11/10/2018 09:25 GMT+7

Vì sao dịch tập trung ở Đông Nam Bộ?

THÙY DƯƠNG - LAN ANH
THÙY DƯƠNG - LAN ANH

TTO - PGS.TS Phan Trọng Lân, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho rằng việc giao lưu đi lại nhiều như hiện nay, miễn dịch trong cộng đồng thấp đã ảnh hưởng đến việc lây lan bệnh sởi.

Vì sao dịch tập trung ở Đông Nam Bộ? - Ảnh 1.

Bệnh nhi tay chân miệng được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

"Tại sao những bệnh như sởi, tay chân miệng... lại tập trung ở Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM?" - PGS.TS Trần Đắc Phu, cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, đã đặt vấn đề như vậy tại hội nghị tăng cường công tác phòng chống bệnh tay chân miệng và sởi khu vực phía Nam được tổ chức ngày 10-10, ở TP.HCM.

Theo ông Phu, đây là những tỉnh thành "giàu có" nhưng người dân ở rất chật chội. Người dân ở những tỉnh thành này cũng đi lại nhiều. Do vậy, ngoài vấn đề chuyên môn, để phòng chống dịch cần phải có những giải pháp xã hội.

Từng địa phương phải có kế hoạch chống dịch

Ông Phu cho rằng lúc này ngành y tế không nên âm thầm phòng chống dịch như lúc trước. Đến giờ, dịch đã như thế này thì ngành y tế, từng địa phương phải có những văn bản trình UBND tỉnh để được quan tâm, chỉ đạo và có kế hoạch phòng chống dịch thì dịch mới không tăng lên nữa.

PGS.TS Phan Trọng Lân, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho rằng việc giao lưu đi lại nhiều như hiện nay, miễn dịch trong cộng đồng thấp đã ảnh hưởng đến việc lây lan bệnh sởi. Tại phía Nam, bệnh sởi tập trung nhiều ở miền Đông Nam Bộ. Những tỉnh có ca mắc sởi nhiều là Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương.

Giải pháp phòng ngừa bệnh sởi là trẻ đến độ tuổi chích ngừa sởi thì nên đi chích ngừa. Sắp tới Bộ Y tế sẽ phối hợp với sở y tế và trung tâm y tế dự phòng một số địa phương để triển khai chiến dịch tiêm ngừa sởi và rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi tại các nơi có nguy cơ cao.

Cán bộ y tế, người lớn không rõ tiền sử tiêm ngừa, người di chuyển đến quốc gia có dịch sởi và phụ nữ dự định có thai trước ba tháng nên chủ động tiêm ngừa... Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh sởi cần giám sát phát hiện quản lý ca bệnh, kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng, bệnh viện...

Riêng bệnh tay chân miệng lây qua đường phân và đường tiếp xúc do các dịch tiết bắn ra. Người mắc bệnh này nhưng không có triệu chứng cũng rất cao. Do vậy, những người ở gần, chăm sóc trẻ có khả năng lây nhiễm bệnh dù không có triệu chứng cũng nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

Theo một nghiên cứu ở Trung Quốc, trẻ và người chăm sóc trẻ không rửa tay trước khi ăn có nguy cơ lây bệnh tay chân miệng cao. Còn khi người chăm sóc trẻ và trẻ luôn rửa tay trước khi ăn sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng khoảng 50 lần so với những người không rửa tay.

Tại phía Nam, 80% số trẻ mắc bệnh tay chân miệng cũng ở khu vực Đông Nam Bộ, phần lớn trẻ mắc bệnh có độ tuổi từ 1-3 tuổi.

Theo ông Phu, cần phải chủ động phòng chống dịch để dịch không bùng phát trong thời gian tới. Ông nhận xét hiện có nhiều bệnh viện cách ly bệnh nhân rất yếu. Bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng nặng vẫn nằm gần bệnh nhân nhẹ, các bệnh nhân sởi chỉ cách bệnh nhân tay chân miệng một bức tường...

Vì sao dịch tập trung ở Đông Nam Bộ? - Ảnh 2.

Hành lang, lối ra vào thang máy... tất cả chỗ trống trong Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) đều được phụ huynh tận dụng để trải chiếu cho bệnh nhi nằm - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đang êm ả, bỗng bệnh gia tăng

Theo các số liệu thống kê tại nhiều tỉnh thành, số bệnh nhân đến khám, nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng không có gì khác biệt so với những năm trước đó. Trước tháng 9, nhiều tỉnh thành, nhiều bệnh viện cũng ghi nhận bệnh rất êm ả. Nhưng điều khác biệt của năm nay là bệnh tăng nhanh, ào ạt, tăng đột biến từ khoảng tháng 9, trong đó có nhiều ca nặng.

PGS.TS Phạm Văn Quang, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết tháng 9-2018, bệnh viện này có 814 ca nhập viện, tăng 182% so với cùng kỳ năm 2017.

BS Lê Hồng Nga, trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết 70% ca tay chân miệng không có triệu chứng nhưng vẫn có nguy cơ lây bệnh ra cộng đồng. Về lý thuyết những khu vui chơi công cộng vẫn có thể lây lan bệnh. TP.HCM có nhiều khu vui chơi nên năm nay TP đang sát khuẩn cả những khu vui chơi công cộng.

Bao giờ mới "báo động đỏ"?

Tại cuộc họp với báo giới ngày 9-10, ông Trần Đắc Phu cam kết Bộ Y tế luôn minh bạch về thông tin, nhưng thời điểm này dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, dịch sởi đều chưa vượt ngưỡng cảnh báo, tức là vẫn ổn! Nhưng liệu có thật ổn?

Số liệu từ Bộ Y tế cho thấy 21% trẻ mắc tay chân miệng được khảo sát là mắc type virút EV71, 13% mắc type Coxsackie A6 và A10, đây là các type virút có độc lực cao, đặc biệt là EV71. Đáng chú ý, đây là thời điểm trẻ tập trung ở trường học trong thời gian dài, nếu không được chú ý chăm sóc, ngăn ngừa quyết liệt, dịch bệnh có thể lây lan từ các cháu đã mắc bệnh sang cháu chưa mắc.

Cả ba loại dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi đều gia tăng cùng một thời điểm (dù tính chung 9 tháng đầu năm thì số mắc thấp hơn cùng kỳ) cũng dẫn đến nguy cơ dịch lây lan trên diện rộng, do các nhân viên y tế cùng lúc phải gồng mình chống ba loại dịch bệnh.

Một bác sĩ nhiễm nhi đã phải dùng từ "ngộp - căng thẳng - te tua" khi nói về những ngày qua ở bệnh viện. Theo dự đoán của bác sĩ này, dịch tay chân miệng có thể lan ra toàn quốc trong năm nay vì có những dấu hiệu của mùa dịch tay chân miệng mạnh nhất gần đây (năm 2011).

Trong quá trình phòng chống dịch bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM gặp một số khó khăn như khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, dù cha mẹ biết nhưng do phải đi làm nên vẫn đưa bé đến trường. Trẻ bị bệnh mà gia đình không tuân thủ cách ly sẽ làm lây lan bệnh sang những trẻ khác.

Sắp tới, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM sẽ phối hợp với Liên đoàn Lao động TP để tuyên truyền thông tin về dịch bệnh đến các công nhân và để những công nhân này có thể nghỉ làm ở nhà trông con khi con bị bệnh...

Miền Trung: 2 loại dịch đều tăng mạnh

tay chan mieng 2 (2) 3(read-only)

Bệnh tay chân miệng vẫn đang diễn biến phức tạp tại Quảng Ngãi - Ảnh: VÕ MINH

Ngày 10-10, lãnh đạo Sở Y tế Khánh Hòa cho biết trong một tuần trở lại đây bệnh sốt xuất huyết có 122 ca mắc mới, tăng 76,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Bệnh tay chân miệng cũng ghi nhận 193 ca mắc mới, tăng gấp 2 lần so với tuần trước đó.

Theo đó, từ tháng 6 đến nay, bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng tăng cao, số ca mắc mới tăng từ 50 ca lên đến 82 ca/tuần. Đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận 1.500 ca mắc sốt xuất huyết, 1 trường hợp tử vong.

Tại Quảng Nam, bác sĩ Nguyễn Đình Thoại - giám đốc Bệnh viện Nhi Quảng Nam - cho biết dịch tay chân miệng bắt đầu bùng phát và số lượng bệnh nhi nhập viện điều trị tăng vào thời điểm cuối tháng 9-2018 đến nay.

Theo ông Nguyễn Văn Văn - phó giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, đáng chú ý là dịch tay chân miệng tăng so với cùng kỳ năm ngoái, thời điểm này dịch bùng phát mạnh. Riêng trên địa bàn tỉnh tính đến ngày 7-10 đã có 779 trường hợp mắc, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2017 (643 trường hợp mắc).

Trong khi đó tính đến ngày 10-10, tổng số ca mắc trong toàn tỉnh Quảng Ngãi đã ghi nhận là gần 1.300 ca bệnh, trở thành 1 trong 11 tỉnh, thành trên cả nước có số ca mắc tay chân miệng tăng đột biến trong năm 2018.

T.THỊNH - L.TRUNG - TR.TRUNG - V.MINH

Nhiều trẻ nhiễm virút EV71 nguy hiểm Nhiều trẻ nhiễm virút EV71 nguy hiểm

TTO - Mùa dịch tay chân miệng năm nay đã bắt đầu thấy sự xuất hiện trở lại của chủng EV71. Đây là chủng virút gây ra dịch tay chân miệng khiến gần 150 trẻ tử vong năm 2011.

THÙY DƯƠNG - LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên