
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy - Ảnh: GIA HÂN
Chiều 4-5, Tổng thư ký Quốc hội đã tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Chỉ thực hiện năm 2025, trong lần sắp xếp này
Tại cuộc họp, phóng viên đã nêu việc theo kết luận mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thể chế hóa quy định của Bộ Chính trị về việc khi sáp nhập tỉnh sẽ không bầu chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh mà thay vào đó là chỉ định, bổ nhiệm.
Tuy nhiên không ít ý kiến lo ngại việc chỉ định nhân sự sẽ mang ý chí cá nhân, không đảm bảo yếu tố công tâm, khách quan trong chọn lựa nhân sự lãnh đạo cấp tỉnh.
Vậy Quốc hội, Ủy ban Thường vụ sẽ giám sát việc này như thế nào để việc chỉ định nhân sự lãnh đạo cấp tỉnh đảm bảo công tâm, khách quan, chọn đúng người, đúng việc?
Ngoài ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho phép chỉ định nhân sự không là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh.
Điều này liệu có phá vỡ nguyên tắc trong công tác bầu cử hiện nay hay không? Bởi theo quy định hiện hành, các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh đều phải bầu từ các đại biểu HĐND cấp tỉnh?
Trả lời nội dung này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy cho hay cơ chế chỉ định nhân sự tại các đơn vị sau sắp xếp là nội dung đã được xem xét và các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, thảo luận, quyết định.
Tại kết luận 150 của Bộ Chính trị đã nêu rõ yêu cầu trong lần sắp xếp đơn vị hành chính lần này sẽ thực hiện cơ chế chỉ định, bổ nhiệm người giữ các chức vụ trong HĐND, UBND tại các đơn vị sau sắp xếp thay cho việc HĐND thực hiện bầu theo cách thông thường theo quy định.
Đồng thời có thể chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND có thể làm lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, xã.
Bà Thủy nhấn mạnh đây là cơ chế trước đây chưa thực hiện. Nhưng lần sắp xếp này có những điểm khác so với những lần sắp xếp trước đây cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021 và 2023 - 2025.
Lần này ngoài việc nhập các xã, tỉnh thì còn thực hiện chủ trương rất lớn là không tổ chức cấp huyện. Do đó các cơ quan thuộc chính quyền địa phương cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động cùng thời gian nhập các tỉnh, xã.
Để đáp ứng yêu cầu bố trí, sắp xếp cán bộ, đặc biệt là cán bộ đang công tác ở cấp huyện, làm việc ở cơ quan, đơn vị mới và khai thác tối đa nguồn nhân lực hiện có, Bộ Chính trị đã có chỉ đạo trong lần sắp xếp này sẽ thực hiện cơ chế chỉ định người giữ chức vụ lãnh đạo ở các cơ quan HĐND, UBND tại các cơ quan, đơn vị sắp xếp.
Việc này chỉ thực hiện trong năm 2025, với lần thực hiện sắp xếp với quy mô lớn như thế này, còn các lần về sau sẽ thực hiện cơ chế bình thường là HĐND bầu UBND, bầu các chức danh trong HĐND.
"Việc này sẽ được ghi nhận trong nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 tại điều khoản chuyển tiếp, làm cơ sở cho thực hiện", bà Thủy nêu rõ.
Trước đó, tại kết luận 150 của Bộ Chính trị nêu rõ khi thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh hoặc thành lập mới đơn vị hành chính cấp xã thì không bầu cử các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND; trưởng, phó Đoàn đại biểu Quốc hội; trưởng các ban của HĐND và ủy viên UBND theo quy định, mà giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng, thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp xã căn cứ thông báo của cấp ủy có thẩm quyền quản lý cán bộ, tiến hành chỉ định, bổ nhiệm nhân sự đảm nhiệm các chức danh liên quan nêu trên.
Trường hợp đặc biệt, cho phép chỉ định nhân sự không phải là đại biểu HĐND giữ các chức danh lãnh đạo HĐND cấp tỉnh, cấp xã mới thành lập.
Còn tại hướng dẫn 31 của Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ sau sáp nhập, Ban Tổ chức Trung ương sẽ tham mưu, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư thành lập đảng bộ các tỉnh, thành phố, chỉ định ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư... nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Quốc hội xem xét sửa Hiến pháp, sáp nhập tỉnh
Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội sẽ họp phiên trù bị và khai mạc sáng mai 5-5, dự kiến bế mạc chậm nhất vào ngày 30-6, tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 5-5 đến ngày 29-5; đợt 2 từ ngày 11-6 đến hết ngày 30-6.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV là kỳ họp có nhiều nội dung quan trọng, triển khai thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 - hội nghị lịch sử, bàn về những quyết sách lịch sử trong giai đoạn cách mạng mới của nước ta, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Quốc hội sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; xem xét, thông qua 34 luật, 11 nghị quyết, cho ý kiến 6 dự án luật khác.
Quốc hội cũng xem xét 14 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Trong đó Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; xem xét, quyết định việc thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia và bầu chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia.
Quốc hội còn xem xét, quyết định việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; xem xét, quyết định ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2026; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội cũng được xem xét, quyết định tại kỳ họp 9.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận