16/07/2005 17:03 GMT+7

Vì sao bạn mắc cỡ?

Theo Phụ Nữ TP.HCM
Theo Phụ Nữ TP.HCM

Phu nhân tổng thống Mỹ Eleanor Roosevelt từng bị tật mắc cỡ hoành hành và cả vật lý gia Albert Einstein cũng từng bị nó tấn công lúc còn bé.

g8VoCs1f.jpgPhóng to

Grace Dailey đang ngồi trong nhà hàng và trông rất tự tin khi cắn nhè nhẹ vào miếng sandwich. Chuyện rất đỗi bình thường này từng là cực hình với Daily hồi còn trung học. Cô gần như không dám vào căng-tin trường với ý nghĩ quái lạ ám ảnh rằng, mọi người sẽ đổ dồn mắt nhìn khi cô ăn. Mãi cho đến gần đây, Daily mới vượt qua được triệu chứng khó chịu này...

Giống như diễn viên Woody Allen trong phim Annie Hall, hầu hết những người mắc chứng sợ xã hội gần như không thốt ra được một câu mà không bị ám ảnh bởi nhiều ý nghĩ quái lạ. Ở vài trường hợp nặng, bệnh nhân mắc cỡ không dám sử dụng phòng vệ sinh công cộng hay nói chuyện qua điện thoại. Thỉnh thoảng họ bỗng nhiên im thin thít trước mặt ông chủ hay người khác phái...

Mắc cỡ không phải không phổ biến. Gần như ai trong chúng ta cũng mang trong người một chút máu mắc cỡ. Có người còn nhờ tật mắc cỡ có duyên của mình mà trở nên nổi tiếng, công nương quá cố Diana chẳng hạn. “Shy Di” (“thẹn thùng kiểu Diana”) từng là một thứ mốt thời thượng. Thật ra, mắc cỡ là một trong những bản năng luôn tồn tại trong chúng ta.

Tuy thế, trung bình chỉ 1/8 người có phần “ban sơ” này trở nên phát triển mạnh, khiến tâm lý bất an và hay tưởng tượng về một sự đe dọa bí ẩn nào đó mà thật ra không hề có. Các triệu chứng xuất hiện kèm theo càng làm cho tình cảnh trông bi thảm hơn: nhịp tim đập loạn xạ, lòng bàn tay đổ mồ hôi, mồm khô khốc, từ ngữ biến mất, ý tưởng hỗn loạn và sự thôi thúc muốn “đào thoát khỏi hiện trường”.

Tật mắc cỡ hiện là chứng rối loạn tinh thần đứng hàng thứ 3 ở Mỹ, sau trầm uất và rối loạn tâm lý do nạn nghiện rượu. Tật mắc cỡ không phải là sản phẩm của thời hiện đại. Người ta từng ghi nhận thời Hippocrates đã nghe nói đến hiện tượng này. Sự rối loạn tâm lý này không có tên cho đến cuối thập niên 1960 và chưa được đưa vào sách giáo dục tâm lý cho đến năm 1980. Cách đây một thập niên, có 40% dân số Mỹ thừa nhận mình là nạn nhân của chứng sợ xã hội.

Tuy nhiên, các trực nghiệm xã hội có khi cũng khuôn đúc bộ não để trở nên nhiều hay ít mắc cỡ hơn. Trải qua một quá trình mà các nhà tâm lý học gọi là “điều kiện ngữ cảnh”, bộ não sẽ liên kết một yếu tố gây sợ hãi với các chi tiết về một hoàn cảnh cụ thể nào đó (địa điểm, thời gian nào trong ngày hay thậm chí loại nhạc nền nào).

“Yếu tố gây sợ hãi này được xem là một “điều kiện”. Bởi thế, một đứa trẻ từng bị giáo viên mắng trong lớp, nó sẽ trở nên sợ khi bước vào lớp có giáo viên đó dạy. Trong trường hợp đứa bé không biết cách giải quyết hay đối phó, nó sẽ càng sợ hãi và nỗi sợ này biến thành tật mắc cỡ. Nó đứng im thin thít khi được gọi lên bảng và nó cắm đầu xấu hổ khi các bạn trong lớp nhìn chằm chằm vào nó...

Tật mắc cỡ ngày càng bám sâu, cho đến lúc nó trở nên sợ hãi xã hội, sợ tất cả những gì xảy ra chung quanh và trở thành bệnh lý... Mỗi đứa trẻ có cách ứng phó riêng và có cách sống riêng với tật mắc cỡ của mình. Và gia đình đóng vai trò quan trọng trong ảnh hưởng đến cung cách hành xử của con cái.

Vấn đề càng phức tạp khi người ta nhận thấy không những đứa bé thường xuyên nghe mắng chửi mà cả đứa được nuông chiều thái quá cũng có thể mắc phải “chứng rối loạn nhân tính lẩn tránh”. Bệnh sợ xã hội thường tấn công các nạn nhân ở độ tuổi từ 8-10, nhưng cũng có trường hợp đến tuổi trưởng thành rồi “mới biết mình có máu mắc cỡ”.

Một số trường hợp khác, tật mắc cỡ ẩn chìm kín đáo và chỉ lộ mặt vào một thời điểm nào đó, khi nạn nhân bắt đầu tiếp xúc với môi trường mới (công sở, đại học...). Theo ghi nhận, số nạn nhân nữ bị chứng mắc cỡ nghiêm trọng nhiều hơn phái nam.

Theo Phụ Nữ TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên