04/01/2016 09:18 GMT+7

Vì sao Iran nổi giận với Saudi Arabia?

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TT - Trong 47 người bị chính quyền Riyadh tuyên bố xử tử, chỉ có một nhân vật khiến tín đồ đạo Hồi ở một số quốc gia lên tiếng mạnh mẽ. Đó là một giáo sĩ Hồi giáo Shiite.

 

Người biểu tình ở Iran tấn công sứ quán Saudi Arabia tại thủ đô Tehran - Ảnh: Reuters
Người biểu tình ở Iran tấn công sứ quán Saudi Arabia tại thủ đô Tehran - Ảnh: Reuters

Mới đầu năm 2016, Trung Đông lại bùng lên một ngọn lửa mới của bất ổn, đó là những hoạt động phản kháng ở Iran và một số nơi khác nổ ra tức thì chống lại việc Vương quốc Saudi Arabia thi hành án tử hình đối với một giáo sĩ theo dòng Shiite ngày 2-1.

Nổi lửa đốt sứ quán

Theo thông báo chính thức của Bộ Nội vụ Saudi Arabia, trong ngày 2-1 nước này đã thi hành án tử hình đối với 47 tử tù đã bị kết án các tội “khủng bố”, “gây xung đột tôn giáo”, “kích động chống các cơ quan an ninh - quốc phòng và vương triều”...

Chỉ có hai tử tội là người Ai Cập và Cộng hòa Chad, còn lại đều là dân Saudi Arabia. Trong số các tử tội bị thi hành án ngày 2-1 có ba người bị nêu đích danh là “truyền bá tư tưởng al-Qaeda”, trong đó Abdu al-Azeez al-Anzi được coi là “thủ lĩnh tuyên truyền của al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập”.

Nhưng các hoạt động phản đối rầm rộ bùng lên ngày 2-1 tại Iran và một số nơi khác chỉ nhằm phản đối việc thi hành án tử đối với một người duy nhất. Đó là Nimr Baqer al-Nimr - một giáo sĩ theo dòng Shiite.

Bộ Ngoại giao Iran đã ra tuyên bố chính thức phản đối quyết liệt việc thi hành án tử hình đối với giáo sĩ này. Đồng thời, đại biện lâm thời Đại sứ quán Saudi Arabia tại Tehran bị triệu đến Bộ Ngoại giao Iran để nhận công hàm phản đối.

Trên đường phố, hàng ngàn người Iran biểu tình phản đối. Đã xảy ra vài vụ xâm phạm đốt phá Đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran và một vài nước châu Âu khác.

Đáp lại sự giận dữ từ phía Iran và làn sóng phản đối của tín đồ Shiite là một làn sóng khác từ phía Hồi giáo Sunni lập tức ủng hộ Saudi Arabia “hành động kiên quyết chống khủng bố”.

Viện al-Azhar (trung tâm khoa bảng danh giá nhất của dòng Sunni) tại Ai Cập ra tuyên bố khẳng định Saudi Arabia xử tử hình “chỉ nhằm chống khủng bố”.

Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Bahrain - hai quốc gia Ả Rập vùng Vịnh - là những người anh em Ả Rập dòng Sunni đầu tiên tuyên bố ủng hộ Saudi Arabia, phản bác “thái độ vô lý” của phía Iran.

Bộ Ngoại giao Saudi Arabia cũng vừa triệu hồi đại sứ Iran tại Riyadh đến phản đối việc xâm phạm đại sứ quán của vương quốc này tại Tehran, vừa ra tuyên bố trong đó cho rằng Iran “không có quyền lên án Saudi Arabia”.

Tuyên bố này còn coi hành động của Iran bênh vực giáo sĩ al-Nimr là minh chứng cho việc Iran vẫn bị Liên Hiệp Quốc xếp vào loại “bảo trợ khủng bố”...

Mối thâm thù truyền kiếp

Truyền thông Saudi Arabia cũng tung ra những tài liệu nhắc lại hàng loạt vụ khủng bố mà vương quốc này đã phải chống chọi suốt từ năm 2003 đến nay để khẳng định rằng Vương quốc Saudi Arabia thật sự là mục tiêu mà các tổ chức khủng bố al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tập trung nhắm tới.

Do đó, vương quốc này cần phải có những hành động quyết liệt để chống khủng bố, như việc thi hành một loạt án tử hình vừa qua là “cần thiết” và “không nhắm riêng biệt vào người theo dòng Shiite”...

Có thể nói nếu không có một giáo sĩ dòng Shiite trong số người bị tử hình thì chẳng có chuyện Iran và người Hồi giáo Shiite bùng lên phản kháng như thế.

Vấn đề phức tạp vượt ra ngoài phạm vi một vụ thi hành án, cũng không bó hẹp trong khuôn khổ tranh cãi kẻ bị tử hình có tội khủng bố hay không.

Vụ đụng độ này là một biểu hiện mới nhất của mối hiềm khích, nghi kỵ và tranh chấp vừa ngấm ngầm vừa quyết liệt giữa khối các nước Ả Rập với Iran.

Mỗi khi nói tới “lò lửa Trung Đông”, người ta thường thấy vô số thông tin về sự tranh chấp giữa các nước lớn, mà nổi bật hiện nay là Mỹ với Nga. Nhưng từ mươi năm trở lại đây đã nổi lên vai trò của “hai ông lớn” trong khu vực là Iran và Saudi Arabia.

Dù có muốn lảng tránh cũng không thể phủ nhận cuộc tranh chấp này đang rất nóng trên bình diện địa - chính trị trong khu vực, lại đậm đặc tính lịch sử lâu đời của những thù hận khó bề hóa giải giữa dân tộc Ả Rập với dân tộc Ba Tư và giữa hai dòng Hồi giáo Sunni - Shiite.

Giáo sĩ Nimr al-Nimr - Ảnh: Twitter
Giáo sĩ Nimr al-Nimr - Ảnh: Twitter

Bị xử vì tội khủng bố

Giáo sĩ Nimr Baqer al-Nimr sinh năm 1959 tại vùng al-Awamiya thuộc tỉnh al-Qatif ở duyên hải miền đông Saudi Arabia.

Đây là một tỉnh nằm bên bờ vịnh Persic có cộng đồng đông đảo tín đồ theo dòng Hồi giáo Shiite. Giáo sĩ Nimr bị bắt giữ từ năm 2012 và đã bị tuyên án tử hình tại tòa sơ thẩm hình sự Riyadh cùng năm.

Ngày 25-10-2015, Tòa án tối cao Saudi Arabia đã xét xử phúc thẩm và tuyên y án tử hình đối với Nimr. Theo kết luận của các cơ quan thực thi pháp luật Saudi Arabia, giáo sĩ Nimr phạm các tội “khủng bố”.

Nghiêm trọng nhất là từ năm 2011, ông này lợi dụng phong trào phản kháng bùng nổ tại nước láng giềng Bahrain trong bối cảnh “Mùa xuân Ả Rập” để kích động bạo lực chống chính quyền Saudi Arabia.

Theo thông báo của Bộ Nội vụ Saudi Arabia phát đi ngày 2-1: Nimr đã tận dụng địa vị của mình là giáo sĩ thuyết giảng tại giáo đường al-Awamiya để thường xuyên rao giảng chia rẽ giữa Hồi giáo Shiite với Sunni, kích động tín đồ chống chính quyền, bôi nhọ vương triều, phá hoại mối quan hệ giữa vương quốc với các quốc gia khác…

Nghiêm trọng hơn nữa, ông bị kết tội kích động thanh niên Shiite địa phương tổ chức nhiều cuộc biểu tình bạo động, dùng vũ khí chống lại lực lượng an ninh và đã gây thương vong một số nhân viên công lực…

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên