11/10/2016 17:27 GMT+7

Vì sao quan hệ Nga - Thổ nồng ấm quá nhanh?

M. TRUNG
M. TRUNG

TTO - Gần một năm sau ngày không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiến đấu cơ của Nga, quan hệ hai nước bỗng chuyển sang bước ngoặt mới, trở nên gần gũi hơn bao giờ hết.

Tổng thống Nga Putin bắt tay nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại lễ ký kết dự án TurkStream tại Istanbul ngày 10-10 - ảnh: Reuters
Tổng thống Vladimir Putin bắt tay Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại lễ ký kết dự án TurkStream tại Istanbul ngày 10-10 - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, ngày 10-10 Thổ Nhĩ Kỳ và Nga vừa ký kết một thỏa thuận quan trọng xây dựng đường ống dẫn khí đốt dưới biển đồng thời cam kết tìm tiếng nói chung trong cuộc chiến tại Syria. Vận tốc “bình thường hóa” này có thể xem là “quá nhanh…” nếu nhìn lại sự lạnh lẽo giữa hai nước cách đây không lâu.

Hoạn nạn thì nương vào nhau

Sự gần gũi Nga - Thổ không hẳn là “phép màu” mà có thể gọi là “hoàn cảnh”. Cả Nga lẫn Thổ hiện nay đều gặp khó khăn với kinh tế trong nước, quan hệ với phương Tây thì trắc trở.

Hôm qua, tại căn biệt thự kiến trúc Ottoman ở thành phố Istanbul, Tổng thống Tayyip Erdogan đã tiếp đón nồng hậu “người đàn ông quyền lực nhất hành tinh” Vladimir Putin.

Họ thảo luận nhiều chủ đề, từ hợp tác năng lượng, giao thương, du lịch, quốc phòng cho đến cuộc xung đột ở Syria, nơi Nga và Thổ đang hỗ trợ hai phe đối nghịch nhau.

“Hôm nay là một ngày trọn vẹn với Tổng thống Putin để thảo luận mối quan hệ Nga - Thổ… Tôi có đầy tự tin bình thường hóa quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục với tốc độ nhanh” - ông Erdogan hào hứng khẳng định trong cuộc họp báo chung.

Ông Putin cũng thông báo Matxcơva đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu một số thực phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ, vốn áp dụng sau khi máy bay Thổ bắn rơi máy bay Nga hồi tháng 11-2015.

Ông Putin và Erdogan đã đặt bút ký thỏa thuận đường ống khí đốt dưới biển TurkStream, được cho là sẽ củng cố thêm vị thế của Nga trên thị trường khí đốt châu Âu, không bị lệ thuộc vào đường ống chính đang đi qua Ukraine.

TurkStream xuất hiện sau khi Nga bỏ cuộc với dự án South Stream đi qua Bulgaria do bị Liên minh châu Âu (EU) phản đối. EU vốn đang tìm mọi cách giảm sự lệ thuộc vào khí đốt Nga.

Ông Erdogan còn cho biết dự án nhà máy điện nguyên tử Akkuyu do Nga thực hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được đẩy nhanh. Khoảng thời gian bị mất của dự án do giai đoạn căng thẳng vừa qua sẽ được bù đắp - ông Erdogan khẳng định.

Tập đoàn hạt nhân quốc gia Nga Rosatom thắng gói thầu trị giá 20 tỉ USD xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2013. Kế hoạch này bị hoãn lại sau căng thẳng năm ngoái.

Rào cản Syria

Cuộc xung đột Syria là hàng rào lớn nhất ngăn cách Nga và Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay. Ông Erdogan trước đây từng mô tả chủ đề này là “rất nhạy cảm”, nhưng ông tiết lộ đã thảo luận về chiến dịch quân sự của Thổ ở Syria với ông Putin trong cuộc gặp ngày 10-10.

Hai nhà lãnh đạo tuyên bố họ đồng ý về tầm quan trọng của công tác gửi cứu trợ đến thành phố Aleppo (Syria). “Chúng tôi chia sẻ quan điểm chung là mọi nỗ lực cần thực hiện để đưa cứ trợ nhân đạo đến Aleppo. Vấn đề duy nhất là… bảo đảm an toàn cho công tác này” - theo tuyên bố từ ông Putin.

Mới hôm 8-10, Nga đã phủ quyết một nghị quyết trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc do Pháp đưa ra, theo đó Paris muốn chấm dứt mọi cuộc không kích và máy bay quân sự trên vùng trời Aleppo. Một văn bản khác do Nga soạn thảo cũng không được thông qua.

Tổng thống Erdogan nói các cuộc thảo luận với Nga về Syria sẽ được tiếp tục, tuy nhiên không rõ cơ hội thành công là bao nhiêu. Ông Putin và Erdogan đều đồng ý sẽ tăng cường liên lạc quân sự giữa hai nước.

“Chúng tôi sẽ ngồi lại với nhau, các ngoại trưởng, lãnh đạo quân sự và tình báo” - ông Erdogan khẳng định.

M. TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên