Xuất khẩu gạo đi Philippines qua cảng Mỹ Thới, thành phố Long Xuyên, An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU
Gần đây, gạo Việt đã có mặt tại các siêu thị của Nhật Bản, Pháp, Đức, Mỹ... Chinh phục những thị trường khó tính giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu ở nước ngoài. Nhưng đây là chặng đường "trần ai khoai củ", cần sự vào cuộc của nhiều bên.
Đối mặt "rừng" tiêu chuẩn
Cuối tháng 6, khoảng 100 tấn gạo ST25 mang thương hiệu Gạo A An của Tập đoàn Tân Long được bày bán trên kệ tại các siêu thị Nhật Bản. Lô hàng này đã phải qua quy trình kiểm nghiệm tới hơn 450 chỉ tiêu.
Tương tự, trong tháng 7, sẽ có 500 tấn gạo thương hiệu "Cơm Việt Nam Rice" của Tập đoàn Lộc Trời có mặt ở Đức, Hà Lan và Pháp. Trong đó, xuất khẩu sang Pháp khoảng 300 tấn gạo thơm, được bày bán trong Carrefour - hệ thống siêu thị lớn hàng đầu châu Âu.
Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An - một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long, đã có nhiều năm xuất khẩu gạo sang thị trường EU. Ông Phạm Thái Bình - tổng giám đốc công ty này - cho hay hiện mỗi tháng mới xuất 10 container gạo, mỗi container khoảng 22 tấn. Ngoài ra có khoảng 3 - 5 container bún khô, phở chế biến từ gạo chất lượng để cùng xuất sang thị trường nước ngoài.
Mới đây, dư luận xôn xao về việc có lô hàng gạo Việt Nam, gạo ST25 vừa xuất cảng qua Bỉ lại bị trả về. Nguyên nhân bị từ chối vì dư lượng thuốc trừ sâu, không đạt tiêu chuẩn của thị trường "thơm". Theo ông Phạm Thái Bình, tìm hiểu đầy đủ quy định, làm đúng tiêu chuẩn chất lượng của thị trường cụ thể mà gạo Việt sẽ xuất khẩu sang... sẽ quyết định sự thành công của lô hàng. "Khi xuất sang các nước, mỗi nước có mỗi tiêu chuẩn nhưng hầu như gần như giống nhau", ông Bình nói.
Cơ hội đem lại lợi nhuận cao cho nông dân
Mỗi năm châu Âu nhập khẩu 2 triệu tấn gạo. Xuất khẩu gạo sang các nước châu Âu tuy khó nhưng lợi nhuận rất cao. Cùng gạo đó nhưng ở thị trường khác chỉ 460 - 470 USD/tấn; sang EU đến 650 USD/tấn gạo đạt tiêu chuẩn GAP, cao hơn 120 USD.
Còn gạo thơm ở thị trường EU, giá rất cao, từ 1.100 - 1.200 USD/tấn. Theo ông Phạm Thái Bình, mỗi năm Việt Nam mới xuất khẩu gạo sang thị trường khó tính khoảng vài trăm nghìn tấn. Vì thế, các doanh nghiệp vẫn có thể đầu tư phấn đấu mở rộng diện tích vùng trồng đạt tiêu chuẩn.
Khó vì cách làm trong nước
Cũng theo ông Phạm Thái Bình, tiêu chuẩn hàng đầu là không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng điều này rất khó ở Việt Nam, vì nông dân hiện vẫn thường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng hóa chất để trừ sâu, muốn bỏ phải có hàng thay thế. Có một giai đoạn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bằng hóa chất, là giai đoạn gần thu hoạch, thì nhiều người nông dân lại hay dùng.
"Sẽ thở phào nếu gạo không bị trả về, chứng tỏ lúa được trồng và quản lý chất lượng theo đúng quy trình của công ty, trong liên kết với nông dân. Quan trọng nhất trong quy chuẩn trồng lúa là cách trồng cấy của nông dân, cách bảo quản sau thu hoạch", ông Bình nói.
Ông Nguyễn Duy Thuận - tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời - chia sẻ cách làm của doanh nghiệp này: Trước hết tìm đầu ra, đơn hàng luôn được đặt trước từ 6 tháng đến 1 năm. Sau đó tổ chức sản xuất, rồi chốt giá dài... Đặc biệt, lực lượng kỹ sư nông nghiệp của công ty phải cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con.
Tuy vậy, lãnh đạo một doanh nghiệp ngành gạo khác thì cho rằng do cơ chế quản lý sản xuất của nông dân hiện rất lỏng, chính quyền địa phương cũng không thể siết việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không phép, nên doanh nghiệp dù tung nhân lực nhưng khó có thể đủ, luôn trong trạng thái hồi hộp. Cơ bản bà con theo quy trình đã thống nhất. Nhưng chỉ cần một vài hộ "lén làm bậy" là... lãnh đủ.
Nguồn: Tổng cục Thống kê - Dữ liệu: CHÍ TUỆ - Đồ họa: TUẤN ANH
Dồn sức nâng tầm chất lượng gạo Việt
Ông Nguyễn Chánh Trung - phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long - thừa nhận để có gạo đạt chuẩn vào thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản... phải gặp không ít nhọc nhằn. Phải xây dựng quy trình quản lý canh tác, liên kết với các hợp tác xã tổ chức "Cánh đồng lớn - cánh đồng hạnh phúc"; rồi phải đến sử dụng giống lúa thuần chủng, sản xuất khép kín từ cánh đồng đến bàn ăn...
"Mấu chốt là doanh nghiệp phải luôn kiểm soát nghiêm ngặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học. Khi thu hoạch, gạo không dùng chất tạo màu, tạo mùi, bảo quản, tẩy trắng", ông Trung nói về cả chuỗi dài phải kiểm soát.
Với các khâu trên, nếu quản lý, giám sát không tốt đều có thể có rủi ro. Để đảm bảo, theo lãnh đạo một số doanh nghiệp, cần sự vào cuộc tốt hơn của các hiệp hội như hội nông dân, thậm chí cả chính quyền địa phương. Chỉ khi tất cả vào cuộc mạnh mẽ, những người làm sai phải trả giá và bị phạt nặng, thì gạo Việt sẽ không khó chiếm lĩnh vị trí tốt hơn trên các thị trường khó tính, từ đó nâng cao thu nhập cho bà con.
Thị trường gạo cao cấp hiện nay là gạo trắng hạt dài, gạo thơm hạt dài và gạo hạt tròn giống Nhật. Thị trường này có dung lượng trên 20 triệu tấn/năm và ngày càng mở rộng. Theo ông Nguyễn Duy Thuận, mỗi thị trường có một yêu cầu khác nhau về định lượng của gạo thành phẩm.
Khó khăn nhưng các doanh nghiệp khác cũng phải xây dựng các bộ tiêu chuẩn gạo thành phẩm cho tất cả các thị trường quốc tế. Ví dụ: HACCP (quản lý an toàn thực phẩm), SMETA (đánh giá đạo đức kinh doanh), BRC (tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm do Hiệp hội bán lẻ Anh thiết lập), FSMA (Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ)...
Đánh giá đường đi gập ghềnh của gạo Việt, ông Phạm Thái Bình tổng kết: "Dù xuất khẩu sang EU hay các nước khác rất khó khăn thì doanh nghiệp Việt Nam hầu như biết hết thông tin rồi. Doanh nghiệp và người nông dân phải làm đúng quy chuẩn tiêu chuẩn người ta đưa sẵn. Càng khó giá trị càng cao".
"Có rất nhiều lý do nhưng rất cần bàn tay nhạc trưởng mạnh mẽ hơn từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các hiệp hội. Những năm gần đây, Việt Nam đã xuất gạo sang các thị trường khó tính, đạt giá trị cao chỉ khoảng vài trăm nghìn tấn/năm. So với tổng lượng gạo xuất khẩu khoảng 5 - 6 triệu tấn/năm là quá nhỏ", lãnh đạo một doanh nghiệp ngành gạo tiếc nuối.
10 yếu tố chính để xuất khẩu gạo thành công
Theo ông Nguyễn Duy Thuận, để xuất khẩu gạo thành công, cần đến 10 yếu tố chính như lượng mua, giá bán, vật tư nông nghiệp ổn định; năng suất lao động; chi phí tài chính; chi phí chế biến, logistics thấp; chất lượng gạo được chấp nhận tại thị trường mục tiêu; chất lượng lúa và sản lượng đúng cam kết với người mua; các yếu tố tạo giá trị tăng thêm...
Theo một lãnh đạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong các nước xuất khẩu gạo truyền thống, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang dẫn đầu. "Để thành công ở những thị trường "khó tính" là nhiều khó khăn, gian nan. Để có đủ nguồn nguyên liệu sạch, các doanh nghiệp lớn trong ngành lúa gạo đã dồn sức để nâng tầm chất lượng gạo Việt. Đó cũng là hướng đi lâu dài, hướng đi trong tương lai của gạo Việt".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận