Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu về vỉa hè - Ảnh Tự Trung |
“TP đã chỉ đạo tất cả phải vào cuộc, từ bí thư, chủ tịch cho đến trưởng công an quận huyện. Không thể cứ để mỗi anh phó chủ tịch làm chuyện vỉa hè” |
Chủ tịch UBND TP.HCM NGUYỄN THÀNH PHONG |
Đề cập đến công tác lập lại lòng lề đường, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đánh giá thời gian qua việc sắp xếp lại trật tự vỉa hè được triển khai ở một số quận huyện, đặc biệt quận 1, đã được người dân TP đồng tình và đánh giá cao.
Không phải làm được một tháng rồi nghỉ
“Dĩ nhiên trong quá trình làm cũng còn chuyện này chuyện khác, phải lắng nghe ý kiến góp ý để tiếp thu nhưng tinh thần chung là kiên quyết thực hiện” - ông Phong nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Phong yêu cầu các địa phương phải có giải pháp duy trì kết quả, không phải làm được một tháng rồi nghỉ kiểu phong trào.
“TP đã chỉ đạo tất cả phải vào cuộc, từ bí thư, chủ tịch cho đến trưởng công an quận huyện. Không thể cứ để mỗi anh phó chủ tịch làm chuyện vỉa hè” - ông Phong nhắc.
Theo ông Phong, đường Bùi Viện, quận 1 đang xin đề án để tổ chức thành phố đi bộ nên yêu cầu Sở Du lịch phải nhanh chóng có ý kiến.
Dẫn chứng trường hợp ở quận 5, ông Phong nói: "Có vỉa hè buổi sáng xe đậu kín hết, học sinh, người dân không có chỗ đi bộ, tôi phải gọi lãnh đạo quận ra xem lại. Tại sao TP đã có chỉ đạo rồi mà tình hình vẫn còn như vậy. Đề nghị quận 5 phải chấn chỉnh vấn đề này".
Riêng các chợ tạm, các điểm kinh doanh tự phát còn tồn tại trên địa bàn TP, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu các quận huyện phối hợp Sở Công thương tổ chức lại các khu vực cho người dân buôn bán, không làm ảnh hưởng đến giao thông
“Tôi nhấn mạnh là không phải dẹp, đẩy đuổi mà phải sắp xếp tổ chức lại cho nghiêm túc, khoa học, tạo điều kiện cho người dân và không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự an toàn giao thông” - ông Phong lưu ý.
Ông Trần Thế Thuận, chủ tịch UBND quận 1, nói về việc dọn dẹp vỉa hè - Ảnh Tự Trung |
Chuyển đổi ngành nghề cho người bán hàng rong
Chủ tịch UBND quận 1 Trần Thế Thuận báo báo toàn quận 1 có 580 hộ bán hàng rong, trong đó quận đã điều tra, khảo sát, sàng lọc được trong đó 260 hộ nghèo. Có 130/260 hộ nghèo chấp nhận chuyển đổi ngành nghề.
Quận 1 đã tạo điều kiện, giới thiệu cho những người dân thuộc các hộ này chuyển sang nghề giúp việc nhà, làm bảo vệ, nhân viên vệ sinh…
Riêng với 130 hộ nghèo không đăng ký chuyển đổi ngành nghề, quận đã có kế hoạch tổ chức, sắp xếp cho 100 hộ trong số này được buôn bán tại 2 khu vực thí điểm đã được UBND TP chấp thuận.
Đặc biệt, còn lại 30 hộ nghèo không có khả năng chuyển đổi ngành nghề, cũng không thể buôn bán vì đa phần là người già, quận 1 cũng có hướng tạo việc làm.
Cụ thể, quận 1 đã yêu cầu Ban quản lý chợ Bến Thành vận động được 1.200 hộ kinh doanh trong chợ Bến Thành chấp thuận chuyển từ túi ni lông sang túi giấy và 30 hộ nghèo này sẽ gia công túi giấy cung cấp cho các hộ kinh doanh trên.
Với giá thành 600 - 1.000 đồng/túi giấy, dự kiến các hộ cũng có thể có thu nhập đảm bảo cuộc sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận