30/09/2019 09:16 GMT+7

Vì sao doanh nghiệp Việt không lớn được?

Nguyễn Văn Hoàng (giám đốc Công ty TNHH Tâm Hợp) - Ngọc An ghi
Nguyễn Văn Hoàng (giám đốc Công ty TNHH Tâm Hợp) - Ngọc An ghi

TTO - Dù nhiều chủ trương, phát biểu chỉ đạo giúp doanh nghiệp (DN) Việt tiếp cận vốn nhưng thực tế vẫn có DN nói không lớn được vì tắc ở khâu vốn.

Vì sao doanh nghiệp Việt không lớn được? - Ảnh 1.

Tại nhà xưởng Công ty TNHH Tâm Hợp - ẢNH: N.AN

Chúng tôi là công ty nhỏ nhưng đã trở thành nhà cung ứng của Toyota từ năm 1998. Đến nay, chúng tôi cũng là nhà cung ứng cho Thaco, cũng vừa nhận được đơn đặt hàng từ VinFast và bán hàng cho một DN để xuất khẩu qua Mỹ.

Nhưng thực tế, các nhà sản xuất ôtô như Toyota đang nhập khẩu từ Thái Lan rất nhiều. Nhìn thấy cơ hội mà không làm gì được. Chúng tôi muốn phát triển lớn hơn, mở rộng sản xuất, tăng cung ứng cho họ nhưng không lớn được vì tài sản thế chấp hết rồi. Tôi chỉ cần cho vay vốn thôi, chưa nói đến ưu đãi, chúng tôi sẽ làm được.

DN công nghiệp hỗ trợ VN hoàn toàn có thể cạnh tranh được và tham gia được vào chuỗi cung ứng sản xuất ôtô toàn cầu. Từ những năm 2000, công ty của chúng tôi đã có thể cạnh tranh cả DN Nhật Bản. 

Giá của ta hơn hẳn họ ở cước phí vận chuyển nên chúng tôi không sợ. Mình có thể làm ra sản phẩm xuất khẩu thì không có lý do gì phải nhập khẩu, mất tiền vận chuyển từ Thái hay nước khác sang.

Vì sao doanh nghiệp Việt không lớn được? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Hoàng (giám đốc Công ty TNHH Tâm Hợp)

Hiện ở Công ty TNHH Tâm Hợp đang sản xuất mỗi tháng khoảng 400 bộ linh kiện cho các hãng xe ôtô với hàng nghìn chi tiết. Để giảm giá thành, chúng tôi đã cải tiến sản xuất, ứng dụng các quy trình sản xuất tiên tiến như 5S, Lean... 

Chúng tôi đầu tư một phòng kỹ thuật, tập trung cải tiến liên tục mẫu mã sản phẩm, yêu cầu các kỹ sư mỗi tháng phải giảm được thời gian, quy trình sản xuất để có được mức giá tốt nhất. Có những linh kiện, sản phẩm chúng tôi nâng hiệu suất được tới 55%.

Nhưng để có sản phẩm tốt, việc nghiên cứu cải tiến chưa đủ. Do hạn hẹp vốn nên nhiều DN VN chỉ mua được máy cũ, trừ khâu quan trọng như máy hàn, dập... 

Chúng tôi cũng vậy, muốn đầu tư máy mới song nguồn vốn rất eo hẹp. Việc đầu tư chưa được đồng bộ nên chưa thể làm những đơn hàng phức tạp cao. Nên nhiều DN sản xuất ôtô tại VN vẫn phải nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia.

Theo tôi, các chính sách cho ngành công nghiệp hỗ trợ cần tập trung vào hỗ trợ vốn để cải tiến máy móc thiết bị. Hiện chúng tôi đến nhiều ngân hàng trình bày rằng công ty có đơn đặt hàng, có hợp đồng từ các công ty lớn nhưng họ vẫn hỏi "tài sản thế chấp đâu?". 

Thế là tắc. Chúng tôi có thể đầu tư mở rộng sản xuất để phát triển lớn mạnh hơn nhưng hiện điều này là bất khả thi.

* Bà Trương Chí Bình (phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ VN):

Quy định làm khó doanh nghiệp

Chúng tôi đã kêu gọi nhiều quỹ đầu tư nhưng họ nói rằng ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ lợi nhuận thấp nên không thiết tha, trong khi họ đầu tư vào công nghệ thông tin, kể cả quán cà phê... Trên thế giới, nhiều nước đang làm rất đơn giản. Chỉ cần có đơn hàng của Canon hay Samsung là đủ điều kiện để vay vốn rồi, nhưng ở VN thì điều đó là viễn tưởng.

Quy định của ngân hàng cũng là do Chính phủ đặt ra, chúng ta đặt khó khăn cho chính doanh nghiệp chúng ta. Ngân hàng Thế giới từng nêu hình thức cho vay thay vì thế chấp tài sản thì cho bảo lãnh chuỗi cung ứng, tức là chỉ cần có đơn hàng, có các nhà cung ứng đảm bảo. Chính phủ có nhiều quỹ nhưng hiện cực kỳ khó tiếp cận...

Vì sao doanh nghiệp Việt Vì sao doanh nghiệp Việt 'mãi không thể lớn được'?

TTO - Vốn ít, tài sản thế chấp hết, cho nên doanh nghiệp Việt trong ngành cơ khí, công nghiệp hỗ trợ "mãi không thể lớn được".

Nguyễn Văn Hoàng (giám đốc Công ty TNHH Tâm Hợp) - Ngọc An ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: doanh nghiệp Việt