27/12/2022 13:07 GMT+7

Vi rút adeno tồn tại trong người đến vài tháng, ai có nguy cơ diễn biến nặng?

DƯƠNG LIỄU
DƯƠNG LIỄU

Theo các chuyên gia, vi rút adeno gây bệnh có thể cư trú trong cơ thể người mang từ vài tuần đến vài tháng. Vi rút gây bệnh thường có diễn biến nhẹ, tuy nhiên trong một số trường hợp gây diễn biến nặng nếu người bệnh có bệnh nền.

Vi rút adeno tồn tại trong người đến vài tháng, ai có nguy cơ diễn biến nặng? - Ảnh 1.

Bệnh nhi nhiễm vi rút adeno được điều trị tại Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Nhi trung ương - Ảnh: BVCC

Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn chẩn đoán điều trị, phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh do vi rút adeno.

Hướng dẫn do ông Trần Văn Thuấn - thứ trưởng Bộ Y tế - ký ban hành nêu rõ vi rút adeno truyền trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp trong phạm vi gần, hoặc gián tiếp qua tiếp xúc với dịch cơ thể có chứa vi rút.

Nguy cơ lây nhiễm giống như một số vi rút cảm lạnh thông thường, nhưng thấp hơn vi rút hợp bào hô hấp (RSV), cúm mùa, SARS-CoV-2.

Vi rút adeno thường gây dịch ở nơi có điều kiện sống kém, đông đúc, có thể do nhiễm trùng bệnh viện qua bàn tay người chăm sóc, dụng cụ thăm khám chăm sóc, đặc biệt ở khoa hồi sức, sơ sinh, đơn vị ghép tạng.

Cụ thể, bệnh bắt đầu lây truyền vào cuối thời kỳ ủ bệnh và kéo dài đến 14 ngày sau khi phát bệnh hoặc có thể lâu hơn. Vi rút adeno ở người mang có thể tồn tại trong vài tuần đến vài tháng, cư trú trong mô bạch huyết, nhu mô thận hay các mô khác.

Triệu chứng lâm sàng của nhiễm vi rút adeno gây bệnh ở người rất đa dạng. Sau thời gian ủ bệnh, người bệnh có thể xuất hiện một hay nhiều triệu chứng như: sốt, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi/sổ mũi, buồn nôn, đau bụng. Bệnh thường gây nặng bằng tổn thương đường hô hấp gây viêm phổi, suy hô hấp tiến triển,…

Theo đó, các chuyên gia hướng dẫn giải pháp điều trị chính là điều trị triệu chứng, điều trị theo sinh lý bệnh. Hiện có một số liệu pháp điều trị kháng vi rút nhưng vẫn đang là các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, có thể hóa điều trị ở một số trường hợp bệnh nặng và nguy kịch.

Hướng dẫn cũng nêu rõ vi rút adeno gây bệnh ở người thường có diễn biến nhẹ, trừ một số trường hợp diễn biến nặng khi có bệnh lý kèm theo như suy giảm miễn dịch, bệnh phổi mạn, bệnh tim bẩm sinh, ung thư, ghép tạng...

Để điều trị triệu chứng tại nhà, Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng hạ sốt: paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần nếu sốt ≥ 38,5° C; cách 4-6 giờ nếu trẻ sốt lại 38,50C.

Cho trẻ mặc thoáng, phòng thoáng khí, khi sốt ngoài uống hạ sốt có thể kết hợp kèm chườm nước ấm (nhiệt độ nước thấp hơn nhiệt độ cơ thể 3-50C)

Cho trẻ uống thêm dung dịch điện giải oresol, ăn nhiều bữa, ăn lỏng; vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng.

Theo dõi phát hiện các dấu hiệu nặng như sốt cao liên tục, không đáp ứng thuốc hạ sốt, thở nhanh, không ăn uống được, nôn mọi thứ, li bì hoặc kích thích vật vã,... cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời.

Trẻ nhiễm vi rút adeno chiếm 4% tổng số bệnh nhân điều trị nội trú Trẻ nhiễm vi rút adeno chiếm 4% tổng số bệnh nhân điều trị nội trú

TTO - Bệnh viện Nhi trung ương cho biết từ đầu năm đến nay số ca nhiễm vi rút adeno điều trị nội trú là 811 trẻ (chiếm 58%). Tỉ lệ chung trẻ mắc vi rút adeno nhập viện chiếm khoảng 4% so với tổng số người bệnh điều trị nội trú.

DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên