Điều này khiến nhiều doanh nghiệp thép lo bị bóp nghẹt. Đây là tình trạng đang diễn ra vừa được Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đề cập trong đơn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Số liệu từ VSA cho thấy 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp thép khó khăn khi sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm các loại giảm lần lượt 20% và 18%.
Trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu hơn 220.000 tấn thép với thâm hụt thương mại 480 triệu USD. Đáng kể là lượng nhập khẩu thép từ Trung Quốc vào Việt Nam đang có xu hướng gia tăng mạnh trở lại.
Quan điểm của VSA, thép là mặt hàng có lượng nhập khẩu lớn, lại là ngành công nghiệp xương sống, do vậy chất lượng thép tác động đến nhiều ngành kinh tế khác nhau.
Hiện nay các sản phẩm thép không nằm trong danh mục các mặt hàng nhóm 2 của Bộ Công Thương, nhà nhập khẩu chỉ cần tuyên bố tiêu chuẩn áp dụng và không thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng.
Trong khi các quốc gia trên thế giới đang tăng cường áp dụng triệt để các hàng rào kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, điển hình như: Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, Anh... đều gia tăng áp dụng hàng rào kỹ thuật.
Cụ thể, các sản phẩm khi xuất khẩu sang các quốc gia này đều yêu cầu có chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của quốc gia nhập khẩu đối với các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.
Mục tiêu của các giấy phép này là ngăn chặn lượng nhập khẩu sản phẩm kém chất lượng, tăng cường khâu kiểm soát với thép nhập khẩu.
Hiện nay các điều kiện nhập khẩu thép rất "lỏng lẻo"
Gần như các sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đều có thuế nhập khẩu bằng 0%.
Các biện pháp phòng vệ thương mại như tự vệ phôi thép đã bị dỡ bỏ, các sản phẩm thép khác như tôn mạ, tôn màu, ống thép, thép dự ứng lực… đều không phải chịu bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào.
Đồng thời, các sản phẩm thép cũng không nằm trong danh mục hàng hóa nhóm 2 theo quyết định của Bộ Công Thương nên không thuộc đối tượng phải kiểm tra chuyên ngành về chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Việc nhập khẩu các sản phẩm thép vào Việt Nam không có quy trình kiểm tra chất lượng như các quốc gia khác. Điều này dẫn đến thép nhập khẩu đa dạng về chủng loại, chất lượng, chưa được đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam, chưa có sự kiểm soát về chất lượng và chủng loại.
Với những vấn đề trên, VSA kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ bốn nhóm giải pháp.
Thứ nhất: Xem xét xây dựng quy trình, thủ tục kiểm tra chất lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam, theo đó thép nhập khẩu cần phải có giấy chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam trước khi nhập khẩu.
Thứ hai: Tăng cường điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp để hạn chế sản phẩm thép cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước.
Thứ 3: Xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép tôn mạ kim loại và sơn phủ màu.
Thứ 4: Các bộ ngành tăng cường công tác cảnh báo, dự báo xu thế thị trường hàng hóa, góp phần hỗ trợ cho sự phát triển ổn định của sản xuất trong nước.
Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy dù nhập khẩu sắt thép nửa đầu năm 2023 giảm mạnh, chỉ bằng 67,7% so với cùng kỳ, nhập khẩu sản phẩm từ sắt thép bằng 94,6%, nhưng tổng chi nhập khẩu thép các loại xấp xỉ gần 7,2 tỉ USD (trong đó sắt thép 5,5 triệu tấn, trị giá 4,72 tỉ USD, sản phẩm từ sắt thép đạt 2,44 tỉ USD).
Trong khi xuất khẩu sắt thép và sản phẩm từ sắt thép đạt 6,17 tỉ USD, giảm khoảng 18%, nhập siêu ngành thép khoảng 1 tỉ USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận