10/04/2019 10:19 GMT+7

Vì sao một bộ phận giới trẻ hung hãn, máu lạnh?

Tiến sĩ tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG
Tiến sĩ tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG

TTO - Xã hội đang phải đối mặt với hiện tượng hung hãn, lưu manh, côn đồ, coi thường pháp luật của một bộ phận giới trẻ, nhất là thanh thiếu niên.

Vì sao một bộ phận giới trẻ hung hãn, máu lạnh? - Ảnh 1.

Một vài cảnh bạo lực học đường được phát trên mạng xã hội - Ảnh: TTO

Không chỉ những vụ bạo lực học đường của những học sinh mà cả những vụ giết người máu lạnh cũng làm phẫn nộ dư luận xã hội.

Gần đây nhất, ngày 4-4, anh Mai Xuân Lan (33 tuổi, ở P.2, TP Đông Hà, Quảng Trị) đang lưu thông trên đường và phát hiện Lê Văn Hoài vượt đèn đỏ. Vì bị nhắc nhở nên đã Hoài nảy sinh va chạm với anh Lan, sau đó thanh niên này dùng dao thủ sẵn trong người đâm vào người anh Lan, dẫn đến anh bị thương nặng và tử vong.

Khoa học tâm lý đã chứng minh: Không phải ai sinh ra cũng hung hãn, lưu manh, mà thói hung hăng ở đa số người trẻ là do ảnh hưởng, tập nhiễm từ môi trường xung quanh. 

Cũng phải thừa nhận, kiểu tính khí (khí chất) phần nào cũng do di truyền, người nóng tính, người trầm tính, người hoạt tính, người ưu tư... Nhưng điều đó sẽ không thể quyết định tính hung hãn của con người. Hung hăng không phải là bản tính khó đổi, mà hoàn toàn có thể giáo dục làm thay đổi nếu như được tiến hành tác động một cách bài bản, có hệ thống. 

Theo chúng tôi, tính hung hãn có một số căn nguyên sau đây:

Lỗi tại gia đình: Phần lớn những người có khuynh hướng bạo lực và hay thường bạo lực được bắt nguồn từ chính cách ứng xử của các thành viên trong gia đình của mình. Nếu như trẻ sinh ra và thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ xung đột với nhau, thấy người lớn chủ yếu xử lý mâu thuẫn bằng việc thượng cẳng chân, hạ cẳng tay thì trẻ cũng bắt chước, tập nhiễm từ trong nhận thức cho đến hành vi.

Đặc biệt, khi trẻ là nạn nhân của những trận bạo lực của cha mẹ, thì con trẻ sau này lớn lên chúng cũng bộc lộ khuynh hướng xử lý xung đột bằng bạo lực. Theo khoa học tâm lý, hình ảnh xung đột giữa cha và mẹ bao giờ cũng để lại vết hằn sâu đậm trong tâm hồn trẻ, vết hằn đó nếu sau này có điều kiện thì cũng dễ phát ra. 

Sống trong môi trường gia đình có bầu không khí thiếu lành mạnh như thế cũng khiến trẻ có khả năng kiềm chế rất kém, thậm chí là cả trước những tình huống không có hại đối với bản thân, trẻ vẫn sẵn sàng động thủ vì cho rằng đó là chuyện bình thường mà không lường hết hậu quả của hành vi mình gây ra.

Vì vậy, một đứa trẻ thường bị cha mẹ gây bạo lực thì chúng cũng thường có xu hướng bạo lực một cách hung hãn khi tiếp xúc với bạn bè, những người xung quanh.

Nhà trường ít quan tâm đến giáo dục đạo đức, ý thức pháp luật và kỹ năng sống cho trẻ: Thực tế, ở nhà trường, hầu hết chúng ta vẫn coi nhẹ việc dạy người, dạy cách ứng xử trước những tình huống ứng xử. Trong khi việc dạy chữ thì cứ rộn ràng, trẻ hết học chính khóa thì học thêm môn này, môn kia. Còn việc dạy người và dạy cách làm người lại hời hợt, hình thức và nhàm chán. 

Những bài học giáo dục đạo đức còn khô khan, lý thuyết suông mà chưa thấm sâu vào tâm hồn học trò, còn thiếu rất nhiều những bài học cuộc sống sinh động, đậm tình người, đặc biệt là những trải nghiệm hướng thiện cho học sinh. 

Không chỉ vậy, việc dạy kỹ năng sống vẫn không thiết thực, dẫn đến thiếu kỹ năng ứng xử trong cuộc sống. Không ít thanh thiếu niên ngày nay ra đường không biết kiểm soát, làm chủ hành vi, quản lý cảm xúc mà thay vào đó là sự ngông cuồng, hiếu chiến, sẵn sàng dùng hung khí với người khác. Chỉ cần một va chạm nhẹ là động thủ, là dùng bạo lực, là sẵn sàng đe dọa, chiếm đoạt tính mạng của người khác.

Tác động của mặt trái xã hội: Bên cạnh những mối quan hệ tích cực truyền thống thì hiện nay với sự tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường, sự xâm nhập các thói hư tật xấu, cũng như sự yếu kém của không ít các tổ chức xã hội đã dẫn đến quan hệ người với người lỏng lẻo, vô cảm và thay vào đó là của nó là những vụ bạo lực ngày càng gia tăng, là hiểm họa cho xã hội. 

Nhiều thanh thiếu niên hiện nay, đầu óc luôn bị xâm lấn bởi game online bạo lực, các video clip bạo lực, giang hồ tràn lan trên mạng xã hội đang được cổ xúy vô tổ chức, tùy tiện…

Vì vậy, để ngăn ngừa sự hung hãn, coi thường pháp luật của giới trẻ là trách nhiệm chủ yếu của 3 thiết chế là gia đình, nhà trường và xã hội. 

Nhất thiết phải bắt nguồn từ gia đình bằng sự yêu thương, chia sẻ, bằng cách giáo dục lấy hướng thiện làm nền tảng, được đặt lên hàng đầu. Cha mẹ hãy vì con cái, biết kiềm chế bản thân, tuyệt đối không nên có hành vi bạo lực trước mặt con trẻ, hãy giúp trẻ học những bài học hướng thiện ngay từ khi còn nhỏ và hướng dẫn trẻ những cách giải quyết xung đột mềm mỏng, khéo léo. Cho trẻ chứng kiến một số tình huống xử lý xung đột được xử lý một cách nhân văn, hài hòa, linh hoạt…

Nhà trường tăng cường giáo dục kỹ năng sống một cách thiết thực, phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Các tổ chức xã hội và nhất là cơ quan chức năng phối hợp với gia đình và nhà trường cho trẻ được xem những phiên tòa lưu động hoặc qua phim ảnh, để giáo dục, tuyên truyền nâng cao hiểu biết và chấp hành pháp luật.

Cổ vũ thế hệ trẻ có lối sống tích cực, yêu thương, tôn trọng người khác trong cộng đồng. Đồng thời, nghiêm trị, răn đe các hành vi bạo lực, coi thường mạng sống người khác.

Phụ huynh hung hãn xông vào trường đánh học sinh lớp 7 thâm tím người Phụ huynh hung hãn xông vào trường đánh học sinh lớp 7 thâm tím người

TTO - Một phụ huynh ở xã Cẩm Ngọc, huyện miền núi Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đã xông vào trường đánh nam sinh lớp 7 đến thâm tím người. Đã vậy, vị phụ huynh này còn không hợp tác với cơ quan chức năng để giải quyết vụ việc.

Tiến sĩ tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên