24/02/2019 15:48 GMT+7

Video cho trẻ: bảo mẫu bất đắc dĩ hay trợ lý đắc lực?

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TTO - Những video trên Internet đã và đang vô tình trở thành 'người trông trẻ' khi các bậc phụ huynh bận rộn. Trẻ con ngày càng thân thiết, học và chơi với thiết bị thông minh và nội dung số nhiều hơn.

Video cho trẻ: bảo mẫu bất đắc dĩ hay trợ lý đắc lực? - Ảnh 1.

Chương trình Mầm chồi lá và Mầm chồi lá phiên bản tiếng Anh rất được trẻ mầm mon yêu thích

Phát biểu tại buổi trò chuyện chuyên đề về bảo vệ trẻ em trên môi trường Internet mang tên "YouTube an toàn cho trẻ", tổ chức tại Hà Nội vào tháng 3-2018, tiến sĩ tâm lý Trần Thành Nam (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận định thói quen xem video trên Internet của trẻ em xuất phát từ gợi ý của cha mẹ.

Cha mẹ mở clip đầu tiên và nghĩ rằng phù hợp với con nhưng cứ xem hết một clip, tự động sẽ có một số video gợi ý và "next". Vì là chế độ tự động nên nhiều trường hợp, hết nhóm nội dung này lại chuyển sang một nội dung hoàn toàn khác không còn phù hợp, thậm chí độc hại mà phụ huynh không thể kiểm soát được.

Các phụ huynh hãy nhìn nhận việc giải trí trực tuyến để hướng đến những phát triển về trí tuệ, cảm xúc..., không nên xem đó là phương tiện cứu cánh để mình rảnh rang làm việc khác.

Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A

Chương trình Mầm chồi lá phiên bản tiếng Anh

Vài tháng tuổi đã xem video

Thiết bị di động ngày nay len lỏi cả vào những vùng sâu vùng xa và thực tế ở Việt Nam cho thấy trẻ em ngày một dính chặt với những thiết bị di động có kết nối Internet để xem video, chơi game… Có những trẻ mới vài tháng tuổi đã được ba mẹ cho xem video một cách thoải mái. 

Để giữ cho con bớt hiếu động, chạy nhảy hoặc để con ngồi yên, tập trung vào việc gì đó trong lúc ba mẹ phải giải quyết công việc, tiếp khách..., nhiều phụ huynh không ngại ngần đưa cho con các thiết bị di dộng suốt nhiều giờ liền. Có trẻ còn xem video cả trong lúc ăn, tạo thành phản xạ có điều kiện khi không bật video là không ăn...

Nhiều chuyên gia giáo dục trên thế giới cũng khẳng định, không chỉ những nội dung không phù hợp, cách thức thể hiện của các video cũng giữ vai trò quyết định với việc video ấy có ảnh hưởng xấu đến trẻ em khi xem hay không. 

Biến bảo mẫu bất đắc dĩ thành trợ lí đắt lực

Thấu hiểu nỗi khổ của các bậc phụ huynh, các nhà giáo dục cũng như mong muốn tạo nên một môi trường giải trí - giáo dục lành mạnh cho con trẻ, không ít cá nhân, đơn vị đã quyết tâm biến những "bảo mẫu bất đắc dĩ" thành "trợ lí đắc lực". 

Esther Nguyễn - một bà mẹ hai con, sáng lập viên và là điều hành Pops World Wide, thương hiệu cung cấp nội dung video hàng đầu tại Việt Nam, Thái Lan… - cho biết, hiện các nhà làm nội dung cho trẻ em cũng đang phải cân nhắc rất nhiều yếu tố trước khi đưa lên mạng. 

Esther kể, có lần cô bật một video trên YouTube mà cô nghĩ là phù hợp cho con xem, nhưng rồi màn hình đột ngột bật ra quảng cáo về sản phẩm dành cho người lớn. Sự phản cảm này khiến Esther nghĩ, phải có một giải pháp khác cho bọn trẻ. 

Vậy là cô cùng những cộng sự đã đầu tư hẳn một ứng dụng mới mang tên Pops Kids vào năm 2014 để con mình cũng như những đứa trẻ khác có được môi trường giáo dục, giải trí an toàn và lành mạnh trên Internet. 

Từ bước đầu tiên là loạt video ca nhạc thuần Việt Mầm chồi lá, Pops Kids hiện đã trở thành kênh giải trí - giáo dục quen thuộc của trẻ em Việt Nam với nội dung an toàn và đa dạng, từ các video ca nhạc, phim hoạt hình được Việt hoá như: Doraemon, Tom&Jerry, PowerPuff Girl… cho đến các clip hướng dẫn vẽ tranh với những cam kết an toàn, thân thiện cho trẻ, không chèn quảng cáo.

Đến nay, danh sách các nhà cung cấp nội dung uy tín cho trẻ ngày càng dài, có thể kể đến Little Baby Bum (Anh), Dave and Eva (Mỹ), ABC Kids TV (Mỹ), Supper Simple Song (Canada), Chuchu TV (Ấn Độ)… 

Vẫn cần sự đồng hành của phụ huynh

Tháng 10-2018, YouTube cũng chính thức ra mắt ứng dụng YouTube Kids tại Việt Nam - một ứng dụng được xây dựng nhằm mang một thư viện nội dung bất tận từ khắp thế giới đến với các gia đình Việt Nam. 

YouTube Kids đã ra mắt thành công tại hơn 42 quốc gia, đạt hơn 70 tỷ lượt view, hơn 14 triệu người xem hàng tuần cùng hàng chục triệu lượt tải từ các gia đình và được đánh giá là một trong năm ứng dụng hàng đầu dành cho trẻ em. 

Kể từ khi ra mắt YouTube Kids lần đầu tiên vào năm 2015, đội ngũ YouTube Kids, đa số cũng là những bậc phụ huynh, đã không ngừng nỗ lực bổ sung các tính năng dành cho cả phụ huynh và trẻ nhỏ, cũng như thực hiện các cải tiến dựa trên phản hồi của cộng đồng nhằm mang đến một môi trường giải trí, học tập an toàn, lành mạnh và bổ ích hơn cho trẻ. 

Các chức năng đó gồm: Tắt/mở chức năng tìm kiếm (giúp giới hạn nội dung/ chủ đề xem của con trẻ), Tài khoản trẻ em, Tùy chỉnh mật khẩu cho trẻ và "lợi hại" nhất là Quản lý thời gian (nhằm giới hạn thời gian xem của trẻ). 

Với những chức năng này, các nội dung số đang trở thành "trợ lí đắc lực" cho phụ huynh trong việc giáo dục, vui chơi và cả "giữ chân" trẻ thay vì chỉ là một "bảo mẫu bất đắc dĩ" như lâu nay. 

Dẫu vậy, cô Esther Nguyễn khẳng định: "Nếu phụ huynh thực sự đồng hành, cùng xem, trò chuyện với các con… thay vì cho con hoàn toàn bước vào thế giới của Internet, nội dung số thì những khám phá  sẽ vô cùng hữu ích cho cả gia đình".

Thạc sĩ tâm lý Tô Nhi A - giảng viên trường Cao đẳng Trung ương TP.HCM:

Cha mẹ phải là bộ lọc đầu tiên về nội dung xem/nghe của con

Ngoài những kiểm soát về thời gian, cha mẹ phải là bộ lọc đầu tiên về nội dung xem/nghe của con, đảm bảo sao cho con được thụ hưởng những nội dung, thông tin phù hợp và tích cực nhất...

Theo tôi, không có độ tuổi cụ thể để bắt đầu cho trẻ tiếp cận với công nghệ và giải trí trực tiếp. Điều này phụ thuộc vào năng lực của con trẻ. Cha mẹ cần quan sát các năng lực vận động, năng lực tiếp cận, nhận thức... trước khi quyết định cho trẻ xem các video giải trí trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trẻ sau 12 tháng là có thể làm quen với giải trí trực tuyến khi các năng lực cơ bản đã hoàn thiện.

Trước 12 tháng, sự tác động trong giao tiếp giữa người với người cụ thể sẽ có lợi hơn cho trẻ, bởi vì hoạt động chủ đạo của trẻ trước 12 tháng là hoạt động giao lưu cảm xúc trực tiếp"

Giải trí trực tuyến cho trẻ: tiềm năng còn bỏ ngỏ Giải trí trực tuyến cho trẻ: tiềm năng còn bỏ ngỏ

TTO - Máy tính bảng, điện thoại, tivi thông minh... hiện diện trong nhiều gia đình Việt hiện nay khiến nhu cầu về nội dung giải trí kỹ thuật số tăng mạnh, đặc biệt là các nội dung cho trẻ em.

QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên