Báo cáo đánh giá về thị trường điện cạnh tranh mới đây được Bộ Công Thương gửi Chính phủ đã cho biết từ việc chỉ có 32 nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường điện cạnh tranh với tổng công suất 9.212 MW, sau hơn 11 năm vận hành đã có 109 nhà máy, với tổng công suất đặt tăng khoảng 3,34 lần, lên 30.817 MW.
Như vậy, số lượng nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường đã tăng gần 3,4 lần. Và bình quân mỗi năm lượng công suất của các nhà máy trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường điện đã tăng 13,12%.
Hơn 30% nhà máy điện tham gia thị trường
Các nguồn điện trực tiếp tham gia chào giá trên thị trường đa dạng về loại hình doanh nghiệp, từ tư nhân, Nhà nước, cổ phần. Việc vận hành thị trường điện cạnh tranh đã giúp tăng cường minh bạch trong vận hành thông qua cơ chế chào giá; thị trường vận hành an toàn, liên tục, ổn định theo đúng quy định.
Ngoài việc tăng trưởng ở phía các đơn vị phát điện, Bộ Công Thương cho rằng việc tham gia thị trường điện của 5 tổng công ty điện lực đã giúp thay đổi từng bước trong khâu mua buôn điện.
Sau hơn 11 năm vận hành, thị trường điện đã hình thành hệ thống pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực vận hành, giúp tạo điều kiện cho việc đáp ứng các giai đoạn phát triển cao hơn của thị trường điện.
Thêm nữa, cơ cấu ngành điện dần được thay đổi để vận hành thị trường điện và hệ thống điện hiệu quả hơn.
Đó là việc thành lập công ty mua bán điện, tách bạch hoạt động truyền tải điện, cổ phần hóa các công ty phát điện, chuyển đổi mô hình hoạt động của Trung tâm Điều độ điện quốc gia, thực hiện tái cơ cấu ngành điện…
Tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá thị trường bán buôn điện cạnh tranh hiện đang vận hành ở mức đơn giản hóa do cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin vẫn đang trong quá trình đầu tư, nâng cấp.
Tỉ lệ công suất thiết kế của các nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường điện hiện chỉ chiếm hơn 37% tổng công suất thiết kế của tất cả các nhà máy điện trong hệ thống.
Vì vậy, để tăng tỉ lệ các nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường điện, Bộ Công Thương đã giao EVN nghiên cứu, xây dựng đề án đưa các nhà máy BOT và thủy điện chiến lược đa mục tiêu tham gia thị trường điện.
Còn nhiều bất cập trên thị trường điện
Tuy nhiên đến nay các đề án trên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, các nhà máy điện của BOT chưa tham gia được thị trường điện vì chưa có nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam, chưa so sánh đánh giá ưu nhược điểm của phương án.
Trong khi đó, EVN đề xuất để Công ty Mua bán điện chào giá thay, sẽ dẫn đến tình trạng mâu thuẫn về lợi ích; đề xuất bổ sung quy định pháp lý về thu phí dịch vụ cho Công ty Mua bán điện khi chào giá thay cũng được đánh giá là không phù hợp; chưa làm rõ được khả năng đáp ứng các cam kết kỹ thuật - thương mại trong hợp đồng BOT đã ký.
Với việc tham gia thị trường điện của các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu, các phương án EVN đề xuất chưa có đánh giá các ưu nhược điểm, cũng như mức độ ảnh hưởng đến giá bán buôn điện nội bộ của EVN.
Các vấn đề khác như việc đảm bảo an ninh cung cấp điện, chống lũ, tưới tiêu, an ninh - quốc phòng, tác động đến giá bán lẻ điện… cũng chưa được đánh giá đầy đủ.
Thêm nữa, việc tái cơ cấu ngành điện còn chậm, đặc biệt liên quan đến việc chuyển đổi Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thành đơn vị độc lập.
Cơ chế giá bán lẻ điện hiện nay cũng chưa đồng bộ với thực tế phát triển thị trường điện, giá bán lẻ điện chưa được điều chỉnh kịp thời theo các biến động đầu vào của giá nhiên liệu trong khâu phát điện.
Cùng đó, tỉ trọng năng lượng tái tạo tăng cao trong các năm gần đây là thách thức cho công tác điều độ, vận hành hệ thống điện và thị trường điện.
Để xử lý vấn đề này, Bộ Công Thương đang đề xuất ban hành Luật Năng lượng tái tạo và rà soát để sửa đổi các quy định liên quan đến vận hành hệ thống điện và thị trường điện, nhằm phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận