17/01/2012 07:49 GMT+7

VFF vi phạm Luật dân sự

LS TRƯƠNG XUÂN TÁM
LS TRƯƠNG XUÂN TÁM

TT - "Việc chuyển nhượng thương quyền và các thông tin bên lề của VFF cho AVG ngoài vấn đề bản quyền truyền hình là sự lạm quyền và vi phạm nghiêm trọng Luật dân sự. Đây là một lý do để có thể tuyên bố hợp đồng này vô hiệu".

Read this on Tuoitrenews.vn

Theo như thông tin trên các báo về tranh chấp thương quyền các giải bóng đá 20 năm thời gian vừa qua, sau khi nghiên cứu các điều khoản trong bản hợp đồng của Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) với Tập đoàn truyền thông An Viên (AVG), tôi thấy không khác gì VFF vội bán “lúa non” với những điều khoản rất thiệt thòi cho các CLB.

40fcnnwk.jpgPhóng to

LĐBĐVN (VFF) chưa đủ tư cách pháp lý khi ký hợp đồng bán thương quyền các giải bóng đá cho AVG - Ảnh: Quang Minh

XPmdQTi8.jpgPhóng to

Luật sư Trương Xuân Tám - Ảnh: Thanh Đạm

Về mặt pháp lý, đây là hợp đồng nhượng thương quyền, trong Luật thương mại còn gọi là nhượng quyền thương mại (điều 248 Luật thương mại). Việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng thương quyền còn phải tuân thủ các nguyên tắc và quy định của Bộ luật dân sự. Theo đó, một nguyên tắc cơ bản là chỉ ai có quyền đầy đủ hoặc được ủy quyền hợp pháp mới có quyền chuyển nhượng (tức là anh chỉ được bán cái mà anh có, anh sở hũu) và bên nhận chuyển nhượng cũng chỉ được mua khi anh có đủ tư cách pháp lý để mua, tức là mua cũng phải hợp pháp.

Thế nhưng, khi VFF ký hợp đồng bán thương quyền các giải bóng đá trong vòng 20 năm, họ chưa chứng minh được họ có toàn quyền chuyển nhượng, vì theo điều 53 Luật thể thao và điều 12 nghị định 112 của Chính phủ quy định rất rõ bản quyền truyền hình các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp thuộc về VFF và các CLB bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng thực tế khi ký hợp đồng này, VFF chưa có được ủy quyền hợp pháp bằng văn bản của 28 CLB về việc ủy quyền cho VFF đại diện các CLB đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình các giải thi đấu bóng đá chuyên nghiệp. Như vậy, về tư cách pháp lý của bên bán đã không ổn, có đủ dấu hiệu của việc ký hợp đồng vượt quá thẩm quyền của mình, đây là dấu hiệu thứ nhất, quan trọng nhất dẫn đến hợp đồng vô hiệu.

Dấu hiệu tiếp theo để có thể tuyên hợp đồng này vô hiệu là: khi ký hợp đồng với VFF vào ngày 8-12-2010, AVG chỉ là doanh nghiệp được phép truyền dẫn, phát sóng các chương trình truyền hình chứ không phải là một đài truyền hình, chưa hề có giấy phép sản xuất chương trình truyền hình, do đó họ không có quyền vào sân để ghi hình các trận đấu. Như vậy AVG đã có dấu hiệu vi phạm Luật báo chí.

Hợp đồng của VFF với AVG là dạng chỉ định thầu, chứ không tổ chức đấu thầu công khai, rộng rãi nên có thể còn vi phạm Luật đấu thầu. Theo quy định về đấu thầu, mọi dự án có giá trị dưới 500 triệu đồng mới được chỉ định thầu (khoản 1, điều 20). Với những dự án trên 500 triệu đồng, VFF phải trình văn bản nêu rõ nguyên nhân xin chỉ định thầu và năng lực chính của nhà thầu, cụ thể là năng lực của AVG so với một số nhà thầu khác và phải được cấp trên đồng ý cho phép bằng văn bản, gọi là quyết định chỉ định thầu. Về khoản này VFF cũng chưa thực hiện đúng quy định về chỉ định thầu.

Về nội dung của hợp đồng: hợp đồng dành cho AVG các quyền bao gồm và không giới hạn quá lớn, kéo dài 20 năm, được độc quyền cả các thông tin bên lề, được định nghĩa trong hợp đồng là cả các hoạt động hợp pháp của các cơ quan truyền thông, báo chí khác. Như vậy quả là bó tay hết các báo, đài khác thực hiện chức năng của mình.

Hợp đồng này định nghĩa “Thương quyền được hiểu là tất cả các quyền ghi âm, ghi hình, sản xuất và sở hữu các bản ghi âm, ghi hình, quyền công bố, phát sóng, khai thác doanh thu dưới mọi hình thức và trên mọi phương tiện như báo hình, Internet, báo in...”, như vậy việc chuyển nhượng thương quyền và các thông tin bên lề của VFF cho AVG ngoài vấn đề bản quyền truyền hình là sự lạm quyền và vi phạm nghiêm trọng Luật dân sự. Đây cũng là một lý do nữa để có thể tuyên bố hợp đồng này vô hiệu.

Theo tôi, cơ quan thanh tra cũng không có quyền tuyên bố hợp đồng là vô hiệu, mà chỉ có tòa án mới có quyền xem xét, tuyên bố hợp đồng vô hiệu, khôi phục tình trạng ban đầu trước khi ký hợp đồng, và làm rõ xem hiện nay ai là người có quyền sở hữu thương quyền các giải bóng đá, tránh cuộc tranh chấp kéo dài mãi như thế này.

Hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của Luật cạnh tranh

Hợp đồng giữa VFF và AVG được ký kết dựa theo các quy định của Luật dân sự, Luật thương mại nên vấn đề “bản quyền truyền hình” được xem như một dịch vụ kinh doanh thương mại. Trong khi VFF là đơn vị tổ chức độc quyền tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp, giải bóng đá trong và ngoài quốc gia, ký hợp đồng độc quyền khai thác các giải này cho AVG với nhiều điều khoản thỏa thuận giữa hai bên nhằm ngăn cản, kìm hãm không cho các đơn vị khác tham gia thị trường (như chỉ cho đài truyền hình nào phủ sóng đủ ba miền tham gia phát sóng), phát triển kinh doanh dịch vụ này là vi phạm điều 9 Luật cạnh tranh.

Do hợp đồng đã có vi phạm điều cấm trên nên là vô hiệu. Theo quy định của Luật dân sự, hậu quả của hợp đồng vô hiệu là AVG không có được bản quyền truyền hình.

LS TRƯƠNG XUÂN TÁM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên