Trong thời điểm các hoạt động, đặc biệt hoạt động về giao thông, luôn ở mức cao nhất thì cũng đừng quên quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (nghị định số 168/2024) có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.
Với quy định này, nhiều lỗi vi phạm tăng mức phạt đến hàng chục lần so với quy định hiện hành. Trong đó có ba nhóm hành vi tăng mức xử phạt.
Nhóm đầu tiên là xâm phạm trật tự quản lý nhà nước như dùng biển số giả, che biển số.
Nhóm thứ hai là cố ý vi phạm, làm xấu văn hóa giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều.
Nhóm thứ ba là nhóm hành vi gây ra tai nạn giao thông.
Cụ thể hơn việc mở cửa, để cửa ô tô mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt 20 - 22 triệu đồng (mức phạt hiện hành 400.000 - 600.000 đồng).
Hay hành vi không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều... sẽ bị phạt 18 - 20 triệu đồng (mức phạt hiện hành từ 4 - 6 triệu đồng).
Cách đây 5 năm, nghị định số 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được ban hành vào ngày 30-12-2019.
Quy định này có hiệu lực chỉ 2 ngày sau đó (từ 1-1-2020) cũng xảy ra tranh cãi thời điểm áp dụng quá gấp gáp, nhiều người bất ngờ.
Đại diện Tổng cục Đường bộ VN khi đó giải thích vì tính chất cấp thiết liên quan đến tình hình tai nạn giao thông nên Chính phủ đã cho phép xây dựng dự thảo theo trình tự rút gọn.
Và có thể thấy rằng, sau một thời gian nghị định 100 ra đời - tăng mức xử phạt liên quan đến nồng độ cồn là "liều thuốc đắng" góp phần "dã tật" uống rượu bia vẫn tham gia giao thông, tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia vì thế cũng được kéo giảm.
Đến nay rất nhiều người khi đi tiệc tùng xác định uống bia rượu thì chọn phương án "thà chi mấy chục đi Grab còn hơn tốn vài triệu đồng tiền phạt, quá chát".
Và khi quy định đã đi vào đời sống, các vi phạm đều được xử lý theo tinh thần thượng tôn pháp luật, không có ngoại lệ, không có quen biết, xin xỏ. Từ đó góp phần hình thành nếp văn hóa mới, tích cực hơn: "đã uống rượu bia thì không lái xe".
Nghị định 168 ra đời được xem như "giai đoạn 2", phát huy những kết quả tích cực từ nghị định 100.
Mức phạt hàng chục triệu đồng với một hành vi vi phạm giao thông có thể "mất vài tháng lương", thậm chí bằng 1/4 hay 1/3 giá trị của phương tiện vi phạm, sẽ là "liều thuốc rất đắng" đối với người vi phạm giao thông.
Nhưng "liều thuốc rất đắng" này rất cần thiết trong bối cảnh trật tự giao thông có chuyển biến nhưng còn nhiều vấn đề đặt ra.
Đó là hạ tầng giao thông phát triển chưa tương xứng, tổ chức giao thông còn nhiều bất cập, tình trạng vi phạm giao thông còn phổ biến...
Vì vậy, theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông, để lập lại trật tự an toàn giao thông đòi hỏi việc thực thi pháp luật nghiêm minh, chế tài đủ tính răn đe cũng như tiếp tục kéo giảm tai nạn.
Vấn đề đặt ra thời điểm ban hành (27-12-2024) và có hiệu lực (1-1-2025) của nghị định 168, trong thời gian 5 ngày, cũng khiến nhiều người bỡ ngỡ, bất ngờ.
Lẽ ra để quy định sớm đi vào cuộc sống cần có thêm thời gian để thông tin, truyền thông rộng rãi đến người dân bằng nhiều kênh, nhiều hình thức như báo, đài, áp phích, băng rôn... tại các trạm thu phí hay chính từ lực lượng cảnh sát giao thông... trong ít nhất tuần đầu hoặc tháng đầu thời điểm quy định có hiệu lực, có như vậy việc triển khai vừa có lý lại hợp tình.
Ở chiều ngược lại, người đi đường cũng phải chủ động nắm bắt, tìm hiểu quy định mới này để nghiêm chỉnh chấp hành, đừng vi phạm quy định để dính mức "phạt khủng".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận