26/07/2023 11:45 GMT+7

Vì sao khó bao tiêu điện BOT?

Việc bao tiêu các nhà máy điện BOT có thể sẽ không thực hiện được như cam kết do những vướng mắc trong cơ chế huy động khi giá nhiên liệu ở các nhà máy này tăng cao.

Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 có thể sẽ không được bao tiêu theo đúng cam kết - Ảnh: N.KH.

Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 có thể sẽ không được bao tiêu theo đúng cam kết - Ảnh: N.KH.

Đây là một trong những nội dung vừa được Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo tới Bộ Công Thương. Câu chuyện bắt đầu từ việc bao tiêu nhiên liệu của Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, do nhà máy này sử dụng than nhập khẩu. 

Tuy nhiên với giá than tăng mạnh trong năm 2022, khiến giá biến đổi (giá bán điện được A0, EVN huy động - PV) tăng đáng kể.

Các quy định vận hành hệ thống điện và thị trường điện hiện tại đã quy định đầy đủ, rõ ràng nguyên tắc đảm bảo ràng buộc bao tiêu nhiên liệu đã được quy định trong hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện BOT.

Đại diện Bộ Công Thương

Thừa điện BOT vì giá nhiên liệu cao

Thực tế này dẫn tới sản lượng điện được huy động từ nhà máy nhiệt điện BOT này có mức thấp. Tại nhiệt điện Nghi Sơn 2, tổng sản lượng điện được huy động từ khi vận hành thương mại là 1,28 tỉ kWh, thấp hơn nhiều so với sản lượng điện tối thiểu cam kết huy động năm 2022 là 2,97 tỉ kWh. 

Tính đến hết ngày 17-7-2023, nhiệt điện Nghi Sơn 2 được huy động là 2,55 tỉ kWh, trong khi sản lượng điện cam kết tối thiểu là 5,9 tỉ kWh, tức là còn tới 3,45 tỉ kWh cần phải huy động đến hết năm nay.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của ngành điện cho biết theo quy định, với các nhà máy điện BOT sử dụng than nhập khẩu, do có bảo lãnh Chính phủ, ký hợp đồng nhập khẩu than dài hạn nên cần đảm bảo việc thu hồi chi phí cho nhà đầu tư. Vì vậy, việc bao tiêu nhiên liệu gắn với bao tiêu sản lượng điện huy động là một trong những cơ chế để đảm bảo khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư, được thực hiện theo các cam kết và quy định tại hợp đồng mua bán điện.

Tuy nhiên theo báo cáo của A0, do các nhà máy điện BOT là những nhà máy không trực tiếp chào giá và thanh toán chi phí cố định hằng tháng nên sẽ được lập lịch theo giá biến đổi trong hợp đồng mua bán điện. Thế nhưng việc biến động mạnh giá nhiên liệu đã tác động trực tiếp đến giá điện của các nhà máy nhiệt điện, ảnh hưởng đến thứ tự huy động các nguồn điện trong hệ thống.

Thực tế này gây vướng mắc phát sinh liên quan đến đảm bảo cam kết bao tiêu nhiên liệu với các nhà máy nhiệt điện BOT. Cụ thể trong trường hợp này, khi giá điện tại các nhà máy BOT có mức cao sẽ phải huy động theo thứ tự sau các nhà máy điện khác và đây chính là nguyên nhân khiến việc đảm bảo bao tiêu theo cam kết có thể không thực hiện được.

Tính toán của A0, trường hợp nhu cầu tiêu dùng điện giảm thấp trong các chu kỳ thấp điểm trưa và ngày nghỉ cuối tuần, nhiệt điện BOT Phú Mỹ 2.2 và BOT Phú Mỹ 3 sẽ phải giảm trước nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Thêm nữa, dự kiến có thể sẽ phải ngưng dự phòng một số tổ máy nhiệt điện than, trong đó có BOT Duyên Hải 2, Nghi Sơn 2 theo đúng thứ tự giá.

Phát sinh vướng mắc, bộ bảo quy định đã rõ

Trong văn bản gửi tới Bộ Công Thương, EVN cho biết vướng mắc trong thực hiện bao tiêu nhiên liệu và sản lượng điện phát tối thiểu hằng năm của nhiệt điện Nghi Sơn 2 cũng là vướng mắc chung của các dự án BOT. Thực tế cũng đã có những vấn đề phát sinh mà EVN đang phải giải quyết.

Do sản lượng điện được huy động thấp hơn so với giá trị cam kết, Công ty TNHH điện Nghi Sơn 2 đã đề nghị EVN xem xét về các chi phí bao tiêu nhiên liệu theo các hợp đồng cung cấp than và hợp đồng vận chuyển than năm 2022.

Trên cơ sở đó, EVN đề xuất Bộ Công Thương sớm sửa đổi các quy định trong công tác lập kế hoạch vận hành hệ thống điện, lập lịch huy động thị trường điện theo các yêu cầu bao tiêu nhiên liệu/sản lượng điện phát tại các hợp đồng mua bán điện nhà máy điện BOT đã ký.

Trả lời vấn đề này, một đại diện của Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) lại khẳng định các quy định hiện nay đã đầy đủ, rõ ràng trong việc huy động các nguồn điện từ nhà máy điện BOT. 

Bộ Công Thương cho hay hợp đồng của các nhà máy điện BOT là dạng hợp đồng cam kết bảo lãnh Chính phủ, việc lập kế hoạch vận hành với các nhà máy điện BOT phải tuân thủ theo quy định tại hợp đồng BOT đã ký kết và cam kết của Chính phủ.

Thêm nữa Bộ cho rằng việc lập kế hoạch hệ thống điện cho các nhà máy điện BOT cũng phải tuân thủ theo các nguyên tắc đã được quy định: Đó là việc đảm bảo ràng buộc về nhiên liệu sơ cấp cho các nhà máy nhiệt điện, đảm bảo thực hiện thỏa thuận về sản lượng điện và công suất trong các hợp đồng mua bán điện; các ràng buộc trong vận hành nhà máy điện và hệ thống điện...

Nhà máy điện BOT của nước ngoài sắp bàn giao, 2 tập đoàn lớn cùng xin nhậnNhà máy điện BOT của nước ngoài sắp bàn giao, 2 tập đoàn lớn cùng xin nhận

TTO - Trước thông tin hai nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 và BOT Phú Mỹ 2.2 sẽ được bàn giao cho Việt Nam trong giai đoạn 2024-2025, hai “ông lớn” PVN và EVN cùng vào cuộc “cạnh tranh”, đề xuất Chính phủ cho tiếp nhận, vận hành các nhà máy.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên