Vì sao "thi đua đóng kịch"?

LÊ TUẤN
LÊ TUẤN

TT - Chỉ trong vòng hai ngày kể từ bài báo “Thi đua đóng kịch” được đăng (Tuổi Trẻ ngày 6-1), hơn 130 bạn đọc đã gửi ý kiến bày tỏ sự đồng tình lẫn bức xúc. Bạn đọc cũng lý giải nguyên nhân và đề xuất các giải pháp để “cởi trói” cho giáo viên và học sinh khỏi nỗi khổ thi đua.

Thi đua... đóng kịch trong ngành giáo dụcGiáo viên dạy nghề cũng khổ vì “thi đua đóng kịch”

* Gần 30 năm làm nghề gõ đầu trẻ, trong từng ấy thời gian tôi đã cảm nhận được rất nhiều điều nghịch lý trong giáo dục: áp đặt và hình thức! Là giáo viên ai cũng biết điều đó nhưng vẫn tung hô hoặc lặng im chấp nhận vì miếng cơm manh áo. Xin được cảm ơn tác giả bài báo đã nói lên những bất cập đã tồn tại từ rất lâu trong ngành giáo dục. Mong lắm một sự thay đổi để người thầy được toàn tâm toàn ý vì học sinh khi đến lớp, chứ không phải bận lòng vì những quy định, ràng buộc thoạt nghe rất hay nhưng cực kỳ phi lý.

long851703@...

* Điều quan trọng là ai cũng biết, từ lãnh đạo cấp trên chạy dài xuống dưới. Biết thì biết vậy nhưng có cải tổ được đâu.

Trương Văn Đẹp

* Năm nay trường tôi đăng ký trường chuẩn quốc gia, thầy hiệu trưởng yêu cầu bài kiểm tra không được có bài điểm yếu, kém. Trong khi trường tôi là trường vùng ven, học sinh học lực yếu, không ít em hạnh kiểm yếu. Việc làm này đúng hay sai?

Đào Văn Ngay

* Học sinh, sinh viên muốn đánh giá được chất lượng phải thi, giáo viên muốn được công nhận dạy giỏi cũng phải thi, các cấp quản lý giáo dục cũng phải thi thành tích với nhau. Tất cả đều phải thi. Công tác quản lý chất lượng dạy và học không được quản lý hiệu quả, chỉ toàn quản lý trên giấy với các khuôn mẫu được quy định sẵn.

Hoàng Nguyễn (giangnh@...)

* Một thầy giáo, cô giáo mới chân ướt chân ráo ra trường, đang còn là tập sự nhưng cô hiệu phó phán: “Các em mới vào trường cũng phải có sáng kiến kinh nghiệm”! Thử hỏi cô, thầy ấy mới ra trường và công tác được ba tháng lấy đâu ra kinh nghiệm thực tế? Và kinh nghiệm rút ra từ cái gì khi họ đang đi học việc?

Rồi nữa, mỗi một thầy, cô giáo năm nào cũng phải có sáng kiến kinh nghiệm riêng cho mình sau một năm giảng dạy. Nhưng khổ nỗi sáng kiến đó làm sao áp dụng cho một năm mà có kết quả liền, và ban kiểm chứng lấy cơ sở nào để xét? Toàn là đạo sáng kiến. Nhưng thông lệ đó mãi không thể xóa được.

Không muốn thi đua

Tôi cũng như rất nhiều người cảm thấy công tác thi đua về mặt mục tiêu và bản chất là rất tốt, cần duy trì để tạo ra giá trị vật chất lẫn tinh thần cho xã hội. Song tôi cũng vô cùng bức xúc và trăn trở bởi việc xét thi đua bây giờ đã nhuốm màu tiêu cực ngay từ việc đặt ra tiêu chí, việc nhìn nhận sự việc hình thức thiếu bản chất, có dấu hiệu tung hô, thổi phồng nếu được lòng lãnh đạo, hoặc đổi chác một cái gì đó... Từ đó làm mất đi sự trong sáng, mất đi giá trị thực, mất đi niềm tin trong xã hội. Vì thế mà nhiều người lao động không muốn thi đua.

NGUYỄN QUỐC TRÍ

LÊ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên