15/03/2018 16:44 GMT+7

Phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Sóc Trăng
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Sóc Trăng

Bệnh tay chân miệng là bệnh có thể gây thành dịch lớn, có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm và gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Phòng bệnh tay chân miệng ở trẻ - Ảnh 1.

Thường xuyên rửa đồ chơi cho trẻ để phòng bệnh tay chân miệng. Ảnh: baosoctrang.org.vn

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Tác nhân chính gây bệnh thường gặp là hai loại vi rút, đó là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71. Trẻ em với hệ miễn dịch còn yếu nên vi rút dễ xâm nhập vào cơ thể. Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, bệnh lây lan nhanh qua đường tiêu hóa, qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của trẻ bệnh hoặc lây gián tiếp qua bàn tay, vật dụng nhiễm dịch tiết có chứa vi rút. Bệnh thường xảy ra từ tháng 2 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 trong năm.

Trẻ mắc bệnh thường có biểu hiện sốt, đau họng, loét miệng, nhưng biểu hiện điển hình nhất là nổi bóng nước. Các bóng nước có kích thước từ 2-10mm, màu xám, hình bầu dục. Bóng nước xuất hiện ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau. Bóng nước còn xuất hiện trong miệng và khi vỡ ra gây những vết loét trong miệng khiến trẻ đau, chảy nước miếng. Khi nổi bóng nước, trẻ có thể sốt nhẹ, quấy khóc do đau miệng, bỏ ăn. Một số trẻ có kèm nôn ói, tiêu chảy ngay khi nổi bóng nước hay bóng nước đã xẹp. Bóng nước có thể tự xẹp và tự khỏi sau 5-7 ngày.

Đa số trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường tự khỏi, song nếu bệnh do tác nhân Enterovirus 71, một số trẻ sẽ có biến chứng rất nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não,... Trẻ có biến chứng não thường không hôn mê sâu mà có những triệu chứng khó nhận thấy như khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu thiu thỉu ngủ. Trẻ có thể hoảng hốt, nói lảm nhảm, chới với, run tay chân, co giật. Triệu chứng khác có thể thấy khi có biến chứng như sốt rất cao, nôn ói nhiều, da nổi bông, mạch nhanh. Khi có biến chứng nếu không điều trị đúng và kịp thời trẻ có thể tử vong trong vài giờ.

Tuy nhiên, bệnh tay chân miệng có thể điều trị ngoại trú nếu ở mức độ nhẹ. Khi bị nhiễm vi rút gây bệnh tay chân miệng, thông thường tổn thương trong miệng là chủ yếu. Vì vậy, phụ huynh nên cho trẻ súc miệng, uống nhiều nước, dùng thuốc giảm đau, hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ, dùng các thuốc sát khuẩn và giảm đau bôi vào miệng trước khi cho trẻ ăn khoảng 30 phút để trẻ thấy dễ chịu khi ăn. Bên cạnh đó, nên cho trẻ ăn thức ăn dạng lỏng, không quá nóng và cũng không quá lạnh, không cay, không mặn.

Cho đến nay, chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng, vì vậy, việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh vẫn là phương pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ trẻ. Các biện pháp phòng bệnh bao gồm: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng với nước sạch (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bồng bế trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ; nên ăn chín, uống chín; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống (như ly, chén, đĩa, muỗng,...)

Thường xuyên rửa, lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà,... bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; cách ly trẻ bệnh tại nhà, không cho trẻ bệnh đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe Sóc Trăng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên