sự gia tăng chỉ số tự do kinh tế chính là cơ sở cho thành công của Việt Nam hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận