23/08/2015 13:52 GMT+7

“Vết dầu” Petrobras loang đáng sợ

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TT - Vụ án tham nhũng khổng lồ ở Brazil đang ngày càng tạo ra những dư chấn khó lường.

Hình nộm thể hiện cựu tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva bị cho là dính líu trong vụ bê bối Petrobras được đoàn biểu tình mang theo ở thủ đô Brasilia hôm 16-8 - Ảnh: Reuters

Theo Reuters, ngày 21-8 Tòa án tối cao về bầu cử của Brazil (TSE) đã yêu cầu điều tra liên quan việc tài trợ quỹ vận động tranh cử hồi năm 2014 giúp Tổng thống Dilma Rousseff tái đắc cử.

Ông Gilmar Mendes, phó chủ tịch TSE, cho biết cuộc điều tra tiến hành đã 17 tháng qua liên quan vụ tham nhũng tồi tệ của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras cho thấy có dấu hiệu Đảng Lao động (PT) cầm quyền của bà Rousseff được tài trợ gián tiếp từ nguồn tiền bòn rút từ Petrobras.

Dấu hiệu ảnh hưởng xấu từ vụ tham nhũng khổng lồ ở Tập đoàn Petrobras không ngừng làm hoen ố uy tín bà tổng thống mà thậm chí đang đe dọa sinh mạng chính trị của bà, người vốn có thời gian nằm trong ban điều hành Petrobras.

Rờ gáy các ông lớn

Trước đó ngày 20-8, Tòa án tối cao Brazil đã chính thức ra lệnh điều tra chủ tịch hạ viện đương nhiệm Eduardo Cunha do ông này bị tình nghi liên quan tới vụ Petrobras.

Báo Les Echos dẫn nguồn tòa án cho biết ông Cunha đã nhận 5 triệu USD tiền hối lộ từ hợp đồng mua hai giàn khoan dầu khí của Petrobras. Luật pháp Brazil quy định chỉ có tòa án tối cao mới được quyền xét xử các nghị sĩ và bộ trưởng. Ngoài ra, tòa án cũng ra lệnh điều tra nguyên tổng thống Fernando Collor de Melo, cầm quyền từ năm 1990 - 1992.

Liên quan tới vụ bê bối của Petrobras, 30 nghị sĩ đang bị cảnh sát điều tra, hơn 100 cá nhân chính thức bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil và hàng chục chính trị gia thuộc liên minh cầm quyền.

Vụ tham nhũng tại Petrobras bị phanh phui từ tháng 3-2014 sau khi ông Roberto Costa, giám đốc cung ứng của tập đoàn này, khai báo nhận tiền hối lộ từ mạng lưới rửa tiền quy mô lớn do những doanh nghiệp xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil là đối tác của tập đoàn cấu kết thành lập.

Theo cảnh sát, đường dây này đã dùng khoảng 4 tỉ USD hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức lãnh đạo của Petrobras. Tập đoàn này đã mất khoảng 2 tỉ USD trong vụ tham nhũng nói trên.

Tổng thống Rousseff đang đối mặt nhiều khó khăn - Ảnh: Reuters

Dựa vào kinh tế

Hôm 16-8, khi hàng trăm ngàn người dân Brazil xuống đường biểu tình ở cả 200 thành phố của đất nước Nam Mỹ này, người ta thấy họ có chung một mục đích: kêu gọi luận tội hoặc phế truất tổng thống - người mà họ cho là đang làm kinh tế đất nước lụn bại.

Ở những cuộc biểu tình khổng lồ trước đó, các mục tiêu đa dạng nhưng chung quy cũng chỉ nhằm tỏ rõ sự giận dữ về tình hình cuộc sống khó khăn. Điều đó thể hiện qua tỉ lệ ủng hộ của nhà lãnh đạo Brazil hiện chỉ có 8% - mức tín nhiệm thấp chưa từng thấy trong 30 năm qua.

Hẳn hiểu được sự giận dữ từ đường phố nên bà Rousseff quyết giải tỏa căng thẳng bằng cách cứu vãn nền kinh tế qua các giải pháp “thắt lưng buộc bụng”.

Hôm 20-8, Thượng viện và Quốc hội Brazil vừa thông qua dự luật tăng thu thuế chống thâm hụt ngân sách do Tổng thống Dilma Rousseff đệ trình. Theo Reuters, kết quả bỏ phiếu khép lại nhiều tháng tranh cãi quyết liệt xung quanh kế hoạch thắt lưng buộc bụng của bà Rousseff nhằm cứu vãn uy tín cho nền kinh tế Brazil.

Đây là một thắng lợi cực kỳ sít sao trong tình thế Đảng PT của bà Rousseff không còn đủ mạnh ở lưỡng viện. Người ta cho rằng lá phiếu thuận lần này cũng phần nào chịu ảnh hưởng từ giới chủ trong nước vì họ tỏ ý ủng hộ bà Rousseff trong tình thế chẳng đặng đừng: gây rối thêm về chính trị (hạ bệ bà Rousseff) thì kinh tế Brazil, nền kinh tế lớn thứ bảy thế giới, có thể sụp đổ theo luôn trong bối cảnh đã quá lộn xộn hiện nay.

Chính họ đã phải ra tay hỗ trợ. Mới tuần trước, chủ tịch Thượng viện Renan Calheiros, một chính khách quyền lực đại diện cho các nghiệp đoàn nông nghiệp và sản xuất của Brazil, trao cho bộ trưởng Bộ Tài chính Joaquim Levy cùng 30 nghị sĩ thuộc chính phủ lẫn phe đối lập bản danh sách 28 mục cải cách để đưa Brazil ra khỏi suy thoái. Ngay lập tức, chính phủ Rousseff đón nhận đề nghị này và hứa sẽ xem xét.

Theo Reuters, “lấy lòng” được một đồng minh chính trị, bà Rousseff tháo ngòi nguy cơ bị luận tội. Là một lực lượng hùng mạnh đằng sau chính trường, giới doanh nghiệp Brazil dù bất mãn với chính sách can thiệp thô bạo vào nền kinh tế của Tổng thống Rousseff, đa số họ lại sợ việc luận tội bà sẽ mở ra một giai đoạn bất ổn chính trị giữa lúc kinh tế đã suy thoái nặng.

Tất nhiên giờ đây bà Rousseff phải chứng minh mình làm được gì. Giới chủ kinh tế đã dựng lên được thì cũng có thể đạp đổ đi được...

Số đông muốn truy cứu trách nhiệm tổng thống

Dù thoát hiểm, nguy cơ vẫn còn đó với Tổng thống Rousseff và đất nước Brazil. Ngoài sự bất mãn trong dân chúng ngày càng tăng, phe đối lập không ngừng cáo buộc bà Rousseff nhận tiền tài trợ tranh cử bất hợp pháp và làm giả các tài khoản công.

Đảng PT nắm quyền đã hơn 12 năm. Dân chúng kết tội đảng này đang “thể chế hóa” tham nhũng. Hồi đầu tháng, một trong những người sáng lập PT là José Dirceu bị cảnh sát bắt giam do tình nghi ông này “đạo diễn” vụ tham nhũng hàng tỉ USD tại Tập đoàn Petrobras.

Cơn giận dữ của người dân đối với giới lãnh đạo cũng dễ hiểu khi tăng trưởng kinh tế Brazil được dự đoán sẽ mất 2% trong năm nay, lạm phát gần 10% trong khi số người thất nghiệp tăng vọt.

Theo Hãng tin Mercopress, các cuộc thăm dò ý kiến tại Brazil cho kết quả cứ 10 người thì có đến 7 người muốn bà Rousseff bị truy cứu trách nhiệm vì khiến kinh tế Brazil lâm vào suy thoái, trong đó tính cả vụ Petrobras.

 

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên