22/10/2017 11:34 GMT+7

Vì sao Singapore chi ít cho y tế mà hiệu quả lại cao?

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Singapore hiện là quốc gia có mức chi tiêu ngân sách cho lĩnh vực y tế thấp hơn so với nhiều nước khác, nhưng đã đạt được những thành tựu trong việc chăm sóc sức khỏe người dân.

Vì sao Singapore chi ít cho y tế mà hiệu quả lại cao? - Ảnh 1.

Bác sĩ tại một bệnh viện Singapore đọc phim chụp X-quang phổi của bệnh nhân - Ảnh: AFP

Hai chuyên gia y tế người Mỹ là giáo sư nhi khoa Aaron E. Carrol thuộc Trường y khoa Đại học Indiana và phó giáo sư Austin Frakt của Trường y tế cộng đồng Đại học Boston cùng ba nhà kinh tế học chuyên về lĩnh vực sức khỏe đã tiến hành khảo sát, đánh giá độc lập về chất lượng các hệ thống y tế của 8 nước: Canada, Anh, Singapore, Đức, Thụy Sĩ, Pháp, Úc và Mỹ. 

Họ rút ra kết luận: Singapore chi tiêu ngân sách cho chăm sóc sức khỏe của người dân ít hơn rất nhiều so với Mỹ nhưng đã đạt được những thành tựu trong việc chăm sóc sức khỏe người dân ở mức tuyệt vời.

Tiết kiệm khi trẻ, lo sức khỏe lúc già

Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu hệ thống chăm sóc sức khỏe của Singapore để tìm ra nguyên nhân của những thành công trong lĩnh vực y tế ở quốc đảo này. Theo đó, có nhiều nguyên nhân nhưng nổi bật nhất đó là hình thức tiết kiệm y tế.

Mọi người lao động đều bị bắt buộc phải nộp một khoản tiền được tính theo tỉ lệ phần trăm thỏa đáng so với thu nhập của họ vào các tài khoản tiết kiệm cho tương lai. 

Cho tới năm 55 tuổi, người lao động sẽ phải đóng góp 20% lương tháng vào các tài khoản này. 

Cùng với đó, người sử dụng lao động cũng sẽ đóng góp thêm 17% lương tháng cho người lao động vào những tài khoản đó. Sau tuổi 55, tỉ lệ phần trăm đóng góp sẽ giảm xuống.

Khoản tiền đóng góp này được chia ra cho ba loại tài khoản khác nhau. 

Một tài khoản là Ordinary account (tài khoản thông thường) được dùng cho nhà cửa, bảo hiểm tử vong hay thương tật, hoặc dành cho đầu tư hay giáo dục. 

Tài khoản Special account (tài khoản đặc biệt) dành cho tuổi già và đầu tư vào các sản phẩm tài chính liên quan hưu trí. 

Và tài khoản Medisave account (tài khoản tiết kiệm y tế) dành cho các chi phí chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế.

Mức đóng góp cho tài khoản Medisave vào khoảng 8-10,5% lương tháng, tùy theo độ tuổi của người đóng. Khoản tiền này cũng được hưởng lãi theo quy định của chính phủ. 

Mức đóng này cũng có mức trần tối đa, khoảng 52.000 USD. Khi đạt tới mức này, người lao động có thể chuyển số tiền tiết kiệm bắt buộc vào một tài khoản khác.

Một chương trình chăm sóc sức khỏe nữa của Singapore là Medishield life. Đây là chương trình bảo hiểm bắt buộc với tất cả mọi người. Bảo hiểm này chi trả trọn đời và chấp nhận bảo hiểm cho cả những trường hợp có bệnh từ trước.

Chương trình chăm sóc sức khỏe thứ ba của Singapore là Medifund. Đây là chương trình chỉ dành cho các công dân nước này. 

Loại bảo hiểm này chỉ chi trả cho các trường hợp điều trị ở chế độ giường bệnh thấp nhất, và chỉ được sử dụng sau khi người dân đã sử dụng hết tài khoản Medisave và Medishield life.

Bên cạnh những điểm được xem là phương thức điều hành, quản lý ưu việt của hệ thống y tế Singapore, cũng phải thừa nhận rằng dù sao Singapore là một quốc gia rất nhỏ và người dân của họ có lẽ cũng khỏe mạnh hơn so với một số quốc gia khác trên thế giới.

Vì lẽ đó, việc vận hành cũng như thay đổi một hệ thống y tế như vậy phần nào cũng đơn giản hơn.

Hạn chế tự do cạnh tranh

Mặc dù có một hệ thống y tế gồm nhiều cấp độ chăm sóc sức khỏe và các bệnh viện công, nhưng Chính phủ Singapore vẫn nắm quyền kiểm soát rất chặt đối với việc chăm sóc bệnh nhân nội trú. 

Singapore cho phép y tế tư nhân cạnh tranh với y tế công, nhưng hệ thống y tế công vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc cung cấp các dịch vụ y tế.

Thoạt đầu Singapore cũng để cho các bệnh viện được cạnh tranh nhiều hơn bởi họ tin rằng thị trường tự do cạnh tranh sẽ giúp chi phí dịch vụ giảm. 

Nhưng khi các bệnh viện cạnh tranh với nhau bằng cách mua thêm các công nghệ mới, cung cấp những dịch vụ đắt đỏ, trả lương cao hơn cho bác sĩ, giảm bớt các dịch vụ dành cho người nghèo hoặc có thu nhập thấp, tập trung hơn cho các phòng bệnh loại A, tình trạng này đã dẫn tới việc tăng chi tiêu ngân sách cho y tế.

Từ đó Chính phủ Singapore nhận ra rằng chiến lược để cho thị trường tự do cạnh tranh đã thất bại trong lĩnh vực y tế. 

Khi điều này xảy ra tại Singapore, các quan chức chính phủ đã can thiệp nhiều hơn. 

Họ thiết lập những tỉ lệ bắt buộc về các loại giường bệnh mà mỗi bệnh viện phải cung cấp, kiểm soát các bệnh viện để không tập trung quá nhiều vào lợi nhuận, đồng thời đặt ra quy định các bệnh viện phải xin phép trước khi trang bị những công nghệ mới và đắt tiền. 

Singapore cũng là nước có sự quản lý rất chặt về số lượng bác sĩ, kiểm soát cả về mức lương của nhóm lao động này.

Tư nhân hóa

Người Mỹ thường nghĩ họ có một hệ thống chăm sóc sức khỏe được tư nhân hóa rất cao. Trên thực tế Singapore còn có hệ thống y tế được tư nhân hóa cao hơn nhiều.

Tại quốc gia này, khoảng 2/3 chi phí chăm sóc sức khỏe của người dân là tự chi trả, 1/3 còn lại thuộc về nhà nước. Trong khi đó ở Mỹ là tỉ lệ ngược lại.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên