15/10/2022 09:02 GMT+7

Vì sao Sở Giao thông vận tải Phú Yên đề xuất ban bố 'tình huống khẩn cấp' về thiên tai

DUY THANH thực hiện
DUY THANH thực hiện

TTO - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên giải thích lý do đề xuất Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Phú Yên công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai gây ảnh hưởng đến kết cấu giao thông dù hậu quả mưa lụt ở tỉnh này chưa quá nghiêm trọng.

Vì sao Sở Giao thông vận tải Phú Yên đề xuất ban bố tình huống khẩn cấp về thiên tai - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Phương Đông - giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên - Ảnh: DUY THANH

Sau khi mưa lớn gây sạt lở mố cầu Bà Nam trên quốc lộ 1 (xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu), sạt lở một số điểm ở quốc lộ 1D, mặt đường quốc lộ 1 đang sửa chữa ở nhiều địa phương hư hỏng nặng do mưa lớn, ngày 12-10, Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên kiến nghị Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Phú Yên ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn tỉnh này để ứng phó, khắc phục hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.

Ông Nguyễn Phương Đông - giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Yên - cho biết:

- Sở đề xuất ban bố tình huống khẩn cấp là dựa theo điều 12 nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 6-7-2021 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Luật đê điều. Đây là điểm mới so với trước đây.

Công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai là việc đầu tiên để thực hiện các nội dung liên quan đến công tác khắc phục hậu quả thiên tai. 

Đợt mưa lụt lớn mới đây, chúng tôi đi kiểm tra quốc lộ 1, đặc biệt là tuyến tránh qua TP Tuy Hòa, đèo Quán Cau (huyện Tuy An) và thị xã Sông Cầu. Hiện trạng đường rất nguy hiểm đến tính mạng người dân vì quá nhiều ổ gà. Trước đây từng có những vụ người, xe sụp ổ gà và tử vong.

Từ việc ban hành tình huống khẩn cấp đó, các đơn vị chức năng rà soát, xác định cái nào cần sửa chữa thì mới tham mưu để cấp chức năng ban hành lệnh sửa chữa khẩn cấp. Trước đây cứ thấy nguy cơ là cấp chức năng ra lệnh sửa chữa, còn quy định bây giờ là phải thực hiện theo trình tự, thủ tục như thế.

Tôi cũng xin nói rõ là do quá trình soạn thảo văn bản, anh em nhầm từ "tình huống khẩn cấp" thành "tình trạng khẩn cấp".

* Khi ban bố tình huống khẩn cấp như vậy thì việc sửa chữa hạ tầng giao thông hư hỏng là chỉ định thầu hay tổ chức đấu thầu, thưa ông?

- Thực hiện lệnh khẩn cấp là thực hiện nhanh để đảm bảo an toàn công trình, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, thì được chỉ định thầu. Nhưng sau khi kết thúc mưa lũ, để làm hoàn chỉnh lại, kiên cố hóa thì phải thực hiện đấu thầu.

Vì sao Sở Giao thông vận tải Phú Yên đề xuất ban bố tình huống khẩn cấp về thiên tai - Ảnh 2.

Tuyến tránh quốc lộ 1 qua TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) được sửa chữa đúng vào mùa mưa, gây ngưng trệ thi công, hư hỏng mặt đường nghiêm trọng - Ảnh: TRUNG TRẦN

* Tại sao quốc lộ 1 qua Phú Yên không sửa chữa vào mùa nắng ráo, mà đợi đến mùa mưa lại tổ chức rầm rộ, cào bóc mặt đường diện rộng, để rồi hư hỏng càng nghiêm trọng hơn. Dư luận thắc mắc rằng liệu việc kiến nghị ban bố tình huống khẩn cấp có tạo điều kiện cho các nhà thầu đang sửa chữa quốc lộ 1 qua Phú Yên "sẵn nước đưa rìu", đẩy khối lượng hư hỏng do sửa chữa trong mùa mưa vào khối lượng hư hỏng do thiên tai?

- Quá trình theo dõi sửa chữa quốc lộ 1 và các quốc lộ được Bộ Giao thông vận tải ủy thác, chúng tôi thấy rằng cuối năm 2021, bộ đã xây dựng kế hoạch và cấp vốn. Năm nay đồng loạt các địa phương lập hồ sơ thiết kế và đấu thầu, nhưng lại rơi vào thời điểm giá xăng dầu tăng cao. Công tác bảo trì chiếm 70-80% chi phí, nhưng biến động giá nhựa đường và xăng dầu nên gây ảnh hưởng đến xây dựng kế hoạch chi của Bộ Giao thông vận tải và Cục Đường bộ. Các chủ đầu tư cũng triển khai công tác đấu thầu, nhưng do giá vật tư tăng cao, các nhà thầu không tham gia đấu thầu, nên phải hủy rồi đấu thầu lại. 

Quốc lộ 1 trên địa bàn Phú Yên có 8 gói bảo dưỡng thường xuyên, đã làm xong 3 gói, 5 gói đang triển khai thi công thì vào mùa mưa, làm hư hỏng đường nặng, ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Có đưa khối lượng sửa chữa vào bão lũ hay không? Tôi khẳng định là không. Thi công sửa chữa là thực hiện theo khối lượng trong hồ sơ đã được thiết kế, nếu có khối lượng hư hỏng trong quá trình sửa chữa thì nhà thầu phải chịu trách nhiệm. Chỉ những hư hỏng phát sinh nằm ngoài hồ sơ thiết kế thì đơn vị bảo hiểm mới chi trả cho khối lượng thi công sửa chữa khẩn cấp do thiên tai.

Đang xem xét kiến nghị, chưa quyết định công bố

Ông Nguyễn Phương Đông cho biết ông làm việc với Cục Đường bộ ngày 14-10 và cục này cho biết sẽ trình Bộ Giao thông vận tải đề nghị ban bố tình huống khẩn cấp về thiên tai do mưa lũ gây ảnh hưởng kết cấu giao thông các tuyến quốc lộ ở một số địa phương, trong đó có Phú Yên.

Sáng 15-10, ông Trần Hữu Thế - chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho biết đang chờ tham mưu từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về kiến nghị của Sở Giao thông vận tải, từ đó UBND tỉnh mới xem xét, quyết định có ban bố tình huống khẩn cấp hay không.

Đề nghị ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai ở Phú Yên Đề nghị ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai ở Phú Yên

TTO - Sở Giao thông vận tải Phú Yên đề nghị Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Phú Yên ban bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai vì xói lở mố cầu trên quốc lộ 1 và nhiều hư hỏng đường sá khác.

DUY THANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên