13/10/2016 21:44 GMT+7

Vì sao nhà vua Thái Lan được toàn dân yêu mến

TÚ ANH
TÚ ANH

TTO - Những ngày qua, trong lúc chờ đợi trước bệnh viện Siriraj ở Bangkok để cầu nguyện và nghe ngóng tin tức của Quốc vương, không ít người dân Thái Lan đã nói sẵn sàng chết thay cho Quốc vương của mình.

Một phụ nữ Thái òa khóc khi hay tin chính thức Đức vua đã băng hà - Ảnh: Reuters

Đối với người phương Tây, hiện tượng người dân quí trọng Đức vua tột cùng như ở Thái Lan là một hiện tượng lạ. Tuy vậy khi đào sâu tìm hiểu thì điều đó cũng không có gì quá bất thường bởi những gì ông đã làm cho dân, lo cho dân, nghĩ về hạnh phúc của nhân dân.

Những điều đó hiển hiện trong cuộc sống hằng ngày, trong quá trình chuyển mình của đất nước Thái Lan. Nhiều câu chuyện thực đã trở thành huyền thoại, được người dân Thái tự hào kể lại với bất kỳ ai muốn nghe.

Những câu chuyện đi vào huyền thoại

“Nhà vua làm kênh rạch, nên có nước về ruộng đồng. Nước của Vua mang lại đấy, chứ không phải mưa trên trời đâu. Bây giờ, công chúa là người tiếp nối nhà vua làm những việc này” - một người tài xế taxi ở thành phố nghỉ dưỡng Hua Hin giải thích với khách du lịch.

Nguồn nước này chính là từ những công trình như đập Pa Sak Jolasid hay dự án “Mưa của Hoàng gia” do chính Vua Bhumibol trực tiếp thực hiện và chỉ đạo.

Khi mới lên ngôi những năm 1950, năm nào Đức vua cũng tự tay lái xe jeep, với Hoàng hậu Sikirit ngồi kề bên, đi tổng cộng 50.000 km, tới những nơi hẻo lánh, xa xôi để thị sát đời sống người dân còn khốn khó.

Trong tâm trí của những người dân Thái, nhà vua là một người thân thiện, với cuốn sổ và chiếc bút trên tay, luôn lắng nghe những người nghèo nhất và tràn đầy ý tưởng mới thay đổi cuộc sống cho họ.

Hình ảnh của ông có ở khắp mọi nơi của Thái Lan, từ biển quảng cáo tại các sân bay cho tới các bức tường trong những hộp đêm ở Pattaya. Đó là bằng chứng rõ ràng nhất cho việc ông được các thần dân của mình tôn kính gần như một vị thần ra sao"
Andrew MacGregor Marshall, nhà báo người Scotland từng làm việc cho hãng tin Reuters

Quốc vương lập ra dự án của Hoàng gia, xúc tiến các kỹ thuật gieo hạt kiểu mới. Năm 1971, ông đưa ra các biện pháp giúp người dân giải hạn, đào kênh rạch trữ và điều tiết nước.

Đức vua đã biến cung điện Chitralada rộng lớn của mình thành tổ hợp trang trại, cánh đồng, nhà máy chế biến - nơi ông có thể tiến hành nhiều thí nghiệm và thực hiện hàng loạt các đề án về nông nghiệp, thuỷ lợi. Từ đây, hơn 2.000 đề án do chính nhà vua khởi xướng đã được triển khai trên toàn quốc, cải thiện điều kiện sống của dân nghèo ở nông thôn.

Quốc vương Thái Lan là một trong số ít người nhận được rất nhiều bằng sáng chế trong và ngoài nước, đặc biệt là về kỹ thuật, dù ông tốt nghiệp tú tài văn chương Pháp và sở trường là chơi nhạc jazz.

Đức vua Bhumibol (trái) trong bức ảnh chụp ông chơi kèn vào tháng 7-1960 - Ảnh: AFP

Thời điểm năm 1998 - 2003, khi chính sách phát triển của nhà nước thất bại, các tổ chức phi chính phủ đang có nhiều hoạt động, nhà vua cũng đã thiết lập tổ chức phi chính phủ Hoàng gia nhằm thúc đẩy nền kinh tế tự cung tự cấp và được số đông chấp thuận, làm theo.

Chào đời tại Cambridge, thuộc tiểu bang Massachusetts (Mỹ), do cha ông đang học ngành Y ở đó. Phần lớn thời niên thiếu, Quốc vương Bhumibol sống ở phương Tây, và thậm chí khi đã chính thức được phong vương, ngài vẫn quyết tâm học hành đến nơi đến chốn ở Thụy Sĩ. 

Trong thời gian xa quê nhà, từ nhỏ, ông đã học được rằng phải biết cội rễ của mình là nơi đâu, và trong lòng nặng gánh món nợ quê hương.

Với tư tưởng độc lập, tự chủ về kinh tế xã hội, Quốc vương Bhumibol coi “sự hăng say làm việc của mọi người dân đất nước chính là bảo đảm tốt nhất cho tồn vong của dân tộc”.

“Chưa từng có ai trong lịch sử của Vương quốc Thái Lan đã nỗ lực để cải thiện đời sống người dân như vua Rama IX. Ông đã khởi động hàng ngàn dự án mang lại lợi ích lớn lao cho người dân và đất nước. Đó là lý do vì sao mọi gia đình, văn phòng, tòa nhà công sở đều treo ảnh nhà vua” 
Tạp chí The Big Chilli

Vào năm 1997, chính Đức vua Bhomibol đã ký sắc lệnh sửa đổi Hiến pháp, theo đó Đức vua không còn là người bảo hộ đạo Phật - quốc giáo của Thái Lan. Bản thân Đức vua là người theo đạo Phật nhưng ngài bảo hộ cho tất cả các tôn giáo khác, kể cả cộng đồng Hồi giáo là người thiểu số lớn nhất ở miền Nam Thái Lan, nơi thường xảy ra các cuộc xung đột.

Điều này đã giúp cho ngài không chỉ được người đạo Phật ngưỡng mộ mà cả người đạo Hồi cũng phải kính nể và khâm phục.

Người dân Thái Lan buồn đau vào chiều tối 13-10 khi hay tin Đức vua đã băng hà - Ảnh: Reuters

Quyền lực mềm trong những thời điểm nghiêm trọng

Tại Thái Lan đầu những năm 1930, quyền lực của nhà vua hầu như chỉ mang tính biểu tượng. Nhưng qua nhiều thăng trầm, Quốc vương Bhumibol ghi dấu ấn của vương quyền trong những thời khắc quan trọng của đất nước.

Chế độ quân chủ chuyên chế ở Thái Lan được xóa bỏ vào năm 1932, do vậy trên nguyên tắc nhà vua không được can thiệp vào chính trị và đứng trên các đảng phái.

Thế nhưng trong hậu trường, Quốc vương Bhumibol lại là một chính trị gia tinh tường, đầy quyền uy, trở thành một cố vấn đắc lực cho nhiều đời thủ tướng mặc dù bên ngoài ngài vẫn trầm tĩnh và kín đáo.

Suốt gần bảy thập niên trị vì, Đức vua Bhumibol đã chứng kiến 17 cuộc đảo chính và 27 đời thủ tướng. Mỗi khi đất nước Thái Lan rơi vào khủng hoảng, tiếng nói của nhà vua như là một chỉ dụ để trấn an người dân, làm dịu tình hình.

Tờ New York Times của Mỹ nhận định Quốc vương Bhumibol đóng vai trò cốt yếu cho bản sắc của Thái Lan, và là lực lượng chính gắn kết đất nước, đóng vai trò quan trọng trong quá trình Thái Lan chuyển đổi thành đất nước dân chủ.

Như câu chuyện hồi năm 2003, hàng trăm người Thái đã tụ tập bên ngoài đại sứ quán Campuchia ở thủ đô Bangkok, giật đổ tường và tìm cách tràn vào tòa nhà để trả đũa vụ sứ quán Thái Lan tại Phnom Penh ở Campuchia bị đốt.

Khi đó, Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Thái Lan thông báo cho đám đông rằng thư ký Đức vua chuyển lời của Đức vua Bhumibol kêu gọi bình tĩnh. Đám đông lập tức trật tự giải tán.

Thực quyền của Đức vua có hiệu lực rõ ràng trong những tình huống chia rẽ sâu sắc, với triết lý vì lợi ích của cả dân tộc, chứ không của riêng phe phái nào.

Đáng kể nhất là cuộc biểu tình năm 1992 nổ ra mà nguyên nhân chính là do mâu thuẫn giữa Thủ tướng Suchinda Kraprayoon và chính trị gia đối lập Chamlong Srimuang, khiến nhiều người dân Thái Lan bỏ mạng.

Trên sóng truyền hình được phát trực tiếp, Đức vua Bhumibol đã kêu gọi cả hai người tới để đề xuất hợp tác, "vì đất nước của tất cả chúng ta chứ không phải vì đất nước của hai vị”.

Thailand's King Bhumibol Adulyadej admonishes political rivals Chamlong Srimuang and Suchinda Kraprayoon after bloodshed in Bangkok in 1992. Photo: Screen grab from Thai television
Đức vua Bhumibol Adulyadej (phải) nói chuyện với hai chính trị gia đối lập Chamlong Srimuang và Suchinda Kraprayoon (quì ngồi nghe bên trái) do tình hình đụng độ đổ máu ở Bangkok năm 1992 - Ảnh chụp lại từ truyền hình Thái Lan

"Cuộc khủng hoảng không chỉ ảnh hưởng đến mọi người ở Bangkok, mà còn ảnh hưởng tới cả nước. Nếu như Bangkok bị thiệt hại, cả nước cũng sẽ bị thiệt hại. Không ai có thể hát khúc ca khải hoàn trên đống đổ nát của đất nước", Quốc vương khi đó răn dạy hai chính trị gia.

Vài giờ sau, đôi bên đồng loạt tuyên bố rời khỏi chính trường, quân đội buông vũ khí, người biểu tình cũng rút lui.

Thủ tướng Suchinda Kraprayoon rút lui ngày 24-5-1992 chỉ sau 6 tuần lễ nắm quyền lực và Phó thủ tướng Meechai Ruchuphan lên nắm tạm quyền cho đến khi chính phủ mới thành lập với ông Anand Panyarachun làm lãnh đạo.

Sau nhiều ngày chìm trong khói lửa, hơi cay, đường phố thủ đô Bangkok ngày 5-12 bỗng yên ả lạ thường. Ở nhiều nơi, xe hơi không hoạt động, không có dấu hiệu nào của những cuộc biểu tình chống chính phủ vốn đã gây náo loạn suốt hơn một tuần trước đó. Quốc kỳ Thái Lan tràn ngập.

Tướng Prem Tinsulanonda - Thủ tướng Thái Lan từ tháng 3-1980 đến tháng 8-1988 - là người trực tiếp theo dõi cuộc nói chuyện trên nhớ lại: "Ngài không can thiệp cho tới khi chính phủ khi đó không thể nào kiểm soát được tình hình. Trong thời khắc vô cùng khủng hoảng, mọi người đã tìm tới ngài để kêu gọi giúp đỡ ngăn chặn đổ máu. Ngài đã mang lại hoà bình bằng cách đưa ra những lời khuyên".

Còn chính trị gia Anand Panyarachun, người từng nắm vị trí Thủ tướng Thái Lan hai lần ngắn ngủi trong giai đoạn lịch sử biến động 1992 có liên quan ông Suchinda Kraprayoon, đã miêu tả quyền năng của nhà vua Bhumibol như một thứ "quyền lực dự phòng", luôn được sử dụng một cách tiết kiệm nhưng đầy khôn ngoan, đóng vai trò quyết định trong việc duy trì sự ổn định của quốc gia.

Quyền lực này, theo ông Panyarachun, được tích luỹ trong suốt cuộc đời cống hiến cho đất nước của Đức vua, là thứ không thể truyền lại, cũng không thể kế thừa được.

TÚ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên