24/11/2022 07:55 GMT+7

Vì sao bệnh không lây tăng mạnh?

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Bệnh không lây nhiễm nhưng gia tăng chóng mặt, vì sao như vậy? Câu trả lời là những thay đổi trong lối sống của chúng ta.

Vì sao bệnh không lây tăng mạnh? - Ảnh 1.

Các chuyên gia khuyến cáo nên tập luyện các môn thể thao, thể dục tối thiểu 150 phút/tuần - Ảnh: T.D.

Cụ thể, đó là những yếu tố nguy cơ làm các bệnh không lây nhiễm tăng cao: hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu bia quá nhiều, dinh dưỡng không hợp lý (ăn thiếu rau và trái cây, ăn thừa muối), thiếu các hoạt động thể lực cần thiết hằng ngày...

Chị T.T.L.A., 47 tuổi, ngụ ở TP Thủ Đức (TP.HCM), kể gần đây chị thấy người mập nhưng lại hay mệt mỏi, đi tiểu nhiều nên lo lắng và đi kiểm tra sức khỏe. Không ngờ kết quả khám sức khỏe cho thấy chị bị mỡ trong máu cao, bị tiền đái tháo đường với lượng glucose trong máu lúc đói là 110 mg/dL.

Cả ngày chủ yếu chỉ... ngồi và nằm

Chị L.A. kể chị làm quản lý nhân sự trong một cơ quan ở quận 5, công việc bộn bề, đến cơ quan chị mải miết ngồi ở bàn làm việc. Trưa chị ăn và ngả lưng một lúc rồi làm việc tiếp đến 17h chiều nghỉ thì về nhà.

Nhà chị ở xa cơ quan nên sáng sớm cả nhà lên chiếc ô tô di chuyển đến trường học, cơ quan. Buổi chiều chồng chị sẽ đón chị cùng các con về. Về đến nhà ăn uống xong cũng đã 20h, chị ngồi xem tivi chút ít và đi ngủ.

Khi bác sĩ kể ra một số nguyên nhân có thể gây ra tiền đái tháo đường, chị thấy rõ nhiều năm nay chị ít vận động. Ngay cả lúc thấy người mỏi, chị cũng đi massage chứ chưa có ý thức dành thời gian để tập thể dục.

Còn anh Q.T.T., 61 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM, đột ngột bị yếu nửa người bên trái, tay nhấc không được, chân không đi nổi. Gia đình đưa anh đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định thì được chẩn đoán bị tai biến mạch máu não.

Khoảng hơn 10 năm nay, anh thường xuyên đi nhậu với đối tác, bạn bè. Anh cũng bị nghiện hút thuốc lá và chưa khi nào đi tập thể dục. Bác sĩ khuyên anh phải bỏ đồng thời cả nhậu cả hút thuốc, nếu không cho dù điều trị khỏi sẽ tiếp tục có cơn tai biến khác.

"Chưa bao giờ tỉ lệ đái tháo đường và tiền đái tháo đường tăng như hiện nay, tỉ lệ mắc bệnh tim mạch ngày càng tăng, trong đó tai biến mạch máu não và bệnh động mạch vành tăng lên nhiều..." - GS.TS Nguyễn Lân Việt, phó chủ tịch thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam, đã cảnh báo như vậy trong một cuộc họp mới đây.

Vì sao bệnh không lây tăng mạnh? - Ảnh 2.

Tập thể dục và vận động hợp lý là cách phòng chống bệnh không lây nhiễm hiệu quả. Trong ảnh: tập yoga tại TP.HCM - Ảnh: T.D.

Tai biến mạch máu não tăng nhiều

Theo GS Lân Việt, từ năm 2010 đến nay, tỉ lệ mắc tất cả các bệnh tim mạch đều tăng lên, trong đó tăng nhiều nhất là tai biến mạch máu não và bệnh động mạch vành. Tỉ lệ biến chứng, tử vong do các bệnh tim mạch ngày càng tăng, trong đó một nửa là do tai biến mạch máu não.

Trong khi đó ở nước ngoài, nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở bệnh tim mạch là bệnh động mạch vành. Hay trước đây nhồi máu cơ tim là chứng bệnh rất hiếm gặp, thì ngày nay Viện Tim mạch quốc gia mỗi ngày tiếp nhận khoảng 10 ca nhồi máu cơ tim. Tử vong do bệnh tim mạch chiếm tỉ lệ lớn nhất với 39% các ca tử vong.

Theo những số liệu điều tra gần đây tại Việt Nam, tăng huyết áp chiếm 26,2% người trưởng thành, như vậy ước tính có khoảng 17 triệu người dân bị tăng huyết áp.

Đái tháo đường chiếm tỉ lệ 7,06%, tức là có 4,6 triệu người Việt Nam mắc bệnh đái tháo đường, trong khi trước đây con số này chỉ ở mức 5%. Đái tháo đường gây rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, tạo nên những mảng xơ vữa trong lòng mạch, gây tổn thương vi mạch và các mạch máu lớn.

Năm 2019 có khoảng 3,8 triệu người đái tháo đường và 5,3 triệu người tiền đái tháo đường, nhưng cứ đà này thì đến năm 2045 ước tính có 6,3 triệu người bị đái tháo đường và 7,9 triệu người bị tiền đái tháo đường.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính với khoảng 1,5 triệu người mắc bệnh và khoảng 354.000 người mắc ung thư đang điều trị. Gần đây, bệnh ung thư tuyến giáp tăng lên rất nhiều mà chưa lý giải được nguyên nhân.

Theo một nghiên cứu từ cơ sở dữ liệu ung thư của TP.HCM, từ 1996-2000, tỉ lệ ung thư tuyến giáp 2,4/100.000 dân thì đến 2011-2015, tỉ lệ này là 7,5/100.000 dân.

Thay đổi lối sống để khỏe mạnh hơn

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch là hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ăn thiếu rau, trái cây (dưới 400 gr/ngày).

Người Việt Nam trước đây ăn nhiều cơm, giờ lại ăn nhiều thịt, trong khi đúng ra cần ăn khẩu phần cân đối, chú ý đến rau và trái cây. Mỗi ngày nên ăn năm loại rau và trái cây, màu sắc càng khác nhau nhiều càng tốt, tuy nhiên người dân chưa ý thức đến vấn đề này.

Ngoài ra, cần vận động thể lực với yêu cầu ít nhất 150 phút một tuần (đi bộ, đi xe đạp, chạy bộ...) nhưng vẫn còn nhiều người chưa đạt được yêu cầu trên. Chưa kể thói quen ăn hơi mặn làm tỉ lệ mắc tăng huyết áp sẽ tăng lên.

Bên cạnh đó, chứng thừa cân, béo phì, đáng lo lắng là nhiều trẻ em cũng có xu hướng thừa cân, béo phì do các gia đình hiện ít con nên có xu hướng chăm bẵm con nhiều hơn... Tỉ lệ rối loạn lipid máu cũng tăng do ăn thừa chất nhiều...

Tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 81%

Theo thống kê chung, hiện có khoảng 23 triệu người Việt Nam mắc bệnh không lây nhiễm. Tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm khoảng 81% tổng số các ca tử vong.

"Bệnh không lây nhiễm thường là những căn bệnh diễn tiến âm thầm và không có nhiều dấu hiệu rõ ràng để người mắc có thể phát hiện.

Tuy nhiên, nếu hiểu đúng về bệnh, mỗi người có thể tự phòng tránh và biết được những nguy cơ để tầm soát từ sớm, hạn chế nguy cơ mắc phải cũng như giảm thiểu tàn tật và tử vong sớm do những căn bệnh này gây ra", ông Nguyễn Lân Việt khuyến cáo.

23 triệu người dân Việt Nam mắc bệnh không lây nhiễm 23 triệu người dân Việt Nam mắc bệnh không lây nhiễm

TTO - Chưa bao giờ tỉ lệ đái tháo đường và tiền đái tháo đường tăng như hiện nay, tỉ lệ tăng huyết áp ngày càng tăng, trong đó tai biến mạch máu não và bệnh động mạch vành tăng lên nhiều...

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên