14/03/2017 12:27 GMT+7

Vì đâu nên nỗi, hay vì yêu nên nỗi?

HẢI TRIỀU
HẢI TRIỀU

TTO - Đến tham dự buổi sinh hoạt điện ảnh định kỳ của CLB điện ảnh Hồng Hạc chiều chủ nhật vừa qua, người xem được xem lại bộ phim Vì đâu nên nỗi do đạo diễn Phạm Văn Nhận thực hiện năm 1953, dựa trên tiểu thuyết Cha con nghĩa nặng của nhà văn Hồ Biểu Chánh.

*** Error ***
Cảnh trong phim Vì đâu nên nỗi  - Ảnh: Hồng Hạc

 

Một bộ phim có lẽ là rất đặc biệt vì nhiều lẽ.

Đạo diễn thực hiện bộ phim Phạm Văn Nhận, theo lời người con dâu của ông - nữ đạo diễn Việt Linh - chia sẻ, là một người hoàn toàn tay ngang, ông chưa từng trải qua một lớp học điện ảnh nào.

Chỉ vì đam mê với điện ảnh và đau đáu một tình yêu quê hương mà ông và các cộng sự của mình đã thực hiện một bộ phim thuần túy Việt Nam trên... đất Pháp. Thể hiện một câu chuyện với bối cảnh và con người đậm chất miền Nam Việt Nam tại nước Pháp có lẽ là thách thức với ngay cả những êkip làm phim thời nay.

Nhưng trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ bề từ cách đây hơn 60 năm, ông đạo diễn tay ngang vẫn có thể làm ra một bộ phim khiến người xem rung động, vì sự chân chất và hồn vía của một miền Tây Nam Bộ như đang sống lại đầy rung cảm trên màn ảnh.

Sống lại cùng những điệu hò đối đáp trên đồng ruộng, cùng những nhà tranh mái lá, với những con người của một thuở khẩn hoang.

Ở đó, khán giả yêu người cha Trần Văn Sửu, yêu những thằng Tý, cái Quyên... xúc động với tình cha con sâu nặng. Dõi theo từng tiếng khóc cười của một làng quê. Và vỗ tay thở phào cho một cái kết có hậu.

Không khó để chỉ ra những hạn chế về kỹ thuật, diễn xuất của bộ phim. Những cảnh phim bị thay đổi ánh sáng khá tùy tiện. Bối cảnh đôi khi lọt vào những loại cây... châu Âu. Hay diễn xuất đôi khi bị “over” khiến khán giả bật cười...

Nhưng điều mà bộ phim làm được và khỏa lấp tất cả những thiếu sót đó, có lẽ là vì sự chân thực mà nó mang lại. Có những cảnh phim đặc biệt xuất sắc. Như khi người nông dân Sửu vật lộn với kẻ trộm cá trên đồng. Góc quay rộng và diễn xuất của hai diễn viên làm nên một cảnh hành động chân thực giàu cảm xúc.

Hay cảnh người cha vì quá thương con, bỏ chạy khỏi ngôi nhà có các con ông đang say ngủ; thằng Tý đuổi theo cha mình, hai cha con chạy ngang qua một ruộng lúa dưới ánh trăng. Nó bắt kịp cha nó, hai cha con té lăn vòng, khán giả bật cười khi Tý hỏi: “Cha, cha chạy đi đâu mà dữ vậy”. Cười đó, rồi thấy cay cay khóe mắt...

Những sự đồng cảm về tình thương, tình cha con như thế... cứ chạm đến người xem. Có lẽ, không yêu quê hương, không đau đáu với những khóc cười từ câu chuyện của Cha con nghĩa nặng, những nhà làm phim, diễn viên tay ngang, toàn bộ là Việt kiều ngày đó không thể tạo nên một bộ phim trong sáng và đậm chất Nam Bộ đến vậy.

Để xây dựng nên bộ phim, êkip làm phim đã có “tình quê” như một nguyên liệu vô giá. Vẫn là một tín điều xưa cũ, chung quy lại, người ta có thể làm gì nếu không có tình yêu và đam mê thôi thúc?

Bộ phim Vì đâu nên nỗi sẽ tiếp tục được CLB điện ảnh Hồng Hạc trình chiếu vào 16h ngày 26-3 tại sân khấu Hồng Hạc. Vì đâu nên nỗi kể về hoàn cảnh bi đát của gia đình nông dân Trần Văn Sửu. Lỡ phạm tội ngộ sát người vợ lăng loàn, Sửu phải bỏ trốn biệt xứ mười mấy năm ròng. Ông trở về khi các con mình đã lớn khôn và chuẩn bị yên bề gia thất…

HẢI TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên