27/12/2018 20:16 GMT+7

Vì sao Nhật lại muốn đánh bắt cá voi thương mại?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Tuyên bố ngày 26-12 rút khỏi Ủy ban Săn bắt cá voi quốc tế của Nhật đã bị nhiều nước chỉ trích. Ngoài yếu tố kinh tế, Nhật muốn đánh bắt cá voi thương mại trở lại từ tháng 7-2019 còn vì vấn đề truyền thống văn hóa và danh dự.

Vì sao Nhật lại muốn đánh bắt cá voi thương mại? - Ảnh 1.

Tàu đánh bắt cá voi tại cảng Kushiro thuộc tỉnh Hokkaido (Nhật) - Ảnh: KYODO

Cách đây hơn 30 năm, Nhật chính thức thông báo ngừng đánh bắt cá voi. Năm 1986, Nhật phê chuẩn lệnh cấm đánh bắt cá voi của Ủy ban Săn bắt cá voi quốc tế (IWC). 

Sau đó, Nhật đề nghị được đánh bắt cá voi phục vụ nghiên cứu khoa học và được cấp quota 300 con cá voi mỗi năm. Đến nay Nhật là quốc gia duy nhất đánh bắt cá voi để nghiên cứu khoa học. Dù vậy, thịt cá voi lại được bày bán tràn lan ngoài chợ.

Đánh bắt cá voi vì lợi ích kinh tế

Nhật quyết định sẽ đánh bắt cá voi thương mại trở lại vì nhiều lý do.

Lý do đầu tiên là kinh tế. Bộ Nông nghiệp Nhật phải trợ cấp mỗi năm 5 tỉ yen (37,5 triệu USD) cho lĩnh vực này. Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace đánh giá đây là lý do chính thúc đẩy Nhật nối lại việc đánh bắt cá voi thương mại.

Thông cáo của Greenpeace đã từng khẳng định: "Những người thụ hưởng duy nhất của chương trình săn bắt cá voi là số ít viên chức quan liêu lạm dụng của công để tiếp tục chương trình nghiên cứu chẳng mang lại lợi ích gì cả".

Báo Le Monde (Pháp) chứng minh các nhà chính trị có ảnh hưởng nhất ở Nhật đều xuất thân từ các vùng đánh bắt cá, vì vậy họ không quan tâm đến chuyện cấm săn bắt cá voi. Ví dụ như Thủ tướng Shinzo Abe là người ở tỉnh Yamaguchi, địa phương có cảng cá voi quan trọng.

Tôi tin rằng theo cách nào đó, đây là vấn đề danh dự (đối với Nhật). Không ai muốn bị truyền thông chỉ trích và cũng không ai thích phải quỳ gối trước nước ngoài

(Nhà sử học Pháp Jean-Marie Bouissou giải thích vì sao Nhật rút khỏi IWC)

Vì sao Nhật lại muốn đánh bắt cá voi thương mại? - Ảnh 3.

Bà Junko Sakuma đến cửa hàng bán thịt cá voi tại chợ cá Tsukiji ở Tokyo - Ảnh: KYODO

Đánh bắt cá voi là truyền thống Nhật

Nhật cùng với Na Uy là các quốc gia đánh bắt cá voi nhiều nhất thế giới. Năm 2017, Nhật đã đánh bắt 596 con.

Trước năm 1986, trung bình người Nhật tiêu thụ 2,3 kg thịt cá voi/người/năm. Hiện nay dân Nhật rất ít ăn thịt cá voi, chỉ còn khoảng 30 gam mỗi đầu người. Dù vậy người Nhật vẫn xem săn bắt cá voi là truyền thống dân tộc Nhật.

Một cuộc thăm dò năm 2014 do nhật báo Asahi Shimbun (Nhật) tổ chức cho thấy 60% số người Nhật được hỏi ủng hộ đánh bắt cá voi. Trong những người cho biết không ăn thịt cá voi, gần 50% cũng có ý kiến tương tự.

Tập tục đánh bắt cá voi đã xuất hiện ở Nhật từ thế kỷ 12, sau đó phát triển mạnh sau Chiến tranh thế giới thứ hai vào thời kỳ thịt cá voi là nguồn thực phẩm cung cấp đạm động vật chủ yếu cho người dân.

Lúc cao trào săn bắt trong thập niên 1950, mỗi năm có khoảng 2.000 con cá voi theo tàu cập cảng Nhật.

Vì sao Nhật lại muốn đánh bắt cá voi thương mại? - Ảnh 4.

Biểu tình phản đối săn bắt cá voi vào lúc hội nghị cấp cao Ủy ban Săn bắt cá voi quốc tế diễn ra tại Florianopolis (Brazil) vào tháng 9-2018 - Ảnh: REUTERS

Sĩ diện của người Nhật về ngoại giao

Săm bắt cá voi là vấn đề căng thẳng lâu nay giữa Nhật với các nước và Nhật không hề muốn nhượng bộ trước súc ép quốc tế.

Ngày 31-3-2014, Tòa án Công lý quốc tế đã từng phán quyết cấm Nhật săn bắt cá voi ở Nam Cực. Lúc bấy giờ Nhật xem phán quyết đó là "một đòn tấn công về văn hóa và là một hình thức thành kiến với văn hóa Nhật".

Hội nghị cấp cao của IWC hồi tháng 9-2018 tại Brazil diễn ra đặc biệt căng thẳng.

Nhật cố tìm cách thông qua văn kiện nhằm cho phép ấn định quota đánh bắt cá voi vì mục đích thương mại đối với một số loài cá voi có số lượng phong phú.

Đề xuất này đã bị các nước muốn bảo vệ cá voi "quất tơi tả". Tiên phong là Úc, kế đến đến Liên minh châu Âu và Mỹ.

Lúc bấy giờ Nhật đã "tung chiêu" dọa sẽ rời khỏi IWC. Sau đó, nhiều nước - trong đó có Nhật không bỏ phiếu về dự án thành lập khu bảo vệ cá voi rộng 20 triệu km2 ở phía nam Đại Tây Dương. Ba tháng sau hội nghị, Nhật tuyên bố rút khỏi IWC.

Ủy ban Săn bắt cá voi quốc tế (IWC) được thành lập năm 1946, hiện nay có 89 nước thành viên. Nhật là quốc gia duy nhất được cấp giấy phép đặc biệt săn bắt cá voi vì mục đích khoa học. Na Uy và Iceland cũng tiếp tục săn bắt cá voi vì mục đích thương mại.

Thổ dân Inuit (người Eskimo) và một số dân tộc bản địa ở Alaska, Siberia, Canada vẫn tiếp tục duy trì tập tục săn bắt cá voi để sinh tồn. Họ phải thông báo cho IWC số lượng đánh bắt nhưng không bị xem là vi phạm luật.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên