“Vào ngày này 25 năm trước, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ném bom trắng trợn vào Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade, khiến 3 nhà báo Trung Quốc thiệt mạng”, Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc lại trong một bức thư được nhật báo Politika (Serbia) đăng hôm 7-5.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ quên chuyện này. Người dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình và sẽ không để những bi kịch lịch sử như vậy lặp lại”, truyền thông nhà nước Trung Quốc nhấn mạnh.
Cột mốc đen tối trong lịch sử quân sự Mỹ
Ngày 7-5-1999, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ném bom vào Đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade, khiến 3 công dân Trung Quốc thiệt mạng và hơn 20 người bị thương. Vụ việc đã làm dấy lên làn sóng biểu tình chống Mỹ ở Bắc Kinh.
Doanh nhân Trung Quốc Shen Hong sống tại Belgrade ở thời điểm đó thuật lại rằng khi ông đến hiện trường, cảnh tượng rất thảm khốc, tòa sứ quán cháy đen cùng nhiều người bị thương nặng.
Theo tạp chí The National Interest, NATO đã sử dụng 5 quả bom dẫn đường chính xác đến 13m phóng từ máy bay ném bom tàng hình B-2 thuộc Đội ném bom số 509, Lực lượng Không quân Mỹ.
Vụ việc trên đã trở thành một cột mốc đen tối trong lịch sử quân sự Mỹ và tác động mạnh mẽ đến chính sách đối ngoại Trung Quốc, cũng như ảnh hưởng đến lập trường chung của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối với phương Tây.
Bên cạnh việc gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington, vụ đánh bom đại sứ quán năm 1999 còn khiến Bắc Kinh và Belgrade xích lại gần nhau hơn.
Kể từ khi xảy ra sự việc, Trung Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất của Serbia, đồng thời cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai sau Liên minh châu Âu (EU).
"Mỹ phạm phải sai lầm nghiêm trọng"
Trong một lá thư viết vào tháng 6-1999 gửi đến Chính phủ Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích về nguyên nhân gây ra vụ việc thương tâm xuất phát từ một loạt lỗi cơ bản.
Theo đó, giới chức Mỹ cho biết phương pháp được sử dụng để xác định mục tiêu đã sai sót nghiêm trọng. Mục tiêu ban đầu là trụ sở Cục Cung ứng và Mua sắm Liên bang Nam Tư (FDSP) - cơ quan nhà nước nhập khẩu và xuất khẩu thiết bị quốc phòng, cách Đại sứ quán Trung Quốc vài trăm mét.
“Một trong những chiếc máy bay của chúng tôi đã tấn công nhầm mục tiêu vì chỉ dẫn ném bom dựa trên bản đồ không còn chính xác nữa”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen nhận định.
Ông cho biết hệ thống định vị của Chính phủ Mỹ dường như không hiển thị vị trí chính xác của Đại sứ quán Trung Quốc và FDSP, dẫn đến nhầm lẫn tai hại.
Không chỉ vậy, cơ sở dữ liệu tình báo và quân sự được sử dụng để kiểm tra chéo không hiển thị vị trí của Đại sứ quán Trung Quốc, khiến nhiều binh sĩ không phân biệt được trụ sở FDSP và tòa đại sứ.
Trung Quốc không tin giải thích của Mỹ
Bất chấp lời xin lỗi từ tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Bill Clinton, Chính phủ Trung Quốc vẫn luôn khẳng định rằng đó không thể là một vụ không kích nhầm lẫn, quân đội Mỹ đã cố tình ném bom Đại sứ quán Trung Quốc.
Đại diện của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc vào thời điểm đó tố cáo đây là “tội ác chiến tranh” và là “hành động dã man”.
Tổng thống Clinton gọi vụ đánh bom là một sự kiện bi thảm và riêng biệt, khẳng định rằng Mỹ không hề cố ý gây ra sự cố trên, trái ngược với những gì giới chức Trung Quốc lập luận trước đó.
Phía Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra bất kỳ bằng chứng nào chứng minh đây là một cuộc tấn công có kế hoạch của Mỹ, theo báo Nikkei Asia.
Những người Nam Tư cũ cũng không có quan điểm thống nhất. Đài BBC dẫn lời một cựu sĩ quan tình báo quân đội Nam Tư cho rằng vụ đánh bom của NATO là có chủ đích và lời giải thích từ phía Washington chỉ là ngụy biện.
Trong hai thập kỷ kể từ sau vụ ném bom đại sứ quán tại Belgrade, Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách về tiềm lực với Mỹ. Trung Quốc không cần phải sợ bất kỳ nước nào, miễn là Trung Quốc có sức mạnh thực sự, báo Nikkei Asia lập luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận